(Tổ Quốc) - Chiến dịch gây sức ép lên Iran của Mỹ đem tới nhiều hệ quả ngoài mong muốn, trong đó bao gồm cả lợi thế cho Nga.
Trang National Interests nhận định, việc chấm dứt các lệnh miễn trừng phạt của Mỹ dành cho một số quốc gia nhập khẩu dầu của Iran, cho thấy ngày nay, thậm chí cả Washington cũng rất khó có thể đạt được những mục tiêu chính sách đối ngoại của mình mà không phải gánh chịu những tổn thất đáng kể. Nga hiện đang đứng ở vị trí thuận lợi để cung cấp số lượng dầu mỏ bị thiếu hụt trên thị trường thế giới, do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Mỹ dành cho Iran. Điều này cũng thúc đẩy hợp tác giữa Moscow với những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại Mỹ; từ đó dẫn đến những lợi thế mới mà Moscow có được trước Washington.
Nga có cơ hội lớn từ các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran (ảnh: getty)
Trong những thập kỷ gần đây, vị thế của dầu mỏ trên chính trường quốc tế luôn thay đổi; từ "dầu đỉnh điểm" tới "vũ khí năng lượng", và từ việc dầu được sử dụng như một lợi thế đối phó với phương Tây cho tới một thế giới "hậu dầu mỏ" của nền dân chủ và bền vững. Trong đó, một trong những khái niệm lâu dài nhất là lợi ích và mục tiêu khác biệt giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tình hình hiện tại giữa Mỹ và Iran chứng tỏ, ý tưởng trên bị giới hạn như thế nào.
Hôm thứ Sáu (3/5), Tổng thống Donald Trump hé lộ đã yêu cầu Tổ chức các nhà xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) "hạ giá" dầu. Để làm vậy, một trong những biện pháp là mở rộng sản xuất. Về lý thuyết, các thành viên OPEC sẽ không sẵn lòng hạ giá từ đó thu hẹp lợi nhuận của mình. Nhưng trong thực tế, các chuyên gia kỳ vọng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ ổn định. Các nhà xuất khẩu dầu sẽ bảo vệ các nhà nhập khẩu khỏi một cuộc tăng giá.
Một trong những lý do là Arab Saudi đang có tiếng nói rất lớn trong OPEC. Không chỉ muốn tăng cường giá trị xuất khẩu mà Saudi cũng e ngại phải xung đột với Washington. Ngoài ra, cũng không kém phần quan trọng, Nga đã sẵn sàng để gia tăng xuất khẩu. Mặc dù hợp tác với Iran trong nhiều lĩnh vực, nhưng Nga vẫn đứng trước cơ hội nắm được một phần lớn thị phần từ Iran. Bất kỳ việc tăng doanh số bán dầu nào của Nga cũng sẽ làm dịu đi tác động của các lệnh trừng phạt Mỹ lên thị trường dầu toàn cầu. Điều này hóa ra đã gián tiếp hỗ trợ cho chính sách đối ngoại của Mỹ - điều mà chắc hẳn ngoài tầm mong muốn của Điện Kremlin.
Chiến dịch gây sức ép lên Iran của Mỹ đem tới nhiều hệ quả ngoài mong muốn, trong đó bao gồm cả lợi thế cho Nga (ảnh: Reuters)
Cho dù quan hệ Nga – Mỹ hiện có ra sao, Moscow sẽ vẫn đóng góp để giảm nhẹ ảnh hưởng của sự thiếu hụt dầu mỏ Iran trên thị trường thế giới. Về mặt kinh tế, các nhà sản xuất Nga và ngân sách quốc gia cần thêm tiền. Rất khó dự đoán mức độ tăng của giá dầu, vì vậy, bất kỳ nhà sản xuất nào cũng cố gắng để giữ cho lợi nhuận ổn định, đặc biệt là tại châu Á.
Về mặt chính trị, Nga đứng trước cơ hội phô trương thanh thế với Mỹ. Trong số các nhà nhập khẩu dầu từ Iran, có những nước – chủ yếu là châu Á, giữ vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại Mỹ. Thông qua phát triển hợp tác năng lượng với những quốc gia này, Moscow có thể củng cố quan hệ song phương ngay cả trong những vấn đề có ý nghĩa với Washington, như Triều Tiên hoặc Afghanistan…
Ước tính, Nga có thể kiếm được hàng tỷ USD nhờ các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Các lợi ích chính trị cũng không kém phần quan trọng. Lệnh miễn trừng phạt của Mỹ cho Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã kết thúc, trong khi cả ba nước đều đang có hợp tác năng lượng với Nga. Không nghi ngờ, hợp tác chính trị sẽ trở thành một phần của những mối quan hệ hợp tác này.
Các công ty Nhật Bản tỏ ra hài lòng với quan hệ hợp tác đang ngày càng mở rộng với Nga. Bắc Kinh muốn gia tăng khối lượng nhập khẩu khí gas từ Nga qua đường ống "Sức mạnh Siberia". Hàn Quốc sẽ rất có lợi nếu việc giảm căng thẳng với Bình Nhưỡng dẫn tới khả năng hồi sinh kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí gas từ Nga đi qua lãnh thổ Triều Tiên.
Không dừng lại đó, một số nước khác - vẫn đang được miễn trừ trừng phạt, cũng có thế đẩy mạnh quan hệ chính trị với Moscow dựa trên tăng cường hợp tác năng lượng.
Xét trên an ninh năng lượng, giới lãnh đạo Ấn Độ khó có thể hài lòng với các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Đáng nói, điều này lại xảy ra vào thời điểm Washington cần có sự ủng hộ của New Delhi trong vấn đề Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp cũng không thuộc nhóm nước sẽ toàn lực ủng hộ Mỹ trong những nỗ lực kiềm chế Nga. Hợp tác năng lượng là một trong những lý do dẫn tới điều này.
Theo National Interests, không nên vội đánh giá chính quyền Trump đã bị Nga "nắm trong tay" vì việc trừng phạt Iran. Thay vào đó, rõ ràng hầu hết bất kỳ động thái quan trọng nào, ngay cả của các cường quốc hàng đầu thế giới ngày nay, cũng đi kèm với những hệ quả có thể khiến chính sách đối ngoại của nước đó trở nên kém hiệu quả trong các vấn đề khác. Tổng thống Trump quyết định thực hiện chiến dịch gây sức ép với Iran, và điều này dẫn tới những thách thức mới cho Mỹ.
Liên quan tới quan hệ Mỹ - Nga hiện tại, nên nhớ rằng, cho tới giờ Mỹ vẫn không thể "đánh sập" vị thế của Nga trong nền kinh tế toàn cầu, bất chấp những lợi thế và cả lệnh trừng phạt của mình. Washington có thể làm vậy với Tehran, nhưng chắc chắn là không phải với Nga.