(Tổ Quốc) - Hãng tin CNA dẫn nhận định của một nhà phân tích chính trị cho biết, sau khi kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm hòa bình ở châu Âu và hướng tới chuyến thăm Bắc Kinh, Tokyo và Seoul, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhắm tới việc nâng cao vị thế cả trên trường quốc tế và trong nước.
Khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo lần đầu tiên nhậm chức vào năm 2014, nhiều chuyên gia đã đặt dấu hỏi về năng lực của ông đối với chính sách đối ngoại, đặc biệt là khi so sánh với người tiền nhiệm của ông, Susilo Bambang Yudhoyono, người đã từng dẫn dắt Indonesia tham gia G20.
Có ý kiến cho rằng ông Jokowi, một tổng thống được nhiều người biết đến, có thể để cho "các cố vấn chính" phụ trách chính sách đối ngoại.
Và trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên và thời gian đầu của nhiệm kỳ thứ hai, ông Jokowi đã thực hiện cách tiếp cận thận trọng này. Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi phần lớn là người đại diện cho chặng đường của Indonesia trên thế giới.
Nhưng trong khoảng thời gian từ ngày 27/6 - ngày 30/6, ông Jokowi đã thu hút được sự chú ý khi thực hiện "sứ mệnh hòa bình" để thúc giục chấm dứt xung đột ở Ukraine. Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 với tư cách là chủ tịch hiện tại của G20, ông Jokowi đã đến Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và sau đó tới Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Hiến pháp quốc gia yêu cầu Indonesia phải luôn cố gắng đóng góp vào việc kiến tạo hòa bình thế giới. Mặc dù vẫn còn rất khó khăn để đạt được, nhưng tôi vẫn truyền đạt tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình, và tinh thần hòa bình không bao giờ phai nhạt", ông Jokowi nói về các chuyến thăm của ông tới Kyiv và Moscow.
Một chuyến đi như vậy không hề dễ dàng đối với bất kỳ chính khách giàu kinh nghiệm nào, chứ chưa nói đến vị tổng thống hướng nội như ông Jokowi trong nhiều năm qua. Nhưng trong những năm qua, ông Jokowi cũng đã có một số kinh nghiệm về giải quyết xung đột quốc tế. Nỗ lực đầu tiên của ông là chuyến thăm vào tháng 1 năm 2018 tới Afghanistan và sau đó Indonesia làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan tại Bogor. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này đã không mang lại kết quả lâu dài.
Và chuyến thăm gần đây đến Nga và Ukraine của ông Jokowi cũng đã có kết quả tích cực hơn so với bước đi năm 2018 tại Afghanistan. Tiếp theo đây, nhà lãnh đạo Indonesia đang có những mục tiêu mới khi thực hiện chuyến thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này.
Có mục tiêu hướng tới chính trường nội bộ
Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Indonesia Radityo Dharmaputra, trong các chuyến công du, ông Jokowi dường như luôn đánh giá tầm quan trọng của vấn đề nội bộ ngang với bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga.
Sau các chuyến công du gần đây, ông Jokowi đã mang về nước một hình ảnh và cảm giác tích cực hơn. Hình ảnh Tổng thống Indonesia gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Indonesia.
Truyền thông địa phương cũng so sánh chiều dài của chiếc bàn mà ông Putin sử dụng khi ông hội đàm với Jokowi - dài khoảng 1,5 mét - với chiếc bàn "sáu mét" được sử dụng cho cuộc gặp của nhà lãnh đạo Nga với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để kết luận rằng Tổng thống Indonesia có quan hệ tốt hơn với ông Putin.
Theo CNA, chính trị trong nước dường như cũng là một yếu tố thúc đẩy cách tiếp cận hướng ngoại hiện tại của ông Jokowi. Bà Megawati Sukarnoputri, một nghị sĩ đến từ đảng của tổng thống PDI-P, đã kêu gọi ông Jokowi tận dụng vị thế Chủ tịch G20 của Indonesia để làm trung gian hòa giải cho Nga và Ukraine thay vì chỉ đóng vai trò của một "nhà tổ chức sự kiện".
Tìm kiếm sự ủng hộ cho thượng đỉnh G20
Chuyến thăm tới 3 nước Đông Bắc Á hiện tại đang được coi là hoạt động mở rộng cho chuyến công du châu Âu vừa qua của ông Jokowi. Đây cũng là một sáng kiến nữa nhằm hỗ trợ hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
Tổng thống Indonesia đã phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trên cương vị Chủ tịch G20 năm nay. Mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên G20 chưa bao giờ trở nên phức tạp hơn hiện tại do hậu quả của căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang cố gắng tận dụng sự kiện G20 năm nay để hàn gắn quan hệ với phương Tây bằng cách mời các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và Italy đến Bắc Kinh vào tháng 11.
Rất nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến ông Jokowi trong việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali năm nay và để gia tăng vị thế cá nhân của ông và niềm tự hào quốc gia của Indonesia. Trong bối cảnh mọi khả năng đều có thể xảy ra, nhà lãnh đạo Indonesia đang sẵn sàng nỗ lực hết mình cho thành công của G20. Dù vậy, hiệu quả thực sự của quá trình này vẫn cần thêm thời gian để đánh giá.