(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ đã cử Ngoại trưởng tới Qatar ngày 14/6 như một nỗ lực để giảm căng thẳng ngoại giao giữa Doha với các nước Ảrập vùng Vịnh khác.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cử Ngoại trưởng tới Qatar ngày 14/6 như một nỗ lực để giảm căng thẳng ngoại giao giữa Doha với các nước Ảrập vùng Vịnh khác.
Saudi Arabia, Ai Cập, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Bahrain đã cắt quan hệ ngoại giao và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Qatar, cáo buộc họ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và thân cận đối thủ của các nước này trong khu vực là Iran – điều Doha hoàn toàn bác bỏ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. (Nguồn: Reuters) |
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với hãng thông tấn Qatar QNA khi đến rằng: "Chúng tôi không muốn có bất kỳ sự khác biệt nào giữa những người anh em của chúng ta trong khối GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh)" và "Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có này giữa các nước anh em trong GCC."
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có quan hệ chặt chẽ với Qatar, thiết lập một căn cứ quân sự ở nước này trong khi vẫn giữ được mối quan hệ với Saudi Arabia.
Ông Cavusoglu sẽ gặp Quốc vương Qatar Emir Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani và đài truyền hình Al Jazeera của Qatar cho biết điểm dừng tiếp theo của ông là Kuwait – hiện cũng đang tìm kiếm biện pháp hòa giải tranh chấp.
Các nước láng giềng vùng Vịnh bảo thủ đã nhìn nhận chính sách đối ngoại của Qatar với sự nghi ngờ, đặc biệt là việc từ chối tránh xa người Shi'ite Iran, trong khi hoạt động của Al Jazeera đã dấy lên sự chỉ trích vì sẵn sàng đưa ra những quan điểm được cho là không được hoan nghênh hay những quan điểm bất đồng từ khắp khu vực.
Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh chưa công bố chính thức yêu cầu của họ với Qatar, tuy nhiên một phóng viên của Al Jazeera đã chia sẻ trên Twitter một danh sách nội dung bao gồm đòi hỏi Qatar sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, trục xuất các thành viên của nhóm Hồi giáo Hamas Palestine và nhóm MB đang sống ở Doha.
Các yêu cầu trên cũng bao gồm việc chấm dứt hỗ trợ cho "các tổ chức khủng bố" và chấm dứt "can thiệp" vào các vấn đề của Ai Cập – điều Qatar phủ nhận.
Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry nói với các phóng viên tại Cairo rằng các điều kiện đặt ra cho Qatar là cần thiết cho an ninh quốc gia của Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain và UAE, hãng tin nhà nước Ai Cập MENA đưa tin. "Động thái này sẽ mang lại các kết quả cụ thể, nhanh chóng và quyết đoán".
Tác động của cuộc khủng hoảng này đang lan rộng ra ngoài khu vực.
Qatar cho biết họ đã rút quân khỏi biên giới giữa các nước Đông Phi Djibouti và Eritrea, nơi Doha từng đóng vai trò hòa giải trong một cuộc tranh chấp biên giới. Nước này không đưa ra lý do, nhưng trước đó Djibouti cũng đã giảm cấp độ quan hệ ngoại giao với Qatar.
(Theo Reuters)