• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Indonesia nhắm tới loạt thương vụ lớn tại thượng đỉnh G-20

Thế giới 08/11/2022 11:13

(Tổ Quốc) - Indonesia sẽ thông qua hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G-20) vào tuần tới để xúc tiến nhiều thương vụ, từ phát triển cơ sở hạ tầng đến thúc đẩy nền kinh tế carbon và thể hiện tham vọng trở thành một cường quốc kinh tế Đông Nam Á, trang Bloomberg nhận định.

Những nỗ lực này đang được Tổng thống Indonesia Joko Widodo thúc đẩy. Ông đang nhắm mục tiêu thu hút được 89 tỷ USD đầu tư vào năm 2023 và tăng thêm 34 tỷ USD vốn cho thủ đô mới ở Borneo. Tất cả các kế hoạch này cần sự tài trợ và hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, giàu có hơn.

Ông Yose Rizal Damuri, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: "Thông điệp này chủ yếu dành cho công chúng trong nước của Indonesia. Để cho thấy các nỗ lực tổ chức diễn đàn G-20 trong suốt thời gian này có mang lại một số dự án cụ thể".

Ông Yose Rizal Damuri nói thêm rằng đây cũng là một cách để ông Jokowi, với tư cách là tổng thống được nhiều người biết đến, để lại di sản về tăng trưởng và đầu tư. Ông Widodo hiện đang trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của mình.

Indonesia từ lâu đã bị các nhà phân tích chỉ trích vì đã không nỗ lực tăng cường ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao. Vì vậy, việc giành được vị trí chủ tịch G-20 là một cách để chính quyền của ông Widodo thể hiện tiềm năng của đất nước và các quan chức của ông sẽ không để cơ hội đó trôi qua.

Indonesia nhắm tới loạt thương vụ lớn tại thượng đỉnh G-20 - Ảnh 1.

Nước chủ nhà G-20 Indonesia đang nhắm đến những mục tiêu lớn tại thượng đỉnh lần này. Ảnh: AFP.

Thỏa thuận về than

Indonesia đang đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh với các nước giàu để tài trợ cho các chương trình loại bỏ dần than. Ông Widodo đã cam kết đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than của quần đảo này vào năm 2050 và phụ thuộc 100% vào các nguồn tái tạo trong 5 năm sau đó.

Tuy nhiên, Nội các của ông đã bị chia rẽ về phương thức tiến hành loại bỏ dần than, hiện đang đóng góp hơn một nửa tổng công suất điện của cả nước.

Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng đang nghiên cứu các kế hoạch tương tự cho một số nước trong khu vực và hy vọng sẽ công bố một kết quả cụ thể trong hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này.

Tiền kỹ thuật số

Ngân hàng trung ương Indonesia, cùng với Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines, đang dự định ký một thỏa thuận vào tháng 11 này để liên kết hệ thống thanh toán của họ. Theo đó, sẽ cho phép khoảng 384 triệu người thanh toán hàng hóa và dịch vụ thông qua quét mã QR.

Hệ thống này sẽ cho phép thanh toán bằng nội tệ, bỏ qua việc phải dùng đồng đô la Mỹ làm trung gian.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, chỉ 51,8% người Indonesia có quyền truy cập vào tài khoản tài chính, một trong những tỷ lệ thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á. Điều này khiến phát triển hệ thống tài chính trở thành một trọng tâm chính của Indonesia trong nhiệm kỳ chủ tịch G-20.

Thống đốc Perry Warjiyo cho biết Ngân hàng Indonesia cũng có kế hoạch phát hành bản thiết kế cơ bản về đồng rupiah kỹ thuật số vào cuối năm 2022. Ngân hàng trung ương đã nghiên cứu đồng rupiah kỹ thuật số kể từ năm 2021 để đón đầu việc áp dụng tiền điện tử trên toàn cầu như một phương thức thanh toán.

Phát triển đường sắt

Ông Widodo đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến việc chạy thử tuyến đường sắt cao tốc trị giá 8 tỷ USD do Trung Quốc hỗ trợ thông qua hội nghị truyền hình Zoom từ Bali vào ngày 16/11, theo Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Panjaitan.

Chuyến tàu này kết nối Jakarta với các thành phố lân cận, được hỗ trợ bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Tập đoàn Đường sắt Quốc tế Trung Quốc.

Indonesia cũng có kế hoạch ký thỏa thuận với các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng hệ thống tàu điện ngầm Jakarta trị giá 188 nghìn tỷ rupiah. Dự án này được ông Widodo coi là di sản của mình khi còn là thống đốc. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Indonesia Budi Karya Sumadi, nguồn tài trợ sẽ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.

Giao dịch carbon

Nhân viên đặc biệt của Bộ Tài chính Masyita Crystallin cho biết chính phủ sẽ phát hành một lộ trình cho thị trường carbon, thuế carbon và chuyển đổi năng lượng trước hội nghị thượng đỉnh G-20. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết để ban hành một quy định đã được chờ đợi từ lâu về thuế và thương mại carbon nhằm giúp nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Bà Crystallin cho biết lộ trình này sẽ phác thảo nhu cầu tiềm năng cho một thị trường giao dịch như vậy. Chính phủ Indonesia đã giao cho Sở Giao dịch Chứng khoán nước này thiết lập một sàn giao dịch tín chỉ carbon, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ