• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ nguyên nhân Mỹ "mướt mải" chạy đuổi Nga, Trung Quốc trong chạy đua vũ khí siêu thanh

Thế giới 17/07/2020 20:09

(Tổ Quốc) - Một số quan chức quốc phòng Mỹ mới đây đã chia sẻ với hãng tin CNN về loại tên lửa siêu thanh từng được Tổng thống Donald Trump ca ngợi là "siêu" vũ khí quân sự mới, đồng thời là một nỗ lực để bắt kịp với các chương trình vũ khí siêu thanh của Mỹ và Trung Quốc.

Theo một quan chức cấp cao loại tên lửa mà ông Trump thường miêu tả là nhanh gấp " 17 lần" so với tốc độ âm thanh, từng được thử nghiệm hồi tháng 3 tại Thái Bình Dương.

"Điều tổng thống đề cập tới thực sự là một cuộc thử nghiệm bay mà chúng tôi đã tiến hành hồi tháng 3 khi chúng tôi bay với tốc độ nhanh gấp 17 lần so với âm thanh", quan chức trên cho hay.

Tuy nhiên, những thành tựu của Mỹ cho tới thời điểm này vẫn còn cách khá xa so với những hệ thống vũ khí đã được Moscow và Bắc Kinh triển khai. Tên lửa Mỹ gần như chắc chắn sẽ chưa thể đi vào hoạt động cho tới năm 2023.

Tên lửa siêu thanh được định nghĩa là loại tên lửa có thể di chuyển với tốc độ nhanh gấp ít nhất 5 lần so với vận tốc âm thanh, tương đương hơn 6.115km/h, có tính cơ động cao và có khả năng hoạt động ở các độ cao khác nhau.

Tổng thống Trump từng ca ngợi mẫu tên lửa đang được Lầu Năm góc phát triển trong ít nhất 3 dịp khác nhau. Ông gọi đó là "siêu" tên lửa có thể di chuyển nhanh gấp 17 so với bất kỳ loại tên lửa nào trong kho vũ khí của Mỹ hiện tại.

Hé lộ nguyên nhân Mỹ "mướt mải" chạy đuổi Nga, Trung trong chạy đua vũ khí siêu thanh - Ảnh 1.

Mỹ đang "chậm chân" hơn so với Nga và Trung Quốc trong cuộc chạy đua chế tạo vũ khí siêu thanh (ảnh: CNN)

Khó để phòng thủ hơn rất nhiều

Do tốc độ cực nhanh và dễ dàng di chuyển trong không trung, tên lửa siêu thanh được đánh giá là rất khó để đánh chặn nếu chỉ sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường. So với các tên lửa đạn đạo truyền thống, quỹ đạo bay của tên lửa siêu thanh khó dự đoán hơn rất nhiều.

"Những nỗ lực phòng thủ trước một vũ khí siêu thanh chưa xác định được quỹ đạo bay trở nên rất khó khăn", một quan chức quốc phòng nói với CNN.

Người này cũng tiết lộ, ông Trump đã được báo cáo về chi tiết của chương trình vũ khí siêu thanh và "hiểu rõ cũng như ủng hộ những tiến bộ mà chương trình đạt được". "Hiện chúng tôi nhận được sự quan tâm và hỗ trợ ở mức độ tổng thống", quan chức quốc phòng cho hay.

Với mục tiêu sớm nhất là 2023, sẽ còn mất vài năm nữa quân đội Mỹ mới có thể đưa vào sử dụng một loại vũ khí siêu thanh. Trong khi đó, các đối thủ của Mỹ như Nga và Trung quốc đều tuyên bố đã bắt đầu khai thác những vũ khí như vậy.

Theo Moscow, tên lửa siêu thanh có tên gọi "Avangard" của họ đã đảm nhiệm "nghĩa vụ chiến đấu" từ năm ngoái. Quân đội Nga cũng đã thử nghiệm một phiên bản tên lửa siêu thanh phóng từ trên không là Kinzhal và có thể sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay.

Phát triển tên lửa của Trung Quốc

Bắc Kinh đã cho ra mắt mẫu vũ khí siêu thanh của riêng mình là tên lửa DF-17 trong một cuộc duyệt binh gần đây.

Mỹ từng thừa nhận cần phải cố gắng để bắt kịp Moscow và Bắc Kinh. Lầu Năm góc đã đề xuất hàng nghìn USD ngân sách cho phát triển vũ khí siêu thanh.

"Tôi có đầy đủ tự tin rằng chúng tôi sẽ đuổi kịp và chúng tôi đang đầu tư vào siêu thanh", Trợ lí Bộ trưởng Quốc phòng phụ Mỹ phụ trách về Chiến lược, Kế hoạch và Năng lực Vic Mercado chỉ ra. Cũng theo ông Mercado, năng lực của Trung Quốc và Nga là một yếu tố hoạch định chính cho Lầu Năm góc.

Còn quan chức quốc phòng cấp cao chia sẻ với CNN, nguyên nhân mà Mỹ "chậm chân" hơn so với Nga và Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh là do Mỹ cố tình tránh cải biến công nghệ siêu thanh cho các vũ khí cho tới thời gian gần đây. Sự thay đổi này được quyết định trên cơ sở những động thái của Moscow và Bắc Kinh trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh.

Trong bốn hoặc năm thập kỷ, "Mỹ từng dẫn đầu trong công nghệ siêu thanh. Nhưng chúng tôi luôn tránh đưa ra quyết định chuyển đổi công nghệ đó vào các ứng dụng chiến đấu trong chiến tranh", quan chức cho biết. "Nguyên nhân khiến chúng tôi thay đổi là do các đối thủ đã quyết định phát triển các hệ thống siêu thanh của họ và điều đó thật sự tạo ra một tình trạng bất cân xứng tiềm năng trong năng lực chiến đấu, mà chúng tôi không thể chấp nhận được nếu chúng tôi muốn duy trì sức mạnh quân sự thống trị của mình".


Chương trình vũ khí siêu thanh của Mỹ chủ yếu tập trung vào 2 loại tên lửa: một "hệ thống thúc đẩy trượt" cải biến từ một tên lửa đạn đạo truyền thống và một tên lửa hành trình siêu thanh.

Tầm di chuyển cực lớn

Từng được thử nghiệm hồi tháng 3, "hệ thống thúc đẩy trượt" đặt một thiết bị trượt cơ động ở phía trên một tên lửa đạn đạo, khiến tên lửa mở rộng khả năng di chuyển với vận tốc siêu thanh.

Loại vũ khí này được cho là có tầm di chuyển rất lớn, trên 1.600 km nhưng lại đắt đỏ và có kích thước lớn hơn các loại tên lửa hành trình.

Mẫu tên lửa siêu thanh thứ hai mà Mỹ đang phát triển là một tên lửa hành trình siêu thanh. Nó giống như tên lửa hành trình thông thường như Tomahawk – loại vũ khí từ lâu đã được quân đội Mỹ sử dụng để tấn công các mục tiêu kẻ thù. Tên lửa siêu thanh mới có thể di chuyển nhanh hơn gấp 10 lần so với tên lửa Tomahawk.

Theo quan chức quân đội Mỹ, cả hai loại tên lửa có thể được sử dụng kết hợp, với tên lửa trượt có tầm di chuyển xa hơn nhằm vào hệ thống phòng thủ trên không của đối thủ; còn các phi cơ chiến đấu sẽ được tranh bị tên lửa hành trình siêu thanh để có thể bay tới gần hơn và tấn công nhiều mục tiêu kẻ thủ hơn.

Tuy nhiên, quan chức trên cũng tiết lộ, một sự khác biệt lớn giữa các vũ khí trong kế hoạch của Mỹ với Trung Quốc và Nga chính là, các tên lửa của Mỹ không được thiết kế để sở hữu năng lực hạt nhân.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ