• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Họp khẩn về Triều Tiên: Mỹ tung đòn trừng phạt chớp nhoáng

Thế giới 26/05/2022 12:53

(Tổ Quốc) - Mỹ đã ấn định thời điểm bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc (LHQ) là trong ngày 26/5 để ra nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên vì các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây.

Phái bộ Mỹ tại LHQ đã nỗ lực soạn thảo nghị quyết để đưa ra trình Hội đồng Bảo an trong vài tháng qua. Tuy nhiên, biện pháp này vấp phải sự phản đối từ các nước láng giềng của Triều Tiên là Trung Quốc và Nga. Hai nước này đã phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 11 tháng 5 rằng họ muốn có các cuộc đàm phán mới và không gia tăng trừng phạt thêm đối với Triều Tiên.

Mỹ, nước giữ chức chủ tịch hội đồng bảo an trong tháng này, đã công bố kế hoạch cho cuộc bỏ phiếu hôm nay tương đối muộn, vào thứ Tư.

Liệu Trung Quốc và Nga sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn biện pháp này hay tham gia bỏ phiếu trắng vẫn còn phải chờ xem.

Trung, Nga ra tín hiệu bất đồng

"Chúng tôi không nghĩ rằng một giải pháp do Mỹ đề xuất có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào", Phái đoàn Trung Quốc tại LHQ cho biết trong một tuyên bố vào tối thứ Tư.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã đề xuất rằng Mỹ nên xem xét đưa ra một tuyên bố từ vị thế chủ tịch hội đồng, thay vì cố gắng hướng tới một nghị quyết chung. Trung Quốc nói rằng ý tưởng của họ "được nhiều phái đoàn ủng hộ nhưng Mỹ đã bỏ qua nó". "Họ (nước Mỹ-PV) biết đâu là cách tốt nhất để giảm leo thang nhưng chỉ đơn giản là không muốn làm điều đó", tuyên bố của Trung Quốc cho hay.

Họp khẩn về Triều Tiên: Mỹ tung đòn trừng phạt chớp nhoáng - Ảnh 1.

Chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên liên tục vấp phải sự quan ngại của các nước phương Tây. Ảnh: KCNA/AP.

Động thái Mỹ thông báo thời điểm bỏ phiếu và công bố dự thảo nghị quyết dài 14 trang diễn ra chỉ vài giờ sau khi Hàn Quốc báo cáo rằng Triều Tiên đã phóng thử một ICBM và hai tên lửa tầm ngắn. Thời điểm diễn ra vụ phóng này và các hành động nhắm vào Triều Tiên tại LHQ cũng diễn ra ngay sau khi ông Biden kết thúc chuyến công du châu Á hôm thứ Ba. Nhà lãnh đạo này đã tới Hàn Quốc, Nhật Bản, và tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ cả hai đồng minh trước mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Các vụ phóng hôm thứ Tư là đợt phóng tên lửa thứ 17 trong năm nay của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Các chuyên gia cho biết Triều Tiên muốn tăng cường thúc đẩy mở rộng kho vũ khí và gây thêm áp lực lên các đối thủ để giành được các biện pháp giảm nhẹ trừng phạt và các nhượng bộ khác.

Hội đồng Bảo an đã áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 và thắt chặt các biện pháp này trong nhiều năm qua nhằm tìm cách kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, cũng như cắt nguồn tài trợ cho nước này.

Trong nghị quyết trừng phạt cuối cùng được thông qua vào tháng 12/2017, Hội đồng Bảo an đã cam kết hạn chế hơn nữa xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên nếu nước này tiến hành một vụ phóng tên lửa đạn đạo có khả năng đạt tầm liên lục địa.

Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield ngày 11/5 cho biết Triều Tiên đã phóng ít nhất ba ICBM. Nhưng bà nói rằng trong bốn năm qua, hai thành viên – một sự nhắc nhở rõ ràng đến Trung Quốc và Nga - "đã chặn mọi nỗ lực" nhằm thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, cũng như ngăn việc cập nhật danh sách các cá nhân, công ty và các tổ chức khác bị đóng băng tài sản và đi lại.

Loạt động thái siết chặt trừng phạt

Dự thảo nghị quyết được đưa ra biểu quyết hôm thứ Năm sẽ giảm xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên từ 4 triệu thùng/năm xuống 3 triệu thùng/ năm, đồng thời giảm xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ 500.000 thùng / năm xuống còn 375.000 thùng/ năm. Dự thảo này cũng sẽ cấm Triều Tiên xuất khẩu nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và sáp khoáng.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun đã bày tỏ sự tiếc nuối vào ngày 11 tháng 5 rằng Mỹ "vẫn say mê với sức mạnh ma thuật của các lệnh trừng phạt" và theo ông, trừng phạt không phải là cách thích hợp để giải quyết tình hình.

Ông nói rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên vào năm 2018 đã tạo ra kết quả tích cực và giảm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng Mỹ đã tạo ra sự bế tắc hiện tại bằng cách không đáp lại những gì ông nói là các sáng kiến tích cực của Bình Nhưỡng.

Phó đại sứ Nga tại LHQ, Anna Evstigneeva, nhắc lại sự phản đối của ông Zhang đối với các lệnh trừng phạt mới, nói rằng: "Thật không may, cho đến nay hội đồng chỉ thắt chặt các hạn chế mà bỏ qua các tín hiệu tích cực từ Triều Tiên."

Ngoài việc hạn chế hơn nữa đối với việc nhập khẩu dầu của Triều Tiên, dự thảo nghị quyết sẽ cấm bán hoặc chuyển giao tất cả các sản phẩm thuốc lá cho Triều Tiên và thắt chặt các biện pháp trừng phạt hàng hải. Văn bản này cũng sẽ cấm Triều Tiên xuất khẩu các loại đồng hồ và các bộ phận của chúng.

Nghị quyết cũng sẽ áp đặt lệnh đóng băng tài sản toàn cầu đối với Tập đoàn Lazarus của Triều Tiên. Văn bản này viết biết Lazarus đã tham gia vào "hoạt động gián điệp mạng, đánh cắp dữ liệu, khủng bố tiền tệ và các hoạt động phần mềm độc hại phá hoại" chống lại chính phủ, quân đội, tài chính, sản xuất, xuất bản, các tổ chức truyền thông và giải trí cũng như các công ty vận chuyển và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Dự thảo này cũng sẽ đóng băng tài sản toàn cầu của Tổng công ty Thương mại Namgang Triều Tiên, công ty đưa lao động Triều Tiên ra nước ngoài để tạo thu nhập cho chính phủ. Dự thảo cũng sẽ làm điều tương tự đối với Tập đoàn Thương mại Haegumgang, bên được cho là đã làm việc với một công ty Mozambique theo hợp đồng trị giá 6 triệu USD bao gồm triển khai tên lửa đất đối không, radar phòng không và hệ thống phòng không di động.

Nghị quyết được đề xuất sẽ thêm một cá nhân vào danh sách đen trừng phạt, Kim Su Il, người được cho là đại diện của Cục Công nghiệp Bom, đạn và chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ