• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hợp tác Trung Quốc – Iran qua SCO "nổi bật" trên trường quốc tế

Thế giới 13/10/2021 20:18

(Tổ Quốc) - Trong thượng đỉnh gần đây ở Tajikistan, sau một thời gian dài đăng ký, Iran đã chính thức trở thành thành viên thứ 9 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - một liên minh kinh tế chính trị.

Lợi thế ngoại giao cho Iran

Theo Washington Examiner, việc Iran trở thành thành viên của SCO được xem là chiến thắng lớn về mặt ngoại giao trong khi SCO sẽ có cơ hội tăng cường củng cố khối liên kết an ninh lớn nhất lục địa Á - Âu và mở rộng tầm ảnh hưởng của tổ chức này trên bàn cờ địa chính trị thế giới.

Hợp tác Trung Quốc – Iran qua SCO "nổi bật" trên trường quốc tế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Washington Examiner

SCO được thành lập từ năm 2001 với các thành viên ban đầu là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, có mục đích chủ yếu là hợp tác về an ninh và quân sự.

Trong thời gian ngắn, tư cách thành viên của Iran trong SCO sẽ không đảm bảo lợi ích kinh tế nhưng việc này lại mang tín hiệu ngoại giao tích cực cho Tehran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Các nhà phân tích cho rằng, việc Iran được chấp nhận gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là tín hiệu cho thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Tân Tổng thống Iran - Ebrahim Raisi cũng bày tỏ sự quan tâm đến quá trình gia nhập SCO, tăng cường quan hệ với Trung Quốc và gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Vào tháng Ba, trước khi Iran là thành viên của SCO, lãnh đạo hai nước Iran và Trung  Quốc  đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược kéo dài 25 năm.  Sự hợp tác với Bắc Kinh đã giúp Tehran đạt được nhiều lợi ích cũng như ảnh hưởng trong khu vực.

Trong thời gian dài, bất chấp các mâu thuẫn về thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) giữa Iran và Mỹ, tham vọng hạt nhân của Tehran tiếp tục tạo thêm những căng thẳng lớn kể từ năm 2000. Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, chính sách gây áp lực tối đa của Mỹ đối với Iran đã ngăn cản Trung Quốc hợp tác hiệu quả với nước này. Chẳng hạn như, việc Trung Quốc mua dầu của Iran nhằm đối phó với trừng phạt của Washington đã khiến quan hệ Bắc Kinh - Washington đi xuống thấp nhất trong thời  kỳ chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Cho dù vậy, các chuyên gia nhận định, việc Bắc Kinh hợp tác với quốc gia Hồi giáo này vẫn chỉ ở vị trí thứ yếu sau Mỹ.

Theo Washinton Examers, thực tế, Iran đã đăng ký trở thành thành viên của SCO từ năm 2005 nhưng phải đến năm 2020 mới được Trung Quốc bật đèn xanh. Thậm chí vào tháng 6/2020, cho dù có rất nhiều tin đồn về thỏa thuận đối tác chiến lược với Iran xuất hiện nhưng Bắc Kinh vẫn chưa ký bất kỳ thỏa thuận công khai nào với Tehran. Giới quan sát nhận định, chừng nào Mỹ vẫn còn kiên quyết chống lại Iran thì Trung Quốc vẫn luôn từ chối mạo hiểm hợp tác.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Iran ở SCO

Theo Washington Examiner, Iran gia nhập SCO trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden thúc đẩy nỗ lực mới nhằm trở lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) sau khi cựu Tổng thống Trump quyết định rút lui vào năm 2018. Các đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và Washington đang bị trì hoãn từ tháng Sáu đến nay.

Chính quyền Tổng thống Biden đã thể hiện quyết tâm trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran bằng cách khôi phục JCPOA. Mặc dù vậy, chính điều này cũng tạo động lực cho cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Trung Quốc và Iran thông qua SCO. Có thể cả Iran và Trung Quốc sẽ xem đây là cơ hội để thúc đẩy quan hệ hai nước. Định hướng này của chính quyền Tổng thống Biden đã làm thay đổi tính toán chiến lược của Bắc Kinh với Tehran nhưng cũng khiến Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn trong mối quan hệ với Iran.

Ông Joey Hood – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông đã khẳng định: "Chúng tôi mong muốn Iran và Trung Quốc có mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh và hiệu quả. Điều này cho thấy chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng ủng hộ mối quan hệ giữa hai quốc gia này."

Việc Mỹ chấp nhận hợp tác chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Iran diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng chính sách đối ngoại với thế giới – được biết đến là "ngoại giao quốc gia lớn". Chính sách đối ngoại này nhằm khẳng định sức mạnh của Trung Quốc. Các dự án đầu tư lớn của Bắc Kinh, chẳng hạn như "Sáng kiến Vành đai – Con đường" và ngoại giao "chiến binh sói" là các ví dụ điển hình cho chính sách mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Điều đáng chú ý là việc Mỹ chấp thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Iran trong danh nghĩa "tái quan hệ" lại tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường mua dầu của Tehran và nhu cầu đã tăng mạnh trong  thời  gian  gần đây. Còn phía Iran, sau khi trở thành thành viên chính thức SCO sẽ giúp họ có sự gắn kết chặt chẽ hơn với khu vực nhưng đây cũng là điều mà Tehran đã có với tư cách là thành viên quan sát trước đó. Các nhà phân tích lưu ý, động thái Trung Quốc kết nạp Iran vào SCO hay thỏa thuận hợp tác 25 năm giữa Iran và Trung Quốc đều không mang lại uy tín nhiều hơn cho Iran trong ngắn hạn nhưng phần nào cho thấy chính việc muốn tái hợp tác với Iran đã khiến Mỹ nới lỏng hạn chế, mở đường cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Tehran./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ