(Tổ Quốc)- “Sau quãng thời gian trải nghiệm tham gia đội nhóm BINANEX tôi thấy đây là một công việc thất đức, lừa đảo người khác. Chính vì thế tôi đã dừng lại để giữ lấy lương tâm của mình”.
Cạm bẫy chết người
Mấy ngày qua, Nguyễn Văn Anh, nhân vật chính trong bài viết: “Ba tháng vay nợ chi 2 tỷ đồng, người tham gia hệ thống BINANEX chỉ được dạy “hút bóng, cắn kẹo”, liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa từ đội nhóm BINANEX và xã hội đen.
“Chúng nhắn tin, gọi điện đe dọa, yêu cầu tôi phải xóa bài cảnh báo nếu không sẽ làm hại gia đình tôi.
Thực sự tôi chỉ muốn lên tiếng để không ai bị nợ nần hay kéo vào vòng xoáy không rút chân ra được của sàn giao dịch này.
Ba tháng tham gia làm hệ thống, tôi chưa thấy một ai đánh thắng, kiếm tiền được từ sàn này cả. Muốn có tiền phải làm hệ thống để kiếm hoa hồng.
Và như vậy phải bất chấp thủ đoạn để lôi kéo, dụ dỗ người tham gia nhưng lương tâm của tôi không cho phép”, Nguyễn Văn Anh chia sẻ.
Sau khi biết Văn Anh đứng lên tố cáo đường dây lừa đảo của hệ thống sàn giao dịch chọn quyền nhị phân BINANEX, POCINEX, nhiều nạn nhân đã tìm đến người bạn này nhằm đóng góp tiếng nói gửi đến cơ quan điều tra.
Văn Anh kể, có cặp vợ chồng trẻ đang gánh khoản nợ trên vai lên đến 5 tỷ đồng, phải bán cả nhà, bán xe ô tô để trả nợ.
Có người đang bụng bầu 8 tháng, không chịu được áp lực nợ nần phải tự tử.
Có người cắm sổ đỏ của bố mẹ để vay tiền trả nợ sau khi thua lỗ vào BINANEX.
“Họ gọi cho tôi, khóc rất thương tâm. Đa phần lâm vào cảnh tán gia bại sản vì tham gia BINANEX. Cái trò này nó như trò cờ bạc nhưng không thể thắng nổi. Vì chủ sàn nó điều chỉnh hết.
Không có lệnh giao dịch nào trong 30 giây đâu. Đôi khi giá bitcoin trên sàn BINANEX còn không khớp với giá trên các sàn khác, Một cây nến có khi nó đứng im cả ngày.
Bản chất nó là cờ bạc bịp nên tôi khuyên đừng có ai dại dột mà tham gia”, Văn Anh nói.
Nhắc lại quãng thời gian theo đuổi giấc mộng “chủ tịch” cậu bạn cảm thấy mình vẫn còn may mắn khi rút chân được sớm khỏi thị trường này.
Ngay từ ngày đầu tham gia nhóm VIP 102 GROUP, Văn Anh đã được Phạm Hoàng Thu, người tự xưng là “boss” của nhóm này hướng dẫn cách xây dựng hình ảnh cá nhân, thu thuật “lùa gà” như thế nào?
“Họ chẳng biết gì về tài chính cả, chỉ là làm màu để lùa gà mà thôi. Họ thuê người chụp ảnh rồi mặc vest, chụp ảnh với xe ô tô đi mượn.
Tài khoản thì người trong nhóm bắn tiền cho nhau qua lại rồi chụp hình ảnh gửi lên nhóm, dụ dỗ nhà đầu tư.
Cho nên đừng ai tin vào những hình ảnh của chủ tịch, chuyên gia, boss này, boss nọ. Toàn là hình ảnh ảo, để lừa nhau mà thôi”, cậu bạn cho biết.
Lê Ngọc Tuấn trong một buổi chia sẻ về thủ đoạn "lùa gà"
Ai là người đứng sau?
Anh Trần Mạnh Thường (Hà Nội) từng tham gia hệ thống sàn giao dịch BINANEX với vai trò là chuyên gia đọc lệnh thừa nhận những khái niệm đầu tư tài chính 4.0 chỉ là thủ thuật để “lùa gà”, lừa bịp nhà đầu tư.
Sau quãng thời gian trải nghiệm công việc này, anh Thường đã đứng lên tố cáo đường dây lừa đảo BINANEX của Lê Ngọc Tuấn hay còn gọi là Tuấn Scam.
Đối tượng này là người liên quan đường dây tiền ảo iFan, Pincoin bị tố lừa đảo để có được 15.000 tỷ đồng năm 2018.
“Người này luôn giấu mặt, dùng facebook ảo. Khi giao dịch chuyển tiền thì ông ta dùng nhiều tài khoản, không lộ thân phận, nội dung không đề cập chuyện tiền ảo, giao dịch mua bán.
Tuấn Scam thường chỉ lộ diện trong những buổi đào tạo cấp cao, nhóm nhỏ”, anh Thường cho biết.
Anh Thường cho biết, những người đọc lệnh trong nhóm của anh từng tham gia (nhóm này công bố lợi nhuận đầu tư đạt mức 1.700%/tháng) đều là những thanh niên lông bông, thất nghiệp.
Cuộc sống của những người được cho là “chuyên gia”, “hot girl tài chính” không hào nhoáng như những gì họ “nổ” trên mạng ảo.
Những người có xe sang, đồ hiệu, nhà đẹp chiếm rất ít và những thứ họ có cũng chỉ để làm màu, dùng để lòe người vào sàn để chơi.
Phân tích thủ đoạn lừa đảo của sàn BINANEX anh Thường cho biết, bản chất đây là trò bịp bợm. Bởi vì trong 30 giây đặt lệnh, không ai có thể kịp để phân tích xu hướng.
Ngoài ra sàn giao dịch này có thể dễ dàng làm nhiễu kết quả hoặc can thiệp “nến” bất kỳ lúc nào.
“Có một điều khẳng định chắc chắn những ai chơi sàn này, càng chơi càng thua lỗ đậm. Muốn có lợi nhuận chỉ có đi lừa đảo - xây dựng hệ thống, lừa nhà đầu tư.
Những người làm việc tại sàn BO khi chào mời người chơi thường giới thiệu sàn chỉ là khâu trung gian giúp nhà đầu tư đặt lệnh, chuyển tiền của người thua cho người thắng, hưởng hoa hồng.
Tuy nhiên, thực tế kết quả trên sàn nhiều lần thay đổi ở giây cuối. Nhóm điều hành rất có thể đã can thiệp để tỷ lệ người thắng luôn ít hơn người thua.
Chưa kể, người chơi mất 5% phí giao dịch/lệnh. Mức này tưởng ít nhưng bào mòn vốn rất nhanh.
Ví dụ người chơi đặt 40 lệnh với số tiền bằng nhau, tỷ lệ thắng thua 50-50, bạn vẫn mất 50% vốn”, anh Thường phân tích.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Lê Ngọc Tuấn (hay còn gọi là Tuấn Scam), người được cho là đứng đầu hệ thống BINANEX, POCINEX, DENIEX từng bị tố cáo lừa 15.000 tỷ đồng qua huy động vốn bằng tiền ảo iFan và Pincoin năm 2018.
Trong một sự kiện giới thiệu đầu tư tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2017, Tuấn xưng là thủ lĩnh của iFan, khẳng định bản thân là nhà đầu tư chuyên nghiệp và chỉ mất một tuần để xây dựng cộng đồng khoảng 30.000 thành viên.
“Hệ thống này mang về cho cá nhân Tuấn mỗi ngày khoảng 20.000 USD. Điểm yếu duy nhất của hệ thống là những người tuyến trên không làm gì nhưng vẫn kiếm được rất nhiều tiền”, Tuấn chào mời như vậy và cam kết mang về cho nhà đầu tư rót vốn vào đồng tiền ảo này lợi nhuận khổng lồ.
Sau đại án iFan, 2 năm sau, Tuấn Scam tái xuất với việc xây dựng hệ thống sàn giao dịch chọn quyền nhị phân BINANEX, POCINEX, DENIEX khiến hàng ngàn nhà đầu tư rơi vào cảnh nợ nần, trắng tay.
Đã đến lúc cần bứt tận gốc, nhổ tận rễ hệ thống siêu lừa đảo này!