• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hello Kitty tròn 50 tuổi: Biểu tượng văn hóa trở thành hiện tượng toàn cầu

Thế giới 14/06/2024 14:59

(Tổ Quốc) - Cô mèo Hello Kitty đã trở thành biểu tượng của văn hóa đáng yêu (kawaii) và là một phần của văn hóa đại chúng toàn cầu trong suốt 50 năm qua.

Theo trang SCMP, hình ảnh cô mèo Hello Kitty luôn được in trên bút chì, sổ tay và móc chìa khóa đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người trên thế giới. Hello Kitty đã trở thành biểu tượng của sự dễ thương, nữ tính và điệu đà.

Hello Kitty tròn 50 tuổi: Biểu tượng văn hóa trở thành hiện tượng toàn cầu - Ảnh 1.

Khi Hello Kitty đã trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu trong suốt 50 năm qua. Ảnh: Kylie Knot

"Cháu rất thích mua các dụng cụ văn phòng phẩm có in biểu tượng Hello Kitty. Chúng rất dễ thương", một cô bé 14 tuổi nói khi dạo quanh một cửa hàng Hello Kitty ở khu mua sắm Vịnh Causeway, Hồng Kông (Trung Quốc).

Ngày nay, hình ảnh mèo Hello Kitty thường được treo lủng lẳng trên cặp đi học, áo sơ mi, giày dép, điện thoại, thú nhồi bông và bàn chải đánh răng... Thậm chí giấy vệ sinh cũng in hình ảnh mèo Hello Kitty.

Ở Hồng Kông (Trung Quốc), người hâm mộ có thể thấy mình đang ngồi trên chiếc taxi có chủ đề Hello Kitty với hình ảnh chú mèo kitsch. Ở Đài Loan (Trung Quốc), hành khách tỏ ra thích thú khi lên máy bay in hình mèo Hello Kitty của hãng hàng không Eva Air. Và ở Nhật Bản, hình ảnh mèo Hello Kitty thường xuất hiện ở tàu cao tốc.

Người hâm mộ có thể dùng bữa tại bất kỳ quán cà phê Hello Kitty nào trên thế giới. Hay chủ đề Hello Kitty cũng xuất hiện ở các bệnh viện phụ sản ở Đài Loan (Trung Quốc). Y tá mặc đồng phục Hello Kitty màu hồng và quấn trẻ sơ sinh trong chăn Hello Kitty.

Công ty Sanrio có trụ sở tại Tokyo đã tạo ra nhân vật Hello Kitty có chiếc nơ màu hồng nổi tiếng vào năm 1974. Nhà thiết kế Yuko Shimizu đã vẽ cô mèo Hello Kitty đầu tiên, lấy cảm hứng từ những chú mèo trong cuốn sách "Through the Looking-Glass" và "What Alice Found There" của tác giả Lewis Carroll.

Mặc dù danh tính của Hello Kitty không được chú ý nhiều nhưng rõ ràng, nhân vật này là "cỗ máy kiếm tiền", được cho là đã tạo ra số tiền lớn lên tới 80 tỷ USD cho đến nay.

Cùng với nhân vật Pokemon và chuột Mickey, cô mèo Hello Kitty đã trở thành một trong những thương hiệu truyền thông có doanh thu cao nhất thế giới.

Ở phương Tây, cơn sốt Hello Kitty bắt đầu vào giữa những năm 1990, khi những người nổi tiếng như Mariah Carey, Paris Hilton và Britney Spears chụp ảnh mặc quần áo và phụ kiện in mèo Hello Kitty.

Thêm vào đó, nữ ca sĩ người Mỹ Lisa Loeb đã đặt tên nguyên album là "Hello Kitty" trong khi ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Canada Avril Lavigne đã viết và thu âm bài hát "Hello Kitty" cho album phòng thu thứ 5.

Ngoài ra, nhân vật này cũng trở thành đại sứ của Unicef tại Mỹ từ năm 1983 và tại Nhật Bản từ năm 1994.

Christine Yano, Giáo sư nhân chủng học tại Đại học Hawaii, người đã viết về hiện tượng Hello Kitty trong cuốn sách "Pink Globalization: Hello Kitty's Trek Across the Pacific" bày tỏ ngạc nhiên về sự nổi tiếng lâu dài của biểu tượng Hello Kitty.

"Tôi cho rằng điều này một phần là nhờ sự sáng tạo và sẵn sàng đón nhận những thiết kế mới dành cho nhân vật của công ty Sanrio. Sanrio đã tạo ra một nhân vật luôn giống nhau nhưng cũng có sự khác biệt. Ở một khía cạnh nào đó, điều này đúng với hầu hết các thương hiệu thành công. Tuy nhiên, chính sự dễ thương, yếu tố bất ngờ và hoạt động tiếp thị tốt đối với nhân vật Hello Kitty đã dẫn dắt cảm xúc mọi người và được yêu mến trong thời gian dài," Giáo sư Yano nói thêm.

Bà Yano quyết định nghiên cứu Hello Kitty sau khi nhận thấy nhân vật này thu hút người hâm mộ trưởng thành. Hello Kitty ban đầu thường hướng tới đối tượng khán giả là nữ ở độ tuổi vị thành niên nhưng ngày nay đã được rất nhiều lứa tuổi đón nhận

"Một trong những phát hiện quan trọng từ nghiên cứu của tôi là Hello Kitty có rất nhiều người hâm mộ, từ trẻ nhỏ đến nam giới", bà Yano nói thêm.

Hello Kitty tròn 50 tuổi: Biểu tượng văn hóa trở thành hiện tượng toàn cầu - Ảnh 2.

Máy bay Hello Kitty của hãng hàng không Eva Air. Ảnh: EVA Air

"Tình yêu vô bờ bến với mèo Hello Kitty"

Sự nổi tiếng của biểu tượng Hello Kitty từng thúc đẩy chương trình hợp tác với chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's để cho ra mắt bộ mạt chược pha lê phiên bản giới hạn dành cho Tết Nguyên Đán.

Cùng với đó sự kết hợp của nhân vật này với chuỗi nhà hàng Café de Coral đã ra mắt bộ dao kéo theo chủ đề Hello Kitty có thể tái sử dụng thân thiện với môi trường. Và cuối cùng là sự hợp tác với Hiệp hội Phòng chống Ngược đãi Động vật (SPCA-HK).

"Chúng tôi rất vui mừng được chào đón Hello Kitty, một biểu tượng văn hóa có di sản phong phú ", Louisa Ho, phó giám đốc điều hành của Hiệp hội Phòng chống Ngược đãi Động vật (SPCA-HK) cho biết.

Trong khi đó, Caroline Tsang, Giám đốc điều hành của công ty Sanrio Hồng Kông (Trung Quốc) nhấn mạnh Hello Kitty không chỉ là một nhân vật hoạt hình, kể từ năm 1974, nhân vật này đã là người bạn đồng hành cùng nhiều trẻ em đến tuổi trưởng thành.

"Nhân vật này mang đến tính kết nối thế hệ tiếp theo và lan tỏa tình yêu cũng như văn hóa nhằm định hình một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi rất vinh dự được tham gia chiến dịch thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa con người và động vật", Giám đốc Caroline Tsang nói.

Về lý do tại sao Hello Kitty lại có số lượng người hâm mộ khổng lồ như vậy ở Hồng Kông (Trung Quốc), Isaac Gagne, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản của Đức ở Tokyo đã đưa ra một số giả thuyết.

Tình yêu của thành phố đối với văn hóa đại chúng Nhật Bản là một trong số đó. Ngoài ra, hình ảnh nhân vật cũng rất dễ thương.

Ông Gagne, người từng có thời gian làm trợ lý giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) khẳng định văn hóa đại chúng Nhật Bản là nguồn gốc của sự tưởng tượng, sự thoải mái và sức hấp dẫn thẩm mỹ đối với người dân Hồng Kông (Trung Quốc), cả già lẫn trẻ.

Hello Kitty tròn 50 tuổi: Biểu tượng văn hóa trở thành hiện tượng toàn cầu - Ảnh 3.

Bộ dao kéo theo chủ đề Hello Kitty có thể tái sử dụng đang được bán tại các chi nhánh Café de Coral ở Hồng Kông (Trung Quốc). Ảnh: Nhóm Café de Coral

Với sự gần gũi của văn hóa đại chúng Nhật Bản trong cuộc sống của người dân Hồng Kông (Trung Quốc), mèo Hello Kitty được xem là một 'món hàng dễ thương' từ Nhật Bản và cũng có thể dễ dàng mua được ở Hồng Kông.

"Hồng Kông là điểm đến tương đối dễ dàng để tham quan và tìm kiếm những sản phẩm Hello Kitty phiên bản giới hạn hoặc những sản phẩm chỉ có ở Nhật Bản. Điều này càng làm tăng sức hấp dẫn của nhân vật này đối với những người sưu tập. Sự nổi tiếng của Hello Kitty ở Hồng Kông (Trung Quốc) phản ánh hình ảnh lan tỏa như một người bạn đồng hành toàn cầu. Hình ảnh mèo Hello Kitty luôn có tai và sẵn sàng lắng nghe mọi vấn đề của bạn. Đó là cách mà bạn sẽ cảm nhận được khi nhìn vào nhân vật này", Gagne nói thêm.

Theo ông Gagne, đây được xem là niềm an ủi. Tính dễ thương của nhân vật được hiểu thông qua sự đồng cảm vô bờ bến và sự kiên nhẫn vô hạn khi lắng nghe những lo lắng, hy vọng và ước mơ của bạn.

Ông cho biết thêm, ngoài việc là một biểu tượng phi ý thức hệ về sự thân mật và thoải mái, Hello Kitty mang đến sự thân mật và sự thoải mái mà không bị gò bó vào các giá trị hay tiêu chuẩn cụ thể nào.

"Tôi nghĩ rằng các nhân vật trong văn hóa đại chúng của Nhật Bản nổi bật vì tính thẩm mỹ của sự mềm mại và sự thân mật, đồng cảm mà không phán xét. Công ty Sanrio đã thêm "sự mềm mại" và tính nhân văn vào bối cảnh hiện đại", ông Gagne nói thêm.

Trên thực tế, nét thẩm mỹ dễ thương này ban đầu được xây dựng trong Hello Kitty nhằm gợi lên cảm giác quan tâm lẫn nhau, mục đích vượt ra ngoài phạm vi vật phẩm mà chỉ quan tâm đến mối liên kết giữa những người bạn.

Thêm vào đó, ông Gagne cũng trích dẫn một chương trình TV Tokyo năm 2020, trong đó người sáng lập công ty Sanrio là ông Shintaro Tsuji, đã giải thích khái niệm văn hóa dễ thương trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi.

"Không giống như những thứ đáng sợ, kawaii có nghĩa là thứ được mọi người yêu thích. Nếu chúng ta gửi những món đồ dễ thương như vậy cho nhau, có thể tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn," ông Tsuji nói.

Ông Tsuji đã rời công ty vào năm 2020 ở tuổi 92 với mong muốn đưa hình ảnh Hello Kitty trở thành một đại sứ thu nhỏ của hòa bình thế giới.

"Chúng ta có thể làm một điều gì đó nhỏ bé cho những người đang gặp khó khăn, những người đang cần giúp đỡ, hoặc vào những dịp như sinh nhật, khi một em bé chào đời, hoặc khi ai đó bị bệnh. Đây có thể là món quà nhỏ bé, chẳng hạn như tặng một cuốn sổ nhỏ hay một cây bút chì và những thứ tương tự có in hình cô mèo Hello Kitty. Bằng cách đó, chúng ta có thể hòa hợp hơn và thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn," ông Tsuji nói trong cuộc phỏng vấn.

Và điều đó càng trở nên ý nghĩa hơn khi phương châm của công ty Sanrio: "món quà nhỏ, nụ cười lớn" vẫn còn nguyên vẹn và được duy trì đến ngày nay./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ