• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ mục tiêu tiếp theo của “sóng gió” Qatar

Thế giới 18/06/2017 14:35

(Tổ Quốc) - Một kịch bản viết sẵn đã chuẩn bị mục tiêu kế tiếp sau Qatar cho khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh?  

Hôm thứ Tư (14/6), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đến Doha để gặp gỡ người đồng cấp Mohammed bin Adbulrahman al Thani và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani.

Nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ Samer Saleha chia sẻ với hãng tin Sputnik về lập trường của Ankara liên quan đến cuộc khủng hoảng Qatar và vai trò của các quốc gia khác trong những căng thẳng ngoại giao này.

Đầu tháng 6, Arab Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab (UAE) và Hy Lạp đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời áp dụng các lệnh phong toả đường biển, đường không và đường bộ đối với Qatar. Các nước này cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố và gây bất ổn cho khu vực.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ chọn “sát cánh” cùng Qatar?

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Đông khác đã từ chối ủng hộ chiến dịch tẩy chay trên và bắt đầu thực hiện những nỗ lực giúp đỡ Qatar thoát khỏi sự cô lập. Theo ông Saleha, ngay cả trước khi Ngoại trưởng Cavusoglu đặt chân đến Doha, Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ rõ lập trường của mình và chuyến thăm này chỉ là một bằng chứng khác cho thấy, Ankara đứng về phía Qatar.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố hôm 06/6, Ankara sẽ tiếp tục quan hệ ngoại giao với Qatar, và sẽ cố gắng tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại.

“Tôi nghĩ một trong những lý do [cho sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ] là để bảo vệ những lợi ích chính trị và kinh tế chung giữa hai nước. Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Ankara và Doha ngày càng phát triển. Hơn nữa, Qatar đã nhiều lần ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ về mặt chính trị, bao gồm trong cả sự kiện đảo chính quân sự trước đây. Đặc biệt, quan hệ song phương hai bên phát triển đã dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ đặt căn cứ quân sự tại Qatar,” ông Saleha chỉ ra.

Trong khi đó, vào ngày 09/6, Tổng thống Erdogan đã thông qua quyết định triển khai quân lính Thổ Nhĩ Kỳ đến Qatar. Theo Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar Ahmet Demirok, khoảng 3.000 quân sỹ của nước này, thuộc bộ binh, không quân và hải quân, cũng như các sỹ quan hướng dẫn và lực lượng đặc biệt, sẽ được triển khai đến căn cứ tại Qatar.

Thổ Nhĩ Kỳ có phải là mục tiêu tiếp theo của khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh?

Cùng lúc, Saleha cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo toàn mối quan hệ giữa Ankara với Arab Saudi và UAE. Tuy nhiên, sau khi công khai thể hiện sự ủng hộ với Qatar trong cuộc khủng hoảng, nhiệm vụ này trở nên khó đạt được.

“Ankara có thể giữ mối quan hệ với Arab Saudi bằng một thái độ thật lòng và công bằng. Tôi nghĩ ngài Ngoại trưởng nên thăm Riyadh càng sớm càng tốt. Kể từ khi khủng hoảng xảy ra, những nỗ lực của Ankara để thiết lập đối thoại với Vùng Vịnh vẫn chưa đủ. Họ nên tăng cường thêm,” nhà phân tích cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng, tình huống hiện tại không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của các nước lớn trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Theo Saleha, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đã góp phần giúp cuộc khủng hoảng giảm bớt leo thang.

“Cần phải ngăn chặn cuộc khủng hoảng này trở thành một cuộc đối đầu quân sự mở. Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định gửi thực phẩm đến Qatar. Ankara cũng đã thông qua việc triển khai quân tại đây. Những động thái này rất quan trọng. Tuy nhiên, có các quốc gia cũng đang hộ trợ Qatar như Iran, Pháp và Đức,” ông Saleha nói.

Sau Qatar, mục tiêu tiếp theo sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ?

Chuyên gia chính trị cũng chia sẻ những nhận định về các hệ quả có thể xảy ra cho Thổ Nhĩ Kỳ từ cuộc khủng hoảng Qatar. Ông phân tích: “Trong tình huống này, Thổ Nhĩ Kỳ tin, họ có khả năng trở thành mục tiêu tiếp theo [sau Qatar]. Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và các chuyên gia cho rằng, một cuộc tấn công hướng vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra sau đó. Nó sẽ được thực hiện bởi cả các nước Vùng Vịnh và Mỹ. Giả thuyết này trở nên có cơ sở hơn sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Riyadh. Đây là nguyên nhân tại sao Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng nhanh và quyết liệt như vậy. Cuộc khủng hoảng Qatar có thể là một phần trong kế hoạch của Mỹ tại khu vực.”

“Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều phản đối kế hoạch này. Họ muốn nhìn nhận cuộc khủng hoảng Qatar từ một góc nhìn khác. Đổi lại, Washington đã lờ đi những đề xuất của họ để áp đặt cách nhìn riêng của mình. Người Mỹ muốn đạt được điều gì đó từ cuộc khủng hoảng này, bởi vì nó phục vụ cho lợi ích quốc gia của họ,” chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nhận định.

Ông Saleha cũng đồng tình rằng, cuộc khủng hoảng Qatar chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại với sự tham gia của tất cả các nước Vùng Vịnh liên quan: “Tôi nghĩ tình huống sẽ trở nên phức tạp hơn như là cách phản ứng trước sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Điều này giải thích tại sao Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nên thăm Riyadh và Dubai càng sớm càng tốt.”

(Theo Sputnik)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ