• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hết trợ cấp Covid-19, nhiều người Mỹ rơi vào cảnh vô gia cư

Thế giới 07/10/2022 20:08

(Tổ Quốc) - Tình trạng vô gia cư gia tăng đáng kể ở hầu hết các thành phố của Mỹ sau khi các chương trình hỗ trợ Covid-19 kết thúc.

Theo AP, ở Sacramento, California, các khu lều trại mọc lên nhanh chóng và những cây cầu vượt trên đường cao tốc đang trở thành nơi trú ẩn cho người vô gia cư. Tình trạng "không nhà cửa" ở đây đang tăng lên đáng kinh ngạc, ước tính 70% trong hai năm nay.

Hết trợ cấp Covid-19, nhiều người Mỹ rơi vào cảnh vô gia cư - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Eric Santos là một trong số những người dân Mỹ đang rơi vào tình trạng không nhà cửa. Santos đã mất việc làm và bị đuổi ra khỏi căn hộ từ tháng 7 năm nay. Hiện tại, Santos đang tìm đến những bữa ăn miễn phí để duy trì cuộc sống mỗi ngày.

"Chiếc xô mang theo để ngồi là một phần trong cuộc sống của tôi ở hiện tại", Santos chia sẻ.

Hầu hết các thành phố lớn và nhỏ trên khắp nước Mỹ đang đối mặt với với tình trạng tương tự như ở Sacramento, California. Việc thiếu nhà ở kéo dài, giá thuê nhà tăng cao và kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19 đã khiến số lượng người vô gia cư ngày càng nhiều hơn.

"Báo cáo liên bang về tổng số người vô gia cư trong những tháng tới ước tính cao hơn 580.000 người so với trước khi đại dịch Covid-19", Liên minh Quốc gia Chấm dứt Nạn vô gia cư cho biết.

Hãng AP thống kê kết quả từ cuộc khảo sát ở nhiều thành phố của Mỹ vào đầu năm nay cho biết số người không có nhà ở trên tổng thể đã tăng hơn so với năm 2020 tại các khu vực đã báo cáo kết quả đến nay. Một số khu vực ghi nhận tăng mạnh là các thành phố Bờ Tây như Sacramento và Portland, Oregan. Theo thống kế, tình trạng vô gia cư đã tăng khoảng 30% ở Nam Dakota và quận Prince George, Maryland trong khi tăng 15% ở Asheville, Bắc Carolina.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những nơi có tỷ lệ người vô gia cư tăng đột biến là do tình trạng thiếu nhà ở khẩn cấp. Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi chương trình hỗ trợ của chính phủ trong đại dịch đã kết thúc vào thời điểm hiện tại.

Ông Donald Whitehead Jr., Giám đốc điều hành của Liên minh Quốc gia Chấm dứt Nạn vô gia cư cho biết nhìn chung tình trạng này đang có xu hướng gia tăng bởi chi phí nhà ở tăng mạnh nhưng hiện tại, phản ứng của chính phủ cũng tạo ra sự khác biệt. Tại Sacramento, nơi giá thuê nhà tăng vọt, tình trạng vô gia cư đã tăng 68% trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, nhiều nhất trong số các thành phố lớn có báo cáo từ trước đến nay. Sự gia tăng này một phần là bởi nhiều người mới muốn đến đây sinh sống, khiến thị trường nhà ở trở nên quá tải. Người dân di chuyển ra khỏi khu vực Vịnh San Francisco về phía Tây Nam đã khiến Sancramento trở thành điểm đến mới của nhiều người và giá thuê nhà trở nên đắt đỏ hơn.

Phân tích của Zillow cũng cho biết giá thuê trung bình trong tháng 7 là 2.300 USD, tăng 28% kể từ tháng 7/2019. Cuộc khủng hoảng ở Sacramento càng trở nên sâu sắc hơn cho dù tình trạng này đã được cải thiện ở các thành phố khác của California. Những nỗ lực của chính quyền Sacramento vẫn chưa thể giải quyết. Thị trưởng quận Sacramento - ông Darrell Steinberg đã nêu ra các ưu tiên giảm thiểu tình trạng vô gia cư kể từ khi nhậm chức vào năm 2017. Thành phố hiện có hơn 900 giường ở các nhà tạm trú và nhà nghỉ nhưng vẫn chưa đủ. Nhiều người dân vẫn bơ vơ, không nơi ở. Ông Santos nằm trong số đó. Ông đã đăng ký nhận hỗ trợ thực phẩm nhưng vẫn đang trong danh sách chờ đợi để được hưởng các quyền lợi khác. Mỗi đêm, Santos tìm kiếm một chiếc ghế dài trong công viên cho cảm giác an toàn để ngủ. Khi đánh mất một chiếc vali do bánh xe bị hỏng, ông Santos đã cởi bỏ một số quần áo ấm hơn của mình, một quyết định mà anh ấy hối tiếc vì những buổi tối mùa thu đang trở nên lạnh hơn.

Giới chức trách Sacramento đã cấm cắm trại dọc theo American River Parkway từ tháng 8 . Vào tháng 11 tới, các cử tri thành phố sẽ tham gia bỏ phiếu yêu cầu thành phố mở thêm hàng trăm giường đáp ứng nhu cầu trú ẩn cho người vô gia cư. Tình trạng vô gia cư đang trở nên không đồng đều trên khắp nước Mỹ.

Chiến lược hỗ trợ người vô gia cư

Ở thành phố Boston, số người ngủ trên đường phố và trong các nhà tạm trú đã giảm 25% trong 2 năm qua do chính quyền tập trung vào việc tìm kiếm nhà ở lâu dài cho những người sống bơ vơ trên đường phố. Trong khi đó, ở một số thành phố khác, các chính sách "nhà ở trước tiên" nhằm hỗ trợ người vô gia cư có nhà ở lâu dài đã có kết quả. Và trong khi đại dịch mang lại sự hỗn loạn về kinh tế, lệnh cấm trục xuất, gia tăng các khoản thanh toán thất nghiệp và tín dụng thuế gia đình thì đã giảm đi tình trạng vô gia cư.

Cùng với Boston, số lượng người vô gia cư đã giảm khoảng 20% hoặc hơn ở Houston, Philadelphia và Washington. Ngay cả thành phố San Francisco, California, số lượng người vô gia cư cũng giảm đi.

Ở Boston, ông Steven Hamilton, một người vô gia cư vừa chuyển đến một căn hộ mới vào tháng 9 sau nhiều thập kỷ sống trên chiếc ghế dài của bạn bè hoặc người thân hoặc trong một nơi trú ẩn dành cho người vô gia cư. Với sự giúp đỡ bởi một chương trình do Trung tâm Y tế Boston điều hành, ông Steven Hamilton đã nhận được một căn hộ được trợ cấp trong khu nhà ở công cộng. Tiền thuê nhà hàng tháng của ông là 281 USD - hoặc nằm trong khoảng 30% khoản thanh toán an sinh xã hội.

"Tôi rất biết ơn. Tôi không muốn chuyển đi nơi nào khác. Tôi sẽ ở lại đây"- Hamilton nói.

Căn hộ studio của Hamilton là kết quả trong chiến lược hỗ trợ người vô gia cư của Boston, theo đó các tổ chức phi lợi nhuận của thành phố và khu vực sử dụng phương thức tiếp cận rộng rãi để thu hút những người vô gia cư vào căn hộ ở và sau đó cung cấp các dịch vụ như điều trị ma túy và đào tạo kỹ năng sống. Kể từ năm 2019, chương trình tài trợ hàng năm ở Boston dành cho người vô gia cư đã tăng từ 31 triệu USD lên hơn 51 triệu USD. Những nỗ lực này tiếp tục được phát triển vào năm ngoái thông qua chương trình tập hợp danh sách những người vô gia cư để giúp họ tìm nhà ở và các dịch vụ khác. Giới chức trách của thành phố cũng chủ trương đóng cửa một trong những trại vô gia cư lớn nhất.

Số người vô gia cư của thành phố ước tính còn khoảng 6.000 người, giảm 25% kể từ năm 2020. Và ông Lewis Lopez là một ví dụ điển hình trong câu chuyện thành công này. Sau khi ra vào liên tục ở các khu tạm trú ở Boston trong vài năm, cuối cùng ông Lopez đã sở hữu chìa khóa căn hộ của riêng mình. Không còn lo sợ tài sản của mình sẽ bị đánh cắp hoặc phải tranh giành thức ăn, người đàn ông 61 tuổi cảm thấy cuối cùng mình đã có thể trở lại cuộc sống đúng nghĩa.

"Tôi cảm thấy thật tự do, giống như hàng tấn gạch bị trút bỏ khỏi vai," ông Lopez nói về căn hộ studio mà ông đã sống trong 5 năm, một phần được trả bằng quỹ liên bang.

"Tôi lại cảm thấy mình là một phần của xã hội," ông Lopez nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ