(Tổ Quốc) -Trung Quốc sẵn sàng và có thể đóng vai trò tích cực trong việc đưa Syria khởi sắc sau xung đột.
Sau khi nhận thấy ngày càng nhiều động thái bước ngoặt trong cuộc xung đột Syria, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến việc tái thiết đất nước này, bất chấp nhiều trở ngại.
Kể từ tháng 4 năm ngoái, ít nhất 30 người Trung Quốc đã tới Syria từ biên giới Lebanon để tìm kiếm cơ hội đầu tư ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Chuyến thăm đã đưa họ đến Damascus và Homs - nơi họ được chào đón bởi các bộ trưởng và các thống đốc Syria và cùng ngồi xuống thảo luận các dự án tiềm năng.
Ông Qin Yong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Trung Quốc - Ảrập có trụ sở Bắc Kinh, người đã tới thăm Syria ba lần trong năm nay, nói với tờ Thời báo Toàn cầu rằng phần lớn các doanh nhân Trung Quốc đến từ khu vực tư nhân, bao gồm nhiều lĩnh vực như hàng hoá xuất nhập khẩu, thực phẩm, thiết bị điện và xây dựng.
"Cho đến nay, chính phủ Syria đã kiểm soát 2/3 nước này", ông Qin nói. "Tiến trình tái thiết đã được bắt đầu từ năm 2015 khi quân đội chính phủ Syria, một mặt, vẫn xung đột với lực lượng đối lập và chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), trong khi đã bắt đầu nỗ lực xây dựng lại cơ sở hạ tầng tại các khu vực an toàn hơn. Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc còn nhiều nghi ngờ, các công ty của Nga và Iran nay đã trở thành một phần của tiến trình tái thiết này."
Qin tiếp tục nói, "Nhiều người lo ngại trước khi đến Syria, nhưng những ấn tượng của họ về đất nước này đã thay đổi hoàn toàn sau khi kết thúc chuyến đi," lưu ý rằng ngày càng có nhiều doanh nhân Trung Quốc đang bày tỏ quan tâm tới Syria.
Zhao Hui, một doanh nhân từ Taizhou, tỉnh Chiết Giang, đã tới Syria vào tháng 8, nói với tờ Thời báo Toàn cầu rằng hầu hết các khu vực mà anh ta đến thăm đều an toàn và việc tái thiết đã mang lại rất nhiều cơ hội.
"Syria cần rất nhiều vật liệu xây dựng, như thủy tinh, xi măng và thép", Zhao cho biết thêm, ông cũng đang xem xét nhập khẩu dầu ô liu từ Syria về Trung Quốc.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới vào tháng Bảy, sáu năm chiến tranh đã làm tê liệt nền kinh tế Syria, với tổng thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 226 tỷ USD.
Qin cho biết "Ưu tiên cao nhất của Syria là khôi phục lại nguồn năng lượng… Những gì họ cần nhất lúc này là năng lượng mới, chẳng hạn như các tấm pin mặt trời", sau đó nói thêm rằng các sản phẩm của Trung Quốc có lợi thế lớn về giá cả.
Chiến thắng trong tầm tay?
Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Moualem nói hôm thứ Bảy tại Đại hội đồng LHQ rằng chiến thắng đã nằm trong tầm tay tại nước này và rằng Damascus mong muốn các khu vực giảm leo thang sẽ giúp dẫn đến việc chấm dứt các cuộc xung đột.
Hôm thứ Năm, đặc phái viên của chính phủ Trung Quốc về Syria Xie Xiaoyan cho biết Trung Quốc chắc chắn sẽ sẵn sàng và có thể đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng lại Syria, và chính phủ nước này đang thực hiện các bước để khuyến khích các công ty Trung Quốc tham gia.
Xie trích dẫn các phương tiện truyền thông nói rằng chi phí tái thiết Syria có thể lên tới khoảng 200-300 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Qin lại đưa ra con số gấp đôi hay gấp ba lần, và lưu ý, "Tình thế tiến thoái lưỡng nan ở đây là liệu chính phủ Syria có đủ khả năng cho việc xây dựng lại đất nước".
Cuộc nội chiến sáu năm đã cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ của nước này, với các mỏ dầu chủ yếu nằm trong tay lực lượng đối lập và IS, do đó, quốc gia này đã phải dựa vào các nước láng giềng để cung cấp dầu.
Qin cho biết, các quan chức Syria đã đề nghị nhờ tới một nước thứ ba như một bên bảo đảm vay tiền, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm ở tất cả các lĩnh vực.
Một luật sư từ Ủy ban tái thiết và các vấn đề pháp lý Syria - do Đại sứ quán Syria tại Bắc Kinh và Công ty luật Jingshi của Bắc Kinh thành lập, ông Mao Wei, nói với tờ Thời báo toàn cầu rằng Syria cần sửa đổi luật để thu hút đầu tư và cho hay, các bộ luật trước đây đã hạn chế việc đầu tư.
Bất chấp sự lạc quan chung này, Zhao – một nhà kinh doanh Chiết Giang, cho biết ông vẫn lo lắng về sự an toàn cá nhân của mình và các giao dịch tài chính.
"Syria vẫn đang bị Mỹ và châu Âu áp đặt và trừng phạt, điều này khiến tiền tệ trở nên vô cùng khó khăn, có nghĩa là dòng tiền cần phải được đi qua Nga hoặc Iran. Những phức tạp này tạo ra những mối đe dọa về an ninh tài chính", Zhao nói.
(Theo Sputnik)