• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hình như chúng ta đã quên "thủ phạm chính" trong các vụ nâng điểm thi

Giáo dục 28/03/2019 09:59

(Tổ Quốc) - Những ý kiến dường như vẫn tiếp tục sau khi Bộ GDĐT đưa ra các kết luận được xem như là thông báo cuối cùng liên quan đến hướng xử lý các sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Vẫn chờ đợi công khai danh tính thí sinh gian lận thi cử hay không?

Những ngày qua, sau khi sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La được công bố, dư luận xã hội vẫn rất bức xúc khi việc xử lý vẫn chưa đi tới cùng của sự việc. 

Mọi bức xúc là có lý do bởi, 108 cơ hội được vào trường ĐH, CĐ của các thí sinh học hành nghiêm túc đã bị tước đoạt, bị giành bởi 108 thí sinh kém hơn họ.

Con em miền núi, vùng sâu vùng xa, các gia đình có điều kiện học hành không bằng các em học sinh thành thị, mơ ước có cơ hội được học tập trong các trường khối Công an, Quân đội là mơ ước cả đời của các em, có thể còn là mơ ước của cả gia đình, bởi nếu các em đỗ vào các trường này thì sẽ đỡ được phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Sau khi Bộ GDĐT công bố kết luận sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La, nhiều phụ huynh, học sinh ở Sơn La cũng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng cần làm rõ 44 thí sinh được nâng điểm là con cháu của những ai? và đề nghị phải công khai danh tính các phụ huynh bỏ tiền mua điểm cho con, xử lý nghiêm những người này theo quy định của pháp luật.

Hình như chúng ta đã quên thủ phạm chính trong các vụ nâng điểm thi: Phụ huynh học sinh! - Ảnh 1.

Nên hay không nên công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi?

Đã có những người lo ngại việc công bố danh tính các thí sinh gian lận thi cử cũng sẽ ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới tâm lý các em này. Vậy 108 em bị tước đoạt quyền vào học kia từng có ai lo ngại các em không bị ảnh hưởng. Chắc chắn một điều các em đó đã phải rớt nước mắt vì công sức học hành của mình bị người khác coi thường. Mỉa mai thay, đó lại là những bạn bè đồng trang lứa.

Bức xúc còn là bởi phải mất bảy tháng trời sự thật về những gian lận điểm chác kia mới có thể công khai trong khi công an điều tra của ta được trang bị phương tiện, kỹ thuật hiện đại thế mà sự công bằng lại khó tìm lại được đến thế. Nhất là khi đã xác định được và xử lý những đối tượng liên quan trực tiếp đến việc chỉnh sửa điểm thi của thí sinh thì việc tìm ra danh sách "nhờ vả" có lẽ không phải là việc khó. Phải chăng vì đó là con em những người đang làm việc trong lực lượng CAND, QĐND… nên việc công khai danh tính cần phải có thời gian giải quyết cho ổn thỏa?

Những bê bối trong một kỳ thi lớn tầm quốc gia khiến xã hội và người dân bức xúc, đại biểu quốc hội cũng như nhiều lãnh đạo các trường, cơ quan nhà nước tới giờ vẫn đặt ra những câu hỏi đối với các cơ quan chức năng rằng tại sao vẫn không công khai danh tính thí sinh, danh tính phụ huynh của các thí sinh liên quan tới gian lận điểm chác.

Sai ai chịu?

"Buộc thôi học đối với mọi trường hợp thí sinh liên quan đến gian lận thi cử" là cái kết dành cho các thí sinh đã và đang học nhờ gian lận điểm thi mà đỗ vào trường nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Lý giải cho sự đồng thuận cao với cách xử lý này là bởi, gian lận, dù động cơ nào đi chăng nữa thì cũng là một việc làm xấu, cần bị lên án và xử lý nghiêm. Cách giải quyết này mới đủ tính răn đe, làm gương cho người khác noi theo.

Sở GDĐT thì chậm trễ thông báo kết quả cập nhật lại điểm thi vì những lý do nào đó. Các trường ĐH thì chờ đợi kết quả cập nhật điểm, rồi mỗi trường sẽ lại có một hướng xử lý riêng đối với các trường hợp được nâng điểm để trúng tuyển vào trường. Chưa kể một quy trình báo cáo hành chính sau đó, từ công văn, giấy tờ gửi các cơ quan trực tiếp quản lý, cơ quan hữu quan rồi đợi ý kiến xử lý… mỗi công đoạn sẽ mất dăm ngày, chỉ nghĩ tới quy trình đó thôi cũng đã thấy chậm rồi.

Việc khiến dư luận bức xúc cũng là bởi các cơ quan chức năng có lẽ chưa rốt ráo làm hết trách nhiệm của mình, khi vẫn có những phương án xử lý khác nhau sau khi công bố sai phạm, như Cục trưởng Cục Đào tạo (Bộ Công an) thì khẳng định "Bài thi của thí sinh gian lận sẽ bị hủy. Các thí sinh này không đủ điều kiện học trường Công an nhân dân", còn Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) thì cho rằng "Đây là thời điểm khởi đầu cuộc đời của thanh niên, nên chúng ta cần phải nghĩ tới cái tổng thể. Chẳng hạn như việc dán danh sách công khai ngay tại các trường mà các em đang học, chúng tôi không ủng hộ".

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Bộ GDĐT, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra, xác minh xử lý gian lận thi cử trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, việc không cương quyết đưa ra danh sách thí sinh được nâng điểm thi, việc không quy định rõ việc xử lý các thí sinh liên quan đến gian lận thi cử trong các văn bản pháp luật (trực tiếp là Quy chế Thi THPT quốc gia và Quy chế Tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2019); khoảng trống 108 thí sinh không còn cơ hội tuyển bổ sung trong năm học 2018-2019, việc không đi tới cùng trong xử lý vụ việc trước xã hội của các cơ quan chức năng… là điểm trừ cho thành tích này.

Câu hỏi nữa là tại sao cả một quy trình từ khâu chuẩn bị cho kỳ thi tới kết thúc kỳ thi, thông báo kết quả thi được cho rằng chặt chẽ, việc phân công phân nhiệm chi tiết tới từng vị trí, vậy mà việc xử lý sai phạm, gian lận đối với thí sinh được nâng điểm, sửa điểm lại mất nhiều thời gian và gây ra nhiều tranh cãi đến vậy?

Cuối cùng, ông cha ta có câu "Không có lửa thì sao có khói", "Ai sai người đó chịu" cần được tham chiếu trong trường hợp này. Nhìn vào vụ gian lận thi cử chấn động nước Mỹ vừa qua, việc xử lý của các cơ quan chức năng và luật pháp nước này khiến nhiều người Việt tỏ ra chạnh lòng. Hàng loạt các ngôi sao, doanh nhân nổi tiếng thế giới bị xử lý vì tội danh hối lộ đến hàng triệu đô để 'lo lót' cho con cái được vào học những trường danh tiếng.

Hình như chúng ta đã quên thủ phạm chính trong các vụ nâng điểm thi: Phụ huynh học sinh! - Ảnh 2.

Các lãnh đạo trường ĐH Y Tokyo, Nhật Bản đã cúi đầu xin lỗi trước công chúng vì có hành vi thao túng điểm số (ảnh: Japantimes)

Hoặc vụ bê bối điểm thi gây rúng động nước Nhật hồi cuối năm 2018 khi hàng loạt trường ĐH của nước này bị tố gian lận điểm thi để đánh trượt các nữ sinh trong quá trình tuyển sinh. Hiệu trưởng trường ĐH Y Tokyo- một trong số những trường đại học danh giá nhất của Nhật Bản cũng đã phải cúi đầu xin lỗi vì để xảy ra sự việc này. Liên quan đến gian lận điểm chác, gần đây, cựu Cục trưởng Cục Chính sách Khoa học (Bộ Giáo dục Nhật Bản) Sano Hitoshi cũng đã bị cảnh sát bắt giam vì nghi ngờ người này đã có tác động để nâng điểm các bài thi cho con trai mình. Danh sách các học sinh được nâng và sửa điểm sau đó cũng chính thức được công bố.

Như vậy, một khi pháp luật rõ ràng và nghiêm minh, hệ thống thực thi pháp luật đủ mạnh, xử lý đúng người đúng tội thì khi đó mới mong có được sự công bằng cho mọi người. Thường thì kẻ chủ mưu luôn bị phạt nặng nhất (Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, thông thường nếu các tình tiết khác như nhau thì người tổ chức sẽ bị phạt nặng hơn người thực hành trích ý kiến của ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao).

Vậy cũng nên bắt đầu Kỳ thi THPT quốc gia 2019 bằng việc cho công khai danh tính những phụ huynh, quan chức, người giàu đã dùng tiền và quyền để mua điểm cho con mình trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Thà loại bỏ một thế hệ hỏng còn hơn là để hỏng nhiều thế hệ, thiết nghĩ trong những sự việc như thế này thì nên như vậy.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ