• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hỗn chiến Trung Đông: Mặt trận mới đối đầu Saudi Arabia và Iran

Thế giới 08/11/2017 22:31

(Tổ Quốc) - Saudi Arabia đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến giành quyền lực với Iran - đe dọa đồng minh của Tehran là Hezbollah và Lebanon nhằm giành lại “ghế trên” trong khu vực.

Trong khi quyền lực của Iran đang gia tăng sau chiến thắng trên thực địa tại Iraq và Syria, Riyadh đang sa lầy trong một cuộc chiến tranh với các nhóm đồng minh của Iran ở Yemen. Và cách tiếp cận mới của Saudi có thể dấy lên bất ổn về chính trị và kinh tế kéo dài tại một quốc gia mà ảnh hưởng của Tehran đang lên.

Việc Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri (đồng minh của Saudi) từ chức ngày 4/11, được tuyên bố từ phía Riyadh và được đổ lỗi cho phía Iran và Hezbollah – được nhiều người xem là bước đầu tiên trong một cuộc can thiệp chưa từng có của Saudi Arabia vào chính trị Lebanon.

 Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah phát biểu trước người ủng hộ. (Nguồn: Reuters)

"Người Saudi dường như đã quyết định rằng cách tốt nhất để đối đầu với Iran là bắt đầu ở Lebanon", một nhà ngoại giao châu Âu nói.

Riyadh đổ lỗi cho Hezbollah về việc từ chức của nhà chính trị Sunni ưu tú người Lebanon, cáo buộc nhóm này đã "đánh cướp" nền chính trị Lebanon. Tuy nhiên, Saudi Arabia cũng mở rộng cáo buộc Lebanon – nói rằng nước này đã tuyên chiến với họ.

Một bộ trưởng Saudi Arabia đã đưa ra một yêu cầu gần như không thể thực hiện rằng người Lebanon phải hành động chống lại nhóm Hezbollah – đã là một thế lực chính trong chế độ chính trị của Lebanon và có thực lực mạnh hơn cả nhà nước đang suy yếu, cùng với một đội quân du kích đưa vượt trội so với quân đội quốc gia.

Diễn ra cùng thời điểm với chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào các quan chức cấp cao Saudi, tuyên bố gây sốc trên của ông Hariri gia tăng đồn đoán từ phía Hezbollah và những người khác cho rằng các lợi ích kinh doanh của ông đã khiến ông bị cuốn vào cuộc điều tra trên và buộc phải từ chức.

Saudi Arabia và các đồng minh của Hariri phủ nhận điều đó và nói rằng ông buộc phải từ chức do sự can thiệp của Hezbollah tại các nước Ả Rập khác và điều này phục vụ cho Iran.

Khoảng trống quyền lực

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia  Adel Jubeir nói rằng Hezbollah từ lâu đã "tác động" vào trong chính phủ Hariri, bao gồm hai bộ trưởng của Hezbollah và theo một thỏa thuận chính trị năm ngoái – đưa ông Michel Aoun, được cho là một đồng minh của Hezbollah lên nắm giữ vị trí Tổng thống nước này.

Hezbollah và các đồng minh của họ sẽ phải đối mặt với việc thành lập chính phủ mà không có Hariri hay sự ủng hộ của ông ấy – khiến Lebanon rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài và cuối cùng có thể gây ra căng thẳng sắc tộc Sunni-Shi'ite, mặc dù hiện chưa có tín hiệu về vấn đề này do các bên vẫn kêu gọi bình tĩnh.

Khi thông báo từ chức, Hariri trích dẫn một âm mưu ám sát ông và chỉ trích Iran và Hezbollah để gieo rắc sự xung đột và cố gắng "bỏ túi" Lebanon để họ rời xa thế giới Ả Rập. Tuyên bố này được đưa ra bất ngờ - ngay cả với trợ lý của Hariri.

Không rõ những gì sẽ xảy ra tiếp theo: Các nỗ lực của Saudi Arabia nhằm làm suy yếu Hezbollah ở Lebanon đã thất bại nặng nề một thập kỷ trước, kết thúc bằng một cuộc chiến của người Sunni-Shi'ite trên đường phố Beirut – sau đó đã mang tới sự thống trị quân sự của Hezbollah.

Cuộc cạnh tranh khu vực đã chuyển đến những nơi khác trong những năm gần đây, đặc biệt là ở nước láng giềng Syria, nơi nhiều năm qua Saudi đầu tư vào các nhóm nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad – động thái cũng nhằm đẩy lui sự can thiệp quân sự trực tiếp của Iran và Hezbollah.

Tại Iraq, lực lượng dân quân do Tehran hậu thuẫn và các chỉ huy Iran cũng có quyền lực ngang với lực lượng quân đội Iraq được Mỹ hậu thuẫn, gần đây nhất là trong một chiến dịch chiếm lại Kirkuk từ lực lượng người Kurd.

Cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo người Iran Ayatollah Ali Khamenei - ông Ali Akbar Velayati đã hoan nghênh sự thành công của liên minh này từ Beirut hôm thứ 6 tuần trước, tuyên bố chiến thắng tại Iraq, Syria và Lebanon. Phát biểu của ông với giới truyền thông sau cuộc gặp với Hariri được coi là một sự khiêu khích lớn đối với thế lực của người Sunni là Saudi Arabia trong khu vực.

Ông Hariri đã lên đường đến Saudi Arabia ngay sau đó, huỷ bỏ các cuộc hẹn trước và đưa ra tuyên bố từ chức – được công bố đầu tiên bởi truyền thông của Saudi.

Căng thăng vùng Vịnh đã bùng lên sau đó, khi các nhóm được cho là thân cận với Iran đã bắn một tên lửa đạn đạo từ Yemen và nhắm tới Riyadh. Saudi Arabia cáo buộc hành động này do Hezbollah thực hiện.

Cả Hezbollah và chính phủ Lebanon đều không phản hồi trước các cáo buộc của Saudi Arabia. Sau đó, Bộ trưởng Quan hệ vùng Vịnh Thamer al-Sabhan, trợ lý hàng đầu cho Thái tử Mohammed bin Salman, nói rằng cả Lebanon và Hezbollah đã tuyên chiến.

"Chính phủ Lebanon sẽ bị đối xử như một chính phủ tuyên chiến với Saudi Arabia, và tất cả người Lebanon phải nhận ra mối nguy hiểm này và làm việc để giải quyết các vấn đề trước khi chúng ta đi tới điểm không thể trở lại", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Al-Arabiya TV .

Thái tử Mohammed nói với Reuters vào tháng trước rằng cuộc chiến ở Yemen sẽ tiếp tục để ngăn chặn phong trào Houthi của Iran trở thành một Hezbollah khác ở biên giới của Saudi Arabia.

Kêu gọi trừng phạt

Hezbollah được thành lập bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran năm 1982 để chống lại quân đội Israel ở Lebanon. Cuộc chiến tranh lớn cuối cùng của họ với Israel là vào năm 2006, kể từ khi Hezbollah phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong khi Sabhan tuyên bố rằng Hezbollah sẽ bị buộc trở lại "các hang động của họ" ở miền nam Lebanon, bất kỳ hành động quân sự nào của Saudi  ở Lebanon - chẳng hạn như các cuộc không kích - sẽ là một bất ngờ lớn.

Tuy nhiên, tình trạng tê liệt chính trị và căng thẳng vẫn là một mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế đã bị trì trệ và có thể làm hỏng các cuộc bầu cử quốc hội năm tới – diễn ra lần đầu tiên tại Lebanon kể từ năm 2009.

Các nhà hoạch định chính sách đã mất nhiều công sức để trấn an lo ngại về sự ổn định tài chính của quốc gia nợ nần nặng nề này. Họ nói rằng tiền tệ Lebanon đang ổn định.

Ông Hariri đã có những nỗ lực nhằm tìm kiếm viện trợ quốc tế để giúp Lebanon giải quyết vấn đề hỗ trợ 1.5 triệu người tị nạn Syria.

Các nhà lãnh đạo của tất cả các bên nói rằng không cần phải leo thang tình hình thêm nữa. Cả Hezbollah và Phong trào Tương lai của Hariri đều đang nỗ lực kiềm chế căng thẳng Sunni-Shi'ite trong chiến tranh ở nước láng giềng Syria.

Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah đã kêu gọi sự bình tĩnh và kiên nhẫn khi Hariri từ chức. Okab Sakr, thành viên của Phong trào Tương lai, lưu ý rằng các cuộc phản đối nhằm bày tỏ sự ủng hộ cho ông Hariri đã bị hủy bỏ để tránh rắc rối.

Sabhan, Bộ trưởng Saudi, đã kêu gọi "các biện pháp trừng phạt thực sự" và các liên minh để "tìm ra một giải pháp căn bản cho vấn đề này", nói rằng Hezbollah phải bị giải giáp và tách xa quyền lực chính phủ.

Ủng hộ lập trường của Saudi Arabia, Hoa Kỳ cũng đã đưa ra các biện pháp mới nhằm vào Hezbollah trong những tuần gần đây, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có thái độ cứng rắn hơn đối với Iran.

Mỹ cũng tuyên bố một khoản tiền thưởng để bắt giữ hai quan chức Hezbollah, và Hạ viện Mỹ cũng ủng hộ các hình thức trừng phạt mới nhắm vào các thực thể bị phát hiện ủng hộ Hezbollah.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ