(Tổ Quốc) - Chương trình thị thực mới nhằm thu hút đầu tư vào Indonesia sẽ tạo cơ hội cho những người đủ điều kiện sinh sống ở quốc gia này từ 5-10 năm.
Theo trang SMCP, Indonesia chuẩn bị cung cấp thị thực "second-home visa" (ngôi nhà thứ hai) nhằm thu hút các tỷ phú và tài năng trên khắp thế giới.
Tổng Giám đốc phụ trách nhập cư Indonesia Widodo Ekatjahjana đã thông báo chương trình thị thực mới này vào ngày 13/10 nhưng những thông tin chi tiết vẫn tiếp tục đang hoàn thiện.
"Thị thực đặc biệt này sẽ được cấp cho các tỷ phú, những người giàu có trên thế giới và các nhà đầu tư để khuyến khích tăng trưởng đầu tư vào Indonesia, những người có ý định ở lại Indonesia lâu hơn", ông cho biết trên trang Tempo. Theo ông Ekatjahjana, ngoài các tỷ phú và những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao thì những người đủ điều kiện xin thị thực sẽ bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài, công nhân có tay nghề cao, cộng đồng người Indonesia và khách du lịch nước ngoài cao tuổi. Thời gian sinh sống ở quốc gia Đông Nam Á này là từ 5 đến 10 năm. Năm nay, Indonesia đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài lên tới 76,7 tỷ USD, tăng hơn so với 57,6 tỷ USD của năm ngoái.
"Thị thực ngôi nhà thứ hai vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, hy vọng trong tương lai gần hoặc có thể trong vài tuần tới, chương trình này sẽ trở thành một quy định mới được ban hành", ông nói.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng tham gia với một số khu vực pháp lý sẵn sàng cung cấp thị thực cho các nhà đầu tư, tạo lộ trình tiến tới việc cấp quốc tịch sau vài năm sinh sống ở quốc gia này. Những quốc gia bao gồm Australia, Bulgaria, Canada, Cprus, Hy Lạp, Malta, New Zealand và Singapore. Ngày 23/10, ông Takeyama Kenichi, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Indonesia đã hoan nghênh thông tin về loại thị thực mới này của Indonesia.
"Chúng tôi rất hoan nghênh chính sách thị thực ngôi nhà thứ hai của Indonesia và hy vọng rằng Tổng Giám đốc phụ trách nhập cư Indonesia Widodo Ekatjahjana sẵn sàng xem xét lại các quy định cản trở dòng vốn đầu tư mới và tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của các công ty nước ngoài", ông nói thêm.
Các nhà đầu tư không hề thích sự không chắc chắn
Ông Ariyo Irhamna, nhà kinh tế thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính có trụ sở tại Jakarta cho biết loại thị thực mới này là một ý tưởng hay để thu hút các cá nhân giàu có vì thị thực dài hạn cho người nước ngoài đã cản trở các công ty đa quốc gia có kế hoạch chuyển trụ sở chính đến Indonesia.
"Đó là thị thực hoặc thuế, vì các công ty không muốn bị đánh thuê tới hai lần", ông Ariyo Irhamna nói. Tuy nhiên, ông Ariyo cũng cảnh báo rằng thị thực ngôi nhà thứ hai có thể khiến giá bất động sản tăng cao và tầng lớp Indonesai kém giàu sẽ gặp bất lợi.
Piter Abdullah, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Cải cách Kinh tế có trụ sở tại Jakarta lập luận rằng thị thực ngôi nhà thứ hai sẽ không đảm bảo dòng tiền nước ngoài đổ vào Indonesia.
"Chính phủ vẫn đang cân nhắc một số quy định, cần phải nhất quán vì các nhà đầu tư không thích sự không chắc chắn", ông Piter nói đồng thời chỉ ra những động thái gần đây của Jakarta trong việc tạm dừng xuất khẩu than và dầu cọ để đáp ứng nhu cầu trong nước".
Các nhà phân tích cho biết mua đất là một vấn đề lớn khác mà nhà đầu tư thường gặp phải ở Indonesia. Kể từ năm 2014, Tổng thống Joko Widodo đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty để mua đất tại các đặc khu kinh tế, vốn là các khu liên hợp công nghiệp được thiết kế cho du lịch, sản xuất và chế biến. Các công ty hoạt động trong khu vực này có thể được hưởng các ưu đãi như miễn thuế thu nhập, thuế nhập khẩu và thuế bán hàng đối với hàng hóa xa xỉ.
Tuy nhiên vẫn tồn tại các vấn đề. "Tình trạng chồng chéo quyền sở hữu đất và thiếu giấy chứng nhận đất là những vấn đề hàng đầu của các nhà đầu tư ở đây. Chính phủ đang cố gắng khắc phục điều đó bằng cách cung cấp đất ở các đặc khu kinh tế nhưng một số khu vực lại không gần cảng hoặc xa biển", ông Ariyo nói.
Mặt khác, ông Ariyo cũng gợi ý rằng kế hoạch thị thực ngôi nhà thứ hai có thể sử dụng để thu hút đầu tư vào dự án phát triển thủ đô mới trị giá 34 tỷ USD ở tỉnh Nusantara ở Đông Kalimantan. Tuần trước, Người đứng đầu Cơ quan quản lý vốn quốc gia ở Nusantara cho biết các công ty muốn đầu tư vào thủ đô mới sẽ được hưởng các ưu đãi hào phóng, bao gồm miễn thuế 30 năm và 350% siêu khấu trừ thuế cho nghiên cứu và phát triển.
Jakarta gần đây tuyên bố rằng Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản từng bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển ở Nusantara, nhưng những lời hứa đầu tư này vẫn chưa thành hiện thực.
"Tất cả những gì Chính phủ cần làm bây giờ là đảm bảo với các nhà đầu tư rằng việc xây dựng thủ đô mới sẽ tiếp tục. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp giảm thuế để thuyết phục các nhà đầu tư, "Piter của CORE cho biết.