• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ loạt trừng phạt mới Mỹ nhắm vào Nga

Thế giới 23/02/2021 17:05

(Tổ Quốc) - Tờ Politico đăng tải, để đáp trả lại vụ việc nhà lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc và giam giữ, nước Mỹ đang chuẩn bị bắt tay cùng các đồng minh châu Âu bắt đầu vòng trừng phạt mới lên Moscow.

Động thái của Washington sẽ đánh dấu sự thay đổi so với thời Tổng thống Donald Trump. Theo một nguồn tin, sau khi ông Navalny bị đầu độc, chính quyền tiền nhiệm đã chuẩn bị một gói trừng phạt cho Nga, tuy nhiên lại không bao giờ thực hiện nó. Vòng trừng phạt mới còn là bước đi đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm gây sức ép lên Nga trong lĩnh vực nhân quyền. Đây cũng là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ mà Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Anton Blinken từng đề cập.

Một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên từ chối bình luận về phản ứng của Mỹ nhưng nhấn mạnh, "chúng tôi đang cân nhắc các lựa chọn".

Cáo buộc lực lượng an ninh Nga đứng sau vụ đầu độc ông Navalny vào nửa cuối năm ngoái và quyết định gần đây của Moscow là bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập – được coi là nguyên nhân chính khiến Washington phải nhanh chóng có động thái đáp trả, ngay cả khi một chính sách Mỹ-Nga rộng hơn vẫn còn đang trong quá trình tái xem xét.

Hé lộ loạt trừng phạt mới Mỹ nhắm vào Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sẵn sàng áp dụng các lệnh trừng phạt mới lên Moscow? (ảnh: Reuters)

Theo một số chuyên gia về Nga, Mỹ không nên chờ đợi hoàn thiện chính sách rồi mới phản ứng. "Đúng là cần phải xem xét [chính sách] ở quy mô lớn hơn nhưng trong vấn đề Navalny, cần phải sớm có hành động", cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ từ năm 2005-2009, Daniel Fried, nói.

Tháng 8/2020, ông Navalny được cho là bị đầu độc bằng chất độc hóa học Novichok. Điện Kremlin phủ nhận mọi liên quan. Tuy nhiên, hồi tháng 12, Bộ Ngoại giao Mỹ từng công khai tuyên bố Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đứng sau vụ việc. Sau nhiều tháng điều trị tại Đức, Navalny quay trở về Moscow và bị bắt giữ với tội danh vi phạm lệnh quản chế. Đầu tháng Hai, ông bị kết án gần 3 năm tù.

Trong khi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ vẫn chưa hoàn tất quá trình xem xét lại chính sách quan hệ Mỹ-Nga, chính quyền Biden cũng không xử lý vấn đề Navalny từ bước đầu tiên. Hai quan chức giấu tiên tiết lộ, một gói lệnh trừng phạt toàn diện từ chính quyền tiền nhiệm đã được chuyển giao cho tân tổng tống thống trong thời gian quá độ.

Gói trừng phạt đề xuất 3 loại hình thức: Đạo luật Magnitsky nhằm vào các cá nhân bắt giữ ông Navalny; các lệnh trừng phạt theo Đạo luật KIểm soát Vũ khí Sinh- hóa học và Loại bỏ Chiến tranh năm 1991; và các lệnh trừng phạt theo Chỉ thị Hành pháp 13382 yêu cầu "đóng băng các tài sản của những nhà sản xuất vũ khí sát thương hàng loạt và các nguồn hỗ trợ. Cũng theo gói trừng phạt, Mỹ sẽ ngừng cấp visa cho một số quan chức Nga và hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm có liên quan tới chế tạo vũ khí từ Nga.

Hiện chưa rõ tại sao đề xuất gói trừng phạt lại không được triển khai vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump. Tuy nhiên, cựu tổng thống được biết tới là người luôn tránh trừng phạt Điện Kremlin hoặc đối đầu trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Để đi vào áp dụng, gói trừng phạt cần phải được ông Trump phê chuẩn.

Cho dù đáp trả ra sao, gần như chắc chắn chính quyền mới sẽ không sử dụng toàn bộ những gì mà đội ngũ an ninh quốc gia của chính quyền trước để lại. Hai quan chức phía trên cho hay, Hội đồng An ninh Quốc gia hiện tại nhìn nhận gói trừng phạt mang tính đơn phương quá cao và không phù hợp với cam kết của Tổng thống Biden là hợp tác nhiều hơn với các đối tác của Mỹ trong các động thái chính sách đối ngoại chủ chốt.

Mặc dù vậy, Mỹ dường như vẫn tụt lại phía sau các đồng minh. Tháng 10 ngoái, phản ứng trước vụ việc Navalny, EU đã trừng phạt 6 người Nga và một cơ sở khoa học nhà nước. Mới đây, Liên minh châu Âu cũng tuyên bố kế hoạch trừng phạt thêm 4 quan chức cấp cao khác của Nga.

Theo ông Ryan Tully, người từng giữ vị trí Giám đốc cấp cao về Châu Âu và Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong 6 tháng cuối chính quyền Trump, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ là bước đi chủ chốt tiếp theo – cùng với nỗ lực chấm dứt đường ống xuất khẩu khí đốt là Nord Stream 2, từ Nga tới châu Âu qua Biển Baltic. Cho tới nay Tổng thống Biden vẫn phản đối áp dụng thêm trừng phạt trong vấn đề này. Lập trường bảo hộ của Đức đối với Nord Stream 2 càng khiến tình hình phức tạp thêm, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang muốn hàn gắn quan hệ với Thủ tướng Đức Angela Merkel sau thời gian dài quan hệ song phương trở nên căng thẳng dưới thời Trump.

"Về cơ bản, những công cụ trừng phạt sẽ không thay đổi tính toán hoặc cách hành xử của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, tạo ra nguy cơ cho Nord Stream 2 lại có thể làm được điều đó và sẽ khiến nước Nga mất đi hàng tỷ USD", ông Tully chỉ ra.


Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ