• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé mở dần sự thực về sửa đổi hiến pháp Nga: Tổng thống Putin "nắm quyền" hay "dọn đường" rời đi?

Thế giới 26/01/2020 08:45

(Tổ Quốc) - Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố đề xuất sửa đổi hiến pháp và bất ngờ thay thế thủ tướng Dmitry Medvedev và toàn bộ nội các, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất có lẽ là: ông Putin đang muốn làm gì?

Bắt đầu từ ngày 15/1, nhà lãnh đạo Nga chưa từng chậm lại. Hôm thứ hai (20/1), ông Putin đệ trình một dự thảo luật về sửa đổi hiến pháp và tới ngày 23/1, Quốc hội Nga đã thông qua nó với số phiếu ủng hộ tuyệt đối. Cùng lúc, sau sự kiện được đánh giá là gây sốc nhất trong vòng một thập kỷ trên chính trường Nga, tân thủ tướng mới Mikhail Mishustin cũng dành thời gian trong tuần để thành lập chính phủ của riêng mình. Một số quan chức có quyền lực hàng đầu của nước Nga đã được lựa chọn vào các vị trí mới, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tư pháp từ năm 2006 của ông Putin là Yuri Chaika.

Các động thái liên tiếp trên đã khiến nhiều chuyên gia và cả người dân Nga không "kịp trở tay".

Ban đầu, nhiều nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Putin đang mở đường cho việc nắm giữ quyền lực sau năm 2024, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc. Thế nhưng mục tiêu này có thể đạt được bằng cách nào thì lại không quá rõ ràng.

Theo trang ABC News, Điện Kremlin từng tuyên bố, một khi Quốc hội Nga thông qua sửa đổi hiến pháp, họ sẽ tổ chức "trưng cầu dân ý"; tuy nhiên hiện chưa biết điều đó thực sự nghĩa là gì hoặc bao giờ sẽ diễn ra (từng có thông tin dự đoán là tháng 4).

Hé mở dần sự thực về sửa đổi hiến pháp Nga: Tổng thống Putin "nắm quyền" hay "dọn đường" rời đi? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và tân Thủ tướng Mikhail Mishustin (ảnh: TASS)

Trong khi đó, các đối thủ chính trị của ông Putin liên tục thể hiện sự phản đối mạnh mẽ.

Hôm thứ tư (22/1), hàng chục nhà hoạt động chính trị đã công bố một kiến nghị cáo buộc tổng thống Nga đang tiến hành "một chiến dịch đặc biệt để viết lại hiến pháp một cách bất hợp pháp", đồng thời gọi những hành động gần đây của ông là một "cuộc đảo chính" để duy trì quyền lực suốt đời. Cho tới thời điểm hiện tại, lá đơn kiến nghị đã nhận được hơn 14.000 chữ ký.

Hiến pháp Nga quy định một tổng thống chỉ được tại vị hai nhiệm kỳ liên tiếp. Ở độ tuổi 67, ông Putin đang ở nhiệm kỳ thứ 4 nhờ việc "khôn khéo" tận dụng một kẽ hở vào năm 2008 khi ông để đồng minh Medvedev đảm nhận chức vụ tổng thống trong một nhiệm kỳ còn mình làm thủ tướng và không hề từ bỏ quyền lực thực chất.

Mặc dù có thể lặp lại điều trên vào năm 2024, nhưng dường như đó không phải là ý định của ông Putin. Trong số các đề xuất thay đổi hiến pháp có cả quy định giới hạn các tổng thống tương lai chỉ có hai nhiệm kỳ cho dù là liên tiếp hay không.

Một số chuyên gia cho rằng, các đề xuất thay đổi thể hiện dự định của ông Putin là rời bỏ vị trí tổng thống nhưng lại nắm quyền lực từ bên ngoài. Trong các bước thực hiện cụ thể, nổi bật nhất là cải tổ một cơ quan còn ít được biết tới của chính phủ là Hội đồng Nhà nước – mà ông Putin khẳng định sắp tới cần phải có một vai trò mới. Hiện hội đồng là một diễn đàn để tập hợp các lãnh đạo vùng, và nó có thể được chuyển đổi thành một cơ quan ưu việt hơn nơi ông Putin đảm nhận một vị trí "nhà lãnh đạo tối cao" – tương tự như ông Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc. Các sự thay đổi khác bao gồm mở rộng quyền lực cho quốc hội và tòa án, đồng nghĩa với việc thu hẹp quy mô của văn phòng tổng thống.

Chuyên gia kinh tế Sergey Guriev từ trường L'Institut d'études politiques ở Paris chỉ ra, Tổng thống Putin đang thực hiện một "cuộc đảo chính" với chính bản thân để duy trì quyền lực. Đây là một thực tiễn được các nhà khoa học chính trị gọi là "tự đảo chính" và thường xuất hiện trong giới cầm quyền ở Nam Mỹ.

Tuy nhiên, khi những thông tin về thay đổi hiến pháp xuất hiện ngày càng nhiều, các chuyên gia khác lại đặt câu hỏi liệu có phải nước Nga đang đối mặt với một bất ngờ còn lớn hơn: chính là ông Putin muốn ra đi.

Những đề xuất thay đổi được đánh giá về thực chất không làm yếu đi quyền lực của tổng thống so với các cơ quan khác. Nội dung văn bản các sửa đổi cho thấy, tổng thống sẽ có quyền bổ nhiệm thủ tướng chứ không phải quốc hội. Quan trọng hơn, Hội đồng Nhà nước sẽ ở dưới quyền của tổng thống.

"Ông Putin không tìm cách thống trị hệ thống (mặc dù ông vẫn sẽ là một nhân vật chủ chốt) mà lại tìm một cách để sử dụng ảnh hưởng mà không đem tới bất kỳ hệ quả nguy hiểm nào cho quốc gia", bà Tatyana Stanovaya, một nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Moscow viết trong một bài báo xuất bản đầu tuần trước.

Bà phân tích, những đề xuất sửa đổi giống như "một chính sách bảo hiểm" cho việc quản lý người kế thừa ông Putin. "Chúng được thiết kế không phải để củng cố vị thế của ông sau khi rời khỏi chức vụ tổng thống, mà nhằm tạo ra một cơ chế để giải quyết các khác biệt với những tổng thống tương lai nếu chúng nảy sinh", bà Stanovaya giải thích.

Theo giả thuyết này, ông Putin sẽ lùi bước trong khi vẫn được bảo vệ bởi quyền lực, đồng thời giao phó chính sách đối nội (mà ông không còn quá mặn mà) cho người kế thừa mà mình lựa chọn. Ông sẽ tập trung hơn vào các vấn đề đối ngoại và chỉ can thiệp nếu nhận thấy có sự thay đổi lớn không mong muốn trong đường lối.

Do đó, bà Stanovaya đánh giá, khả năng cao là ông Putin sẽ lãnh đạo Hội đồng Nhà nước, tuy nhiên điều đó có trở thành sự thật hay không và hội đồng có quyền lực tới cỡ nào, sẽ phụ thuộc vào việc ông sẽ trao bao nhiêu quyền kiểm soát cho người kế thừa mình. Khả năng người kế thừa đã được chọn lựa là rất cao, nhưng người đó sẽ không được tiết lộ trong một thời gian dài trước mắt.

Chính bản thân Tổng thống Putin cũng thể hiện sự ủng hộ cho các nhận định trên khi phủ nhận việc sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tối cao giám sát người kế thừa. Trong ngày 22/1, ông từ chối ý kiến cho rằng, mình sẽ giữ trị ví "cố vấn" giống như nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu của Singapore trong những năm 1990.

"Nếu chúng ta có một thể chế nào cao hơn tổng thống, đó chỉ có thể là quyền lực đôi", ông Putin phát biểu từ thành phố Sochi. "Và đó thực sự sẽ là một tình thế hiểm nghèo cho một quốc gia như nước Nga".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ