• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hứng chịu đòn công kích ngoài tiền lệ của Tổng thống Trump, Lầu Năm góc rơi thế "trăm mối lo"

Thế giới 08/09/2020 10:58

(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, hôm thứ Hai (7/9), Tổng thống Donald Trump đã có một màn công kích chưa từng có trong tiền lệ nhằm vào giới chức quân sự nước Mỹ, khi cáo buộc họ tiến hành chiến tranh nhằm thúc đẩy lợi nhuận cho các công ty sản xuất vũ khí.

"Tôi không nói giới quân sự yêu quý tôi – những người lính thì có đấy còn những lãnh đạo của Lầu Năm góc thì chắc không đâu, bởi vì họ chả muốn gì ngoài gây chiến, từ đó tất cả các công ty chế tạo bom và máy bay cùng những thứ khác sẽ cảm thấy hạnh phúc", ông Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.

Những phát biểu kinh ngạc của người đứng đầu nước Mỹ được đưa ra vào thời điểm một số quan chức quốc phòng tiết lộ với CNN rằng, mối quan hệ giữa giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng thống đang ngày càng căng thẳng.

Ông Trump hiện không ngừng nỗ lực để thuyết phục công luận, ông không phải là tác giả của một loạt những bình luận được cho là mang tính chê bai quân nhân và cựu chiến binh Mỹ.

Hứng chịu đòn công kích ngoài tiền lệ của Tổng thống Trump, Lầu Năm góc rơi thế "trăm mối lo" - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: CNN)

Theo một cựu quan chức Chính phủ, trong chuyến công du tới Pháp hồi năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc, ông Trump từng đề cập tới những quân nhân Mỹ bị thiệt mạng tại Aisne-Marne bằng những từ ngữ không được "hay ho" cho lắm. Một số cơ quan truyền thông bao gồm cả Fox News cũng đã xác nhận về những thông tin liên quan tới lời lẽ của ông Trump mà tờ Atlantic đăng tải đầu tiên.

Nhiều chuyên gia e ngại, cáo buộc mới nhất của Tổng thống nhằm vào giới chức quân sự có thể dẫn tới hậu quả lâu dài.

"Bình luận của Tổng thống Trump về động cơ của các nhà lãnh đạo quân sự không chỉ làm giảm ý nghĩa của những cống hiến cũng như sứ mệnh mà họ đang đảm nhiệm, mà còn thể hiện thái độ khinh thường và thiếu suy nghĩ của ông ấy", phó đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ John Kirby nhận xét.

Mặc dù ông Trump từng công khai chỉ trích nhiều cựu chiến binh có uy tín như cố Thượng nghị sỹ John McCain và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, nhưng động thái hôm thứ Hai được đánh giá là đã đưa mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa hai bên lên tầm cao mới.

Trong quá khứ, cũng chính ông Trump nhiều lần ca ngợi việc gia tăng ngân sách quốc phòng là một trong những thành tựu của chính phủ, đồng thời coi đó là một minh chứng cho sự ủng hộ của ông đối với quân đội cũng như các nhà thầu vũ khí.

Các tướng lĩnh hàng đầu "kiệt sức và lo lắng"

CNN từng đưa tin, mối quan hệ giữa ông Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper không hề yên ả, thậm chí Tổng thống Mỹ còn muốn thay thế Esper. Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, các nhà lãnh đạo của Lầu Năm góc đang ngày càng cảm thấy "kiệt sức và lo lắng".

Một trong những bận tâm hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ là họ sẽ phải hành xử như thế nào nếu ông Trump kích hoạt Đạo luật Chống bạo động và buộc quân đội Mỹ phải xuống đường để đối phó với người dân tham gia biểu tình. Tháng trước, ý tưởng này từng được ông Trump nhắc lại. Và xa hơn nữa, khi nhà lãnh đạo Mỹ lần đầu đề cập tới nó hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Esper đã công khai thể hiện sự phản đối.

Một vấn đề khác cũng có thể dẫn tới đối đầu giữa ông Trump và giới chức quân đội là khoản ngân sách quốc phòng trị giá 740 tỷ USD. Tổng thống Mỹ từng đe dọa sẽ phủ quyết khoản tiền nếu Lầu Năm góc muốn đổi tên các căn cứ vốn đang được đặt theo tên các tướng lĩnh thuộc Liên minh miền Nam thời Nội chiến Mỹ.

Các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ cũng rất quan tâm tới tình hình sau khi cuộc bầu cử Tháng Mười một kết thúc, đặc biệt trong trường hợp không có kết quả rõ ràng ngay sau đêm bầu cử.

Tháng trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley từng khẳng định trước Quốc hội rằng, quân đội sẽ không đóng vai trò nào trong bầu cử, đồng thời cũng sẽ không tham gia dàn xếp nếu phát sinh tranh chấp về kết quả.

"Trong trường hợp xảy ra tranh chấp bầu cử, theo luật pháp, Tòa án và Quốc hội Mỹ phải giải quyết tranh chấp, chứ không phải là quân đội Mỹ", ông Milley viết trong một lá thư gửi tới Ủy ban Quân vụ Hạ viện.

Tuy nhiên, bất chấp lời khẳng định của Tướng Milley, nếu kết quả bầu cử không rõ ràng khiến khủng hoảng bùng phát, quân đội có thể sẽ rơi vào một tình huống rất khó khăn. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6, ứng viên tổng thống Joe Biden từng dự đoán, quân đội sẽ có thể phải tham gia. "Tôi tin là họ sẽ tháp tùng ông Trump rời Nhà Trắng", ông Biden ám chỉ tới người đứng đầu Hội đồng Tham mưu, Milley.

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua lo ngại về khả năng Tổng thống Trump triển khai hành động quân sự chống lại một đối thủ nào đó trước lễ Tuyên thệ nhậm chức, cho dù người chiến thắng cuối cùng trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ, có là ai đi chăng nữa.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ