• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hương ước, quy ước góp phần hình thành các chuẩn mực, quy tắc đạo đức mới

Văn hoá 15/05/2021 08:55

(Tổ Quốc) - Với vai trò là thiết chế tự quản của cộng đồng, từ lâu, hương ước, quy ước đã có tác dụng duy trì lối ứng xử chuẩn mực trong cộng đồng làng xã, giúp hạn chế, đẩy lùi những tập tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh.

Hương ước, quy ước- giá trị văn hóa truyền thống

Để quản lý xã hội, bên cạnh pháp luật còn có hệ thống các quy phạm xã hội bao gồm: quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội và tổ chức tôn giáo… Tuy các quy phạm xã hội không mang tính cưỡng chế cao như quy phạm pháp luật, song nó vẫn có giá trị bởi có sự kết hợp giữa cưỡng chế với sự tự nguyện, xử phạt với giáo dục, răn đe với thuyết phục. Chính vì vậy, để việc quản lý xã hội đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải thực hiện tốt việc kết hợp giữa pháp luật với hệ thống các thiết chế xã hội khác, trong đó có hương ước, quy ước.

Hương ước, quy ước góp phần hình thành các chuẩn mực, quy tắc đạo đức mới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Canh (bên trái), Bí thư Chi bộ thôn Hương Lam, xã Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) trao đổi về hương ước, quy ước thôn với cán bộ văn hóa xã (ảnh V.H)

Ở Việt Nam, hương ước, quy ước xuất hiện từ thế kỷ XV, được quy định lần đầu tiên dưới triều vua Lê Thánh Tông; được các chế độ phong kiến Việt Nam sau đó và thực dân Pháp duy trì để quản lý làng xã, cộng đồng dân cư (hương ước được thừa nhận và tồn tại song song với pháp luật của Nhà nước). Sau cách mạng tháng Tám (1945), do quan niệm hương ước, quy ước không còn thích hợp với xã hội mới nên Nhà nước ta không đề cập đến việc xây dựng, thực hiện hương ước. Bước vào thời kỳ đổi mới (1986), trước yêu cầu bảo vệ, duy trì, phát triển các phong tục tập quán, giá trị văn hóa tốt đẹp đang được phục hồi, xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn nảy sinh, nhất là trong việc cưới, việc tang nhằm xây dựng đời sống văn hóa mới, chủ trương xây dựng và thực hiện hương ước đã được khẳng định trong một số văn kiện của Đảng và thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật

Hương ước, quy ước đã khẳng định được vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em; phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, hương ước, quy ước còn là một trong những hình thức để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân thể hiện ý chí, tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước – một trong những yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

PGS, TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với chủ trương "khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy ước về nếp sống văn minh ở các thôn, xóm" đã trở thành nền móng cho việc xây dựng hệ thống thể chế về hương ước, quy ước, hạt nhân là Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Hạt nhân của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Theo Báo cáo về tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư năm 2016 của Bộ Tư pháp, Hà Nội có 6.732 hương ước, quy ước được niêm yết, phổ biến đến cộng đồng dân cư. Trong đó, 2.094 hương ước, quy ước được kiểm điểm, thực hiện hằng năm.

Hương ước, quy ước góp phần hình thành các chuẩn mực, quy tắc đạo đức mới - Ảnh 2.

Đường bích họa ở Hà Đông góp phần tuyên truyền chống đại dịch Covid-19 (ảnh Nam Nguyễn)

Nhờ sự chung tay của bà con mà thôn Hương Lam, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã xây dựng được các thiết chế văn hóa mới. Ông Nguyễn Văn Canh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Hương Lam giới thiệu với chúng tôi bộ quy ước, hương ước của thôn được UBND xã thông qua với 7 chương, 18 điều; nổi bật trong đó là truyền thống coi trọng sự gắn kết gia đình, dòng họ, làng xã của người dân. Trên cơ sở kế thừa, hương ước, quy ước được cộng đồng dân cư chọn lọc, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và phong tục, tập quán của địa phương. Cuốn sổ theo dõi việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ được ông Canh giới thiệu vui là "phụ lục giám sát các quy định của quy ước, hương ước". Mở những trang ghi đầu năm 2021, mục cưới hỏi có ghi: "Cặp đôi Nguyễn Văn Đức-Phạm Thị Hoa Mai do dịch Covid-19 chỉ tổ chức lễ ăn hỏi, hủy tiệc cưới"; mục mừng thọ: "Hai ông Nguyễn Văn Thuyên và Kiều Văn Hải đón tuổi 70 không tổ chức lễ mừng thọ"... Ông Canh cho biết, không chỉ đến thời gian này, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động mừng thọ, hiếu hỉ, việc tang tổ chức gọn nhẹ, văn minh mà từ 5 đến 6 năm nay, thực hiện theo quy ước, hương ước, bà con trong thôn luôn nhắc nhở nhau nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các quy định.

Xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội nổi tiếng cả nước trong thời gian vừa qua với tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau trong hoạn nạn của người dân nơi đây. Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh từng phải thực hiện lệnh cách ly, phong tỏa do có ca mắc Covid-19 vào thời điểm đầu tháng 4-2020. Ông Nguyễn Viết Minh, Phó chủ tịch UBND xã Mê Linh gọi đó là những ngày "nông thôn không ngủ". Ông xúc động khi nhắc tới tấm lòng thơm thảo của người dân Mê Linh. Đó là câu chuyện bà con trong thôn chia nhau từng bó rau, quả cà chua, chai nước mắm, khẩu trang, lọ nước rửa tay... Hay câu chuyện người dân ở những thôn trong xã không bị ảnh hưởng bởi dịch đã tiếp tế, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con thôn Hạ Lôi... "Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn, hoạn nạn chính là điều được thể hiện trong quy ước, hương ước được tiếp nối từ bao đời nay của người dân xã Mê Linh", ông Nguyễn Viết Minh cho hay.

Việc tự giác chấp hành quy ước, hương ước ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Trong đó, nhiều văn bản được cộng đồng đánh giá cao, như: Hương ước, quy ước xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai); xã Đại Đồng (Thạch Thất); xã Mê Linh (huyện Mê Linh); xã Bát Tràng (Gia Lâm)... Cụ thể, Quy ước về bảo vệ Tổ quốc của thôn Sinh Liên, xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) quy định: "Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi công dân. Vì vậy, người dân trong thôn phải chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, con em khi đến tuổi phải thực hiện đăng ký, khám tuyển khi có lệnh nhập ngũ. Không trốn tránh, đào, bỏ ngũ". Quy ước về xây dựng nếp sống văn hóa của thôn 6, xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) quy định: "Luôn giữ gìn mối quan hệ láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn hoạn nạn, giải quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn với ý thức xây dựng tình làng nghĩa xóm chân thành, thẳng thắn, tế nhị, trung thực, dân chủ và bình đẳng".

Theo PGS, TS Bùi Xuân Đính, nhiều địa phương của Hà Nội xưa đều có những hương ước, quy ước riêng và hiện còn được lưu giữ. Trong Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước và Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hương ước, quy ước nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung, tiêu chí của phong trào; qua phong trào góp phần củng cố vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống xã hội ở các làng, vùng nông thôn của Hà Nội./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ