(Tổ Quốc) - Hiện nay chưa có quy định cho phép các sàn đầu tư tiền ảo hoạt động theo mô hình đa cấp. Do vậy 100% những sàn này đều đang hoạt động trái phép.
- 15.08.2021 Thủ đoạn “lùa gà” của những sàn đa cấp tiền ảo
- 14.08.2021 Điểm mặt những siêu lừa trong giới đầu tư tiền ảo tại Việt Nam
- 12.08.2021 Tiền ảo của tỷ phú công nghệ Việt Nam tăng phi mã, vốn hóa chạm ngưỡng 4,4 tỷ USD
- 07.08.2021 Đối tác Coinjar của EML ra mắt thẻ Mastercard đổi-tiền-ảo-sang-tiền-thật đầu tiên của Úc
Thời gian gần đây, mô hình đa cấp tiền số nở rộ tại Việt Nam. Hàng loạt dự án đầu tư tiền số, sàn giao dịch được ra đời cùng với đó là những hứa hẹn về mức lãi suất khủng dành cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chưa kịp làm giàu, hàng nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin đã bị "cuốn trôi" theo các dự án lừa đảo. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, hàng loạt sàn giao dịch tiền ảo đã "bay màu" tại Việt Nam.
Trước thực trạng này, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Tài chính đã phát đi cảnh báo, các nhà đầu tư không nên tham gia vào các sàn đầu tư tiền ảo hoạt động theo mô hình đa cấp.
Qua rà soát trên các phương tiện Internet, Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thu thập được nhiều thông tin quảng cáo, kêu gọi đầu tư tài chính thông qua các sàn đầu tư tài chính, đặc biệt là hình thức đầu tư Thị trường ngoại hối (Foreign Exchange hay Forex) và Đầu tư quyền chọn nhị phân (Binary Options hay BO).
Đánh giá các nội dung quảng cáo này, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy mô hình hoạt động của một số sàn đầu tư tài chính này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia.
Rủi ro về mặt tài chính
Mọi giao dịch của người tham gia đều thông qua tài khoản được mở trên hệ thống Internet mà không có cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp phép, trong trường hợp nếu có các vấn đề rủi ro liên quan đến hệ thống thì kết quả đầu tư của người tham gia đều không được đảm bảo.
Ngoài ra, tiền người tham gia nộp vào hệ thống là tiền thật trong khi những lợi ích hay hoa hồng được ghi nhận trên hệ thống là các loại tiền ảo hay ví điện tử, những loại tiền ảo và ví điện tử này đều không được cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận là công cụ thanh toán hợp pháp.
Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có nhiều cảnh báo cho người dân liên quan đến những hình thức tương tự.
Mặt khác, nhà đầu tư còn bị những rủi ro khác khi tham gia các sàn đầu tư tài chính kiểu này như: lộ bí mật thông tin cá nhân, bị lừa đảo do một số sàn huy động tài chính lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống (nhà đầu tư nghĩ là mình đang đầu tư theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua) hoặc thậm chí khi số người tham gia nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất.
Rủi ro về mặt pháp lý
Hiện nay nhiều sàn đầu tư tài chính này có dấu hiệu lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, hoa hồng cho việc mời thêm thành viên tham gia đầu tư theo nhiều cấp nhiều nhánh, có dấu hiệu của việc kinh doanh theo phương thức trái phép, ví dụ: Forex Liber, AFGold, Bitomo…
Theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định 40/2018/NĐ-CP), mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), theo đó các sàn đầu tư tài chính trên đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
Do đó, các tổ chức cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự (xử phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam theo Điều 217a Bộ Luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp).
Đại diện Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương cho biết, hiện nay trên cả nước chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đa cấp.
Do vậy những doanh nghiệp khác nếu hoạt động theo mô hình này đều là trái phép.
Chính vì thế người tiêu dùng khi lựa chọn tham gia kênh đầu tư nào cũng cần phải tìm hiểu kỹ để tránh gặp rủi ro về mặt pháp lý cũng như thiệt hại vật chất.
Ông Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, trưởng Đại học Kinh tế - Luật nhận định, nhiều dự án huy động vốn đa cấp được ẩn dưới hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư nên đây là giao dịch dân sự và không bị cấm.
Chỉ đến khi các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo và nạn nhân tố cáo thì cơ quan công an mới có thể điều tra. Bên cạnh đó, do khung pháp lý về tiền ảo chưa đầy đủ nên nhiều cá nhân, tổ chức cũng lách được với nhiều chiêu trò khác nhau.
“Do vậy, Nhà nước cần sớm ban hành quy định về tiền ảo và các sàn giao dịch tiền ảo để có khung pháp lý xử lý các hành vi lừa đảo. Ngoài ra các Bộ, ban, ngành cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra các sàn giao dịch hoạt động theo mô hình đa cấp, lợi dụng lòng tin của nhà đầu tư để chiếm đoạt tài sản”, ông Trần Hùng Sơn nói.