(Tổ Quốc) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý hợp tác để chống lại Covid-19, nhưng mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đặt ra câu hỏi rằng hai bên có thực sự duy trì sự phối hợp này trong lâu dài.
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã cam kết sẽ hợp tác để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Hôm thứ Sáu, ông Trump đã nói rằng hai nước đang hợp tác chặt chẽ.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho biết Trung Quốc sẽ hỗ trợ nước Mỹ nhưng cũng kêu gọi Washington thực hiện các bước cụ thể để thúc đẩy hợp tác.
Lo lắng về căng thẳng Mỹ - Trung
Cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau khi Nhóm 20 nền kinh tế lớn cam kết đoàn kết ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, đã lây nhiễm cho khoảng 525.000 người và khiến hơn 23.600 người trên toàn thế giới thiệt mạng.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã hướng theo quỹ đạo đi xuống khi mỗi bên đổ lỗi cho bên kia vì phản ứng chậm với cuộc khủng hoảng còn các quan chức Mỹ thì gắn virus corona với cái tên Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho biết bầu không khí mới tích cực này có thể không kéo dài, đề cập đến nhiều nguyên nhân khác gây căng thẳng trong mối quan hệ song phương Mỹ - Trung.
Liu Weidong, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết cuộc điện đàm trên sẽ chưa thay đổi được sự suy giảm trong mối quan hệ giữa hai bên.
"Khác với sự hợp tác tạm thời trong việc kiềm chế đại dịch, ông Trump không chủ động đáp lại lời kêu gọi của ông Tập về việc có mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa hai quốc gia, và đây là một dấu hiệu đáng báo động, vì ông Trump có thể, vào lúc đại dịch này, gây sức ép hơn cho Trung Quốc về các nhu cầu chiến lược", chuyên gia Liu nói.
Sau cuộc hội đàm, ông Trump đã tweet rằng cuộc đối thoại đã diễn ra rất tốt.
Các cuộc thảo luận rất chi tiết về virus corona đang tác động xấu đến nhiều khu vực lớn trên ành tinh của chúng ta. Trung Quốc đã trải qua nhiều và đã phát triển được sự hiểu biết mạnh mẽ về virus này. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với nhau. Tôn trọng (điều này-pv) rất nhiều!", ông Trump viết.
Về phần mình, ông Tập nói với ông Trump rằng Trung Quốc đã minh bạch và có trách nhiệm trong việc công bố thông tin, bao gồm chuỗi gen của virus corona, kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch và đã giúp đỡ các quốc gia khác, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nói: "virus này không phân biệt ranh giới và sắc tộc, và đó là kẻ thù chung của chúng ta. Cộng đồng quốc tế chỉ có thể đánh bại nó thông qua việc hợp tác cùng nhau. Mối quan hệ của Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ở một thời điểm quan trọng. Hợp tác là cùng có lợi cho cả hai quốc gia, trong khi xung đột sẽ gây tổn hại. Hợp tác là sự lựa chọn chính xác duy nhất. Hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ có những hành động cụ thể để cải thiện quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ và hai bên sẽ hợp tác để tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực như kiểm soát dịch bệnh".
Ông Tập cho biết ông lo ngại về sự bùng phát dịch ở Mỹ và các quan chức y tế từ hai bên cũng đang liên lạc thường xuyên.
Ông Tập Cận Bình cũng nói, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với Hoa Kỳ mà không cần điều kiện trước.
Điện đàm phát ra thông điệp hợp tác
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã đạt đến điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ khi Bắc Kinh trục xuất các nhà báo Mỹ khỏi Trung Quốc để trả đũa những hạn chế của Mỹ đối với các tổ chức truyền thông Trung Quốc. Còn tờ Wall Street Journal cũng có một bài bình luận có liên quan đến Bắc Kinh và bị nước này coi là phân biệt chủng tộc.
Thêm vào căng thẳng đó, các quan chức từ hai quốc gia cũng đã có nhiều tuyên bố bất đồng. Hoa Kỳ đã chỉ trích Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên, vì phản ứng ban đầu chậm chạp và việc không tiếp thu thông tin từ những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về Covid-19.
Nhưng Bắc Kinh nói rằng họ đã thông báo cho Hoa Kỳ vào đầu tháng 1. Ông Trump cũng khiến Bắc Kinh tức giận khi gắn virus corona với Trung Quốc.
Căng thẳng chỉ dịu đi khi ông Trump ngừng sử dụng thuật ngữ virus Trung Quốc hồi tuần này.
Chin-hao Huang, trợ lý giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Yale-NUS ở Singapore, cho biết thời điểm diễn ra cuộc gọi điện thoại không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Là một thời điểm chiến lược. Cuộc gọi được diễn ra ở giai đoạn then chốt này, khi chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc về số lượng các trường hợp nhiễm virus corona, ông nói.
Bạn thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, hai quốc gia lớn nhất có số người được xác nhận nhiễm virus cao nhất . Nên đối với cuộc gọi diễn ra vào thời điểm này, đó là một cử chỉ mang tính biểu tượng, 'chúng ta cùng nhau làm điều này ', chuyên gia Huang nói. "Tôi nghĩ rằng quyết định vượt ra khỏi trò chơi đổ lỗi cho nhau có lẽ là tín hiệu cho thấy cả hai bên nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều công việc phía trước, không chỉ là về đại dịch".