• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ loạt bất lợi chờ Tổng thống Trump trước thềm thượng đỉnh Mỹ, Triều lần hai

Thế giới 19/01/2019 09:16

(Tổ Quốc) - Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sẽ diễn ra vào cuối tháng Hai, nhưng địa điểm tổ chức vẫn còn là một ẩn số.

Hôm thứ Sáu (18/1, giờ Mỹ), Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng Hai; tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng.

Thông báo trên được đưa ra sau khi ông Trump gặp gỡ ông Kim Yong-chol - một cựu điệp viên điệp viên theo đường lối cứng rắn và giờ đang là một trong những nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên.

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders, địa điểm cho thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sẽ được công bố sau. Bà Sanders cũng cho biết, cuộc nói chuyện của Tổng thống Trump với đặc phái viên Triều Tiên có kết quả tốt, nhưng Mỹ "vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên áp lực và các lệnh trừng phạt với Triều Tiên".

Hé lộ loạt  bất lợi chờ Tổng thống Trump trước thềm thượng đỉnh Mỹ, Triều lần hai - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donal Trump tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất (ảnh: getty)

Tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất, nhà lãnh đạo Kim đã đưa ra các cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; tuy nhiên, Bình Nhưỡng bị cho là vẫn chưa thực hiện các bước đi cụ thể theo những gì mà Washington mong muốn.

Mặc dù vậy, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều đều bày tỏ hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh lần hai – điều mà theo một số nhà phân tích từ phía Mỹ, là vẫn còn quá sớm.

Giới phê bình chỉ trích, cuộc gặp hai bên đầu tiên chỉ làm tăng danh tiếng của ông Kim trên trường quốc tế; trong khi một số người khác tin rằng, ông Trump chỉ đang tận dụng thượng đỉnh lần hai để hướng dư luận ra khỏi những rắc rối nội bộ mà ông đang mắc phải.

Ngay sau thượng đỉnh tại Singapore, Tổng thống Mỹ tuyên bố, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đã kết thúc. Nhưng vài giờ trước khi ông Kim Yong-col đặt chân tới Washington hôm thứ Năm (17/1), người đứng đầu Nhà Trắng lại hé lộ một chiến lược phòng thủ tên lửa được làm mới của Mỹ, trong đó coi Triều Tiên là "mối đe dọa đặc biệt" và đang diễn ra.

Cả hai quốc gia phải cho thấy ít nhất một vài lợi ích chung từ những nỗ lực ngoại giao trong hội nghị thượng đỉnh thứ hai; nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ là những cố gắng của họ sẽ bị chê cười và so sánh với một chương trình truyền hình thực tế.

Harry Kazianis

Harry Kazianis, một nhà phân tích đến từ Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở tại Washington, đánh giá thỏa thuận tiến hành thượng đỉnh lần hai là "tích cực". Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: "Cả hai quốc gia phải cho thấy ít nhất một vài lợi ích chung từ những nỗ lực ngoại giao trong hội nghị thượng đỉnh thứ hai; nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ là những cố gắng của họ sẽ bị chê cười và so sánh với một chương trình truyền hình thực tế".

Việt Nam hiện được coi là địa điểm hàng đầu để diễn ra cuộc gặp mặt tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều. Bên cạnh đó, vẫn có một số cái tên khác như Bangkok, Hawaii, thậm chí là Singapore.

Tìm kiếm chính sách "thắng lợi" khiến ông Trump càng dễ bị bất lợi?

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ nói, trong cuộc gặp giữa ông Trump và đặc phái viên Triều Tiên, hai bên đã trao đổi thư từ gửi cho các nhà lãnh đạo tối cao. Nội dung của các bức thư chưa được hé lộ.

Trong chuyến công du trước tới Washington tháng 6/2018, ông Kim Yong-chol cũng trao cho Tổng thống Trump một lá thư từ Chủ tịch Kim Jong-un, nhằm giúp tháo bỏ những khó khăn trước thềm thượng đỉnh tại Sinapore.

Ông Kim Yong-chol cũng đã tiến hành thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun.

Theo một thông cáo phát đi từ Bộ Ngoại giao Mỹ sau cuộc gặp giữa ông Pompeo và Kim Young-chol, hai bên đã "có được một cuộc gặp tốt đẹp đầu tiên", và ông Biegun sẽ tới Thụy Điển vào cuối tuần này để tham dự một hội nghị quốc tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cũng sẽ có mặt tại hội nghị trên. Washington được cho là từng muốn tổ chức gặp mặt giữa ông Biegun và Thứ trưởng Choe, nhưng lại bị Triều Tiên từ chối.

Ngoại trưởng Pompeo đã lên kế hoạch gặp gỡ ông Kim Yong-chol từ tháng 11 năm ngoái, nhưng vào phút chót, cuộc gặp bất ngờ bị hủy bỏ.

Triều Tiên muốn có dấu hiệu rõ ràng liên quan tới những gì mà Mỹ muốn đặt lên bàn đàm phán.

Jenny Town

Các nhà phân tích tại Mỹ nhận định, Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ tìm kiếm một thông điệp rõ ràng từ chính quyền Trump về bất kỳ nhượng bộ nào mà Washington sẵn lòng chấp nhận.

"Triều Tiên muốn có dấu hiệu rõ ràng liên quan tới những gì mà Mỹ muốn đặt lên bàn đàm phán", Jenny Town, một chuyên gia về Triều Tiên tại tổ chức chính sách 38 North phân tích.

Trong khi đó, hôm thứ Tư (16/1), Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết, nếu Triều Tiên thực hiện những bước cụ thể theo chương trình xóa bỏ vũ khí của mình, Washington có thể đưa ra khả năng thực sự chấm dứt cuộc chiến tranh triều Tiên 1950-53, viện trợ nhân đạo hoặc một kênh đối thoại song phương lâu dài.

Còn Victor Cha, một cựu cố vấn Nhà Trắng về châu Á dưới thời Tổng thống George W. Bush dự đoán, việc ông Trump tìm mọi cách để có được một chính sách "thắng lợi" có thể khiến ông dễ bị vướng vào một thỏa thuận không có lợi với Triều Tiên.

"Tôi lo ngại thời điểm đem lại ưu thế cho Triều Tiên", ông Cha chỉ ra, đề cập tới những áp lực mà Tổng thống Trump đang phải hứng chịu hiện tại, như tình trạng đóng cửa một phần của chính phủ Mỹ, cuộc điều tra các quan hệ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump với Nga…

Đầu tháng này, người đứng đầu nước Mỹ từng ca ngợi những tiến triển từ phía Triều Tiên khi tuyên bố, Bình Nhưỡng đã dừng thử nghiệm tên lửa và bom; đồng thời nếu không có chính quyền của ông, thế giới "đã phải đối mặt với một cuộc chiến lớn tại châu Á".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ