• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

IMEC đón đầu bước ngoặt lịch sử thúc đẩy kết nối hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu

Thế giới 14/09/2023 13:17

(Tổ Quốc) - Cuối tuần trước, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ấn Độ, Pháp, Đức, Italia, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận tại cuộc họp G20 ở New Delhi để thiết lập Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC).

Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu 

Theo trang DW, dự án cơ sở hạ tầng mang tên Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu đã được công bố trong hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua ở New Delhi. Đây là dự án cơ sở hạ tầng đường sắt và đường thủy kết nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu.

IMEC đón đầu bước ngoặt lịch sử thúc đẩy kết nối hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu - Ảnh 1.

8 bên ký kết IMEC chiếm khoảng 1/2 nền kinh tế thế giới và 40% dân số. (Reuters)

IMEC sẽ bao gồm hai hành lang riêng biệt: hành lang phía đông kết nối Ấn Độ với Vịnh Ả Rập và hành lang phía bắc sẽ kết nối vùng Vịnh với châu Âu.

Phát biểu tại hội nghị IMEC, được tổ chức tại New Delhi bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng "thế giới đang đứng trước một bước ngoặt trong lịch sử".

Từ góc độ vùng Vịnh, tín hiệu hợp tác mới sẽ củng cố vị trí lịch sử của khu vực với tư cách là tuyến thương mại chính kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi. Bằng cách nhấn mạnh đến thương mại năng lượng, dự án cơ sở hạ tầng đang tận dụng cơ hội thúc đẩy việc cung cấp năng lượng giá rẻ và đáng tin cậy cho thế giới.

IMEC được kỳ vọng sẽ kích thích phát triển kinh tế thông qua tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế giữa châu Á, vùng Vịnh Ả Rập và châu Âu. 8 bên tham gia ký kết IMEC ước tính chiếm 1/2 nền kinh tế thế giới và 40% dân số. Như vậy, các nước này sẽ có khả năng chuyển đổi thương mại và phát triển toàn cầu nếu họ sẵn sàng cam kết các nguồn lực phù hợp.

Dự án cơ sở hạ tầng này cũng có thể có ý nghĩa địa chính trị vì nâng cao vị thế của Mỹ trong khu vực cũng như vai trò của Washington với tư cách là một bên tham gia toàn cầu.

Theo tuyên bố của những người đứng đầu IMEC, hành lang sẽ cung cấp mạng lưới vận chuyển từ tàu đến đường sắt xuyên biên giới có chi phí thấp để bổ sung cho các tuyến vận tải đường bộ và đường biển hiện có.

Điều này sẽ giúp ích cho quá trình vận chuyển hàng hóa và dịch vụ đến, đi và giữa Ấn Độ, vùng Vịnh và châu Âu. Dọc theo tuyến đường sắt, những người tham gia dự định cho phép lắp đặt cáp để kết nối điện và kỹ thuật số cũng như đường ống xuất khẩu hydro sạch.

Các nước sáng lập IMEC hướng đến mục tiêu đảm bảo chuỗi cung ứng khu vực, tăng khả năng tiếp cận thương mại, cải thiện thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ tăng cường chú trọng vào các tác động môi trường, xã hội và chính phủ.

 IMEC kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả, giảm chi phí, tăng cường sự thống nhất kinh tế, tạo việc làm và giảm lượng khí thải nhà kính - dẫn đến sự hội nhập mang tính thay đổi của châu Á, châu Âu và vùng Vịnh.

Hưởng lợi từ IMEC

Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, để hỗ trợ sáng kiến này, những người tham gia cam kết làm việc "chung và nhanh chóng để sắp xếp và thực hiện tất cả các yếu tố" của hai tuyến vận chuyển mới này đồng thời thành lập các cơ quan điều phối để giải quyết đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế, tài chính, pháp lý và quy định liên quan.

Đối với Saudi Arabia, thông báo cuối tuần trước được xem là thành tựu nổi bật sau nhiều tháng thảo luận về dự án mà Thái tử Mohammed bin Salman ca ngợi là mang lại sự thay đổi cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

 Phát biểu tại New Delhi, ông  Mohammed bin Salman chỉ ra tiềm năng tạo việc làm lâu dài của dự án mới và sự tăng trưởng dự kiến trong thương mại giữa Ấn Độ và Trung Đông. Ấn Độ đã là đối tác thương mại quan trọng của Saudi Arabia và các cuộc gặp của hai nước sau hội nghị thượng đỉnh G20 cũng như việc ký kết hàng chục thỏa thuận song phương nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Ngoài ra, Saudi Arabia tuần trước cũng ký một biên bản ghi nhớ với Mỹ để cung cấp một nghị định thư nhằm thiết lập hành lang quá cảnh xanh xuyên lục địa, tận dụng lợi thế vị trí địa lý của Vương quốc đồng thời thúc đẩy năng lượng xanh. Saudi Arabia ca ngợi vai trò đi đầu của Mỹ trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán nhằm thu hút thêm các quốc gia quan tâm đến các hành lang xanh như vậy.

Đối với Mỹ, IMEC là sự triển khai sáng kiến Đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu hàng đầu, dự án mà Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên công bố tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 2022.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay ở Hiroshima, Nhật Bản, ông Biden cũng đã xác định các cơ hội mới để mở rộng sáng kiến nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu toàn cầu về tài trợ cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Kể từ đó, Mỹ đã công bố các bước xây dựng một số hành lang kinh tế nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng trên nhiều quốc gia và lĩnh vực. Washington cũng đã huy động được hơn 30 tỷ USD thông qua các khoản tài trợ, tài trợ liên bang và tận dụng đầu tư của khu vực tư nhân.

Ngoài những lợi ích kinh tế rõ ràng, IMEC có thể thu được lợi ích chính trị bằng cách xoa dịu căng thẳng và xây dựng niềm tin cũng như lợi ích chung trên các tuyến đường của mình.

Ngoài ra còn có một cam kết ngầm về hợp tác an ninh để bảo vệ khoản đầu tư của các bên tham gia IMEC và đảm bảo việc thành lập nhanh chóng và hoạt động trơn tru.

Để đảm bảo những lời hứa mà IMEC đã cam kết ở New Delhi, các bên tham gia dự định sẽ gặp nhau trong hai tháng tới để xây dựng và cam kết một kế hoạch hành động, bao gồm cả thời gian biểu phù hợp.

Các cuộc thảo luận trong hai tháng tới sẽ tiết lộ IMEC thực sự được triển khai nhanh như thế nào và đưa ra ý tưởng sơ bộ về khoảng thời gian thực hiện. Điều này sẽ xác định phạm vi và lợi ích tiềm năng của IMEC đối với các quốc gia tham gia và cả ba khu vực. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hành động nhanh chóng và  "ngay lập tức bắt tay vào xây dựng cơ chế thực thi" cho dự án./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ