(Tổ Quốc) - Indonesia – quốc gia chiếm 40% tài nguyên địa nhiệt toàn cầu – đang muốn quảng bá tiềm năng khai thác năng lượng từ lớp vỏ Trái đất.
Theo trang SCMP, năng lượng địa nhiệt là nguồn tài nguyên tái tạo được thu thập bằng cách khoan các lỗ sâu để khai thác nhiệt tỏa ra từ lõi nóng chảy của hành tinh. Các địa điểm tốt nhất cho quá trình này là nơi các mảng kiến tạo gặp nhau và bọt magma nóng trắng xuyên qua các khoảng trống, tạo ra các suối nước nóng và núi lửa.
"Vẻ đẹp của Indonesia là tất cả các hòn đảo của nước này đều nằm trên các mảng kiến tạo nên tiềm năng khai thác năng lượng địa nhiệt của nước này rất phi thường", ông Marit Brommer, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Địa nhiệt Quốc tế cho biết.
Quốc gia Đông Nam Á này có trữ lượng địa nhiệt lớn nhất thế giới, tập trung ở các đảo Sumatra và Java.
Các chuyên gia đang hy vọng ngành năng lượng địa nhiệt có thể giúp đạt được các mục tiêu tham vọng như tạo ra nguồn năng lượng có thể "thay đổi cuộc chơi".
Tại COP28, Chính phủ Indonesia đang tìm cách thu hút đầu tư xanh. Là quốc gia phát thải carbon dioxide lớn thứ 6 trên thế giới, Indonesia đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ trong quá trình thực hiện khử carbon.
Theo Reuters, Chính phủ Indonesia đã đạt được thỏa thuận tạm thời với Ngân hàng Phát triển Châu Á để đóng cửa sớm một trong những nhà máy than của nước này. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhấn mạnh một số dấu hiệu về các cam kết bổ sung về khí hậu, cho rằng COP28 là "một sự kiện để tăng cường thực hiện chứ không phải là một sự kiện để thể hiện tham vọng".
Tham vọng mục tiêu năng lượng xanh
PGE, công ty địa nhiệt lớn nhất Indonesia, đang dẫn đầu nỗ lực khẳng định đây là công ty dẫn đầu thị trường năng lượng. PGE đang sử dụng COP28 để công bố các dự án tín dụng carbon mới.
Ông Julfi Hadi, Người đứng đầu công ty Pertamina Geothermal Energy (PGE) khẳng định mọi người thường kiếm tiền khá dễ dàng từ than đá nên họ không nghĩ đến điều gì khác nhưng địa nhiệt không carbon sẽ là năng lượng đáng tin cậy và Indonesia đang có rất nhiều.
PGE, công ty địa nhiệt lớn nhất Indonesia, đang dẫn đầu nỗ lực trở thành công ty dẫn đầu thị trường năng lượng. Các chuyên gia cho biết lợi thế của năng lượng địa nhiệt là gấp đôi. Thứ nhất, loại năng lượng này sẽ không tạo ra carbon. Thứ hai, loại năng lượng này có thể tạo ra cùng một lượng năng lượng suốt ngày đêm, không giống như các nhà máy điện gió và mặt trời có sản lượng đầu ra phụ thuộc vào thời tiết.
Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng. Công ty của ông Julfi quản lý 80% sản lượng địa nhiệt của Indonesia và sở hữu một số nhà máy điện, vận hành các nhà máy khác thay mặt cho các công ty nước ngoài.
Là một nhà địa chất được đào tạo với kinh nghiệm hàng chục năm về năng lượng địa nhiệt, ông Julfi thừa nhận giá rẻ của nhiên liệu hóa thạch và các quy định không phù hợp đã kìm hãm ngành này trước đây. Tuy nhiên, ông khẳng định tất cả những điều đó sắp thay đổi. Và bây giờ chúng ta cần năng lượng xanh. Indonesia đã cam kết sản xuất 44% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030, tăng từ 13% trong một thỏa thuận về khí hậu mà nước này đã ký với nhóm các nền kinh tế G7.
Theo Bộ Năng lượng nước này, các nhà máy điện địa nhiệt đã tạo ra 2.360 megawatt điện cho Indonesia vào năm 2022, đủ cung cấp điện cho hơn 2,5 triệu ngôi nhà, sử dụng khoảng 1/10 tổng nguồn dự trữ của nước này.
Vào tháng 3, PGE đã huy động được 9,06 nghìn tỷ rupiah (587 triệu USD) thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra mắt công chúng và đang sử dụng số tiền này để mở rộng công suất nhằm tăng lượng điện mà công ty sản xuất từ 672MW lên hơn 1.000MW vào quý 2/2024.
Trong vòng 5 đến 6 năm tới, công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 1.500MW trở lên, tương đương với việc cung cấp năng lượng cho khoảng 900.000 hộ gia đình khác.
Hai địa điểm mới đang được phát triển với sự hợp tác của Chevron và Mubadala Energy nhờ những đột phá về công nghệ - bao gồm cả việc khoan thăm dò tốt hơn - có nghĩa là thời gian phát triển có thể giảm xuống chỉ còn 3 hoặc 4 năm so với gần một thập kỷ trước.
Các chuyên gia năng lượng khác vẫn còn hoài nghi về khung thời gian đưa ra, trong đó chính phủ cần phải sẵn sàng hỗ trợ thêm tài chính để trang trải chi phí hoặc dẫn đầu trong hoạt động kinh doanh khoan thăm dò đầy rủi ro.
Ông Surya Darma, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng tái tạo Indonesia và trước đây là Giám đốc điều hành của PGE, cho rằng điều đó rất khó khăn. Ông trích dẫn những khó khăn về quy định và thiếu sự hỗ trợ của chính phủ là một trong những thách thức lớn nhất.
Ông Julfi cũng cho biết những thay đổi cần thiết diễn ra chậm chạp hơn đối với một lĩnh vực mới có tiềm năng to lớn.
Giá cả cũng là một vấn đề. Ở Indonesia, năng lượng địa nhiệt có thể đắt hơn từ 20% đến 50% so với than hoặc năng lượng mặt trời, tùy thuộc vào công nghệ sử dụng để khai thác./.