• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những người nghèo nhất Indonesia lựa chọn khó khăn giữa thức ăn và đi học

Thế giới 26/09/2022 14:36

(Tổ Quốc) - Lạm phát sau đợt tăng giá nhiên liệu gần đây khiến các chuyên gia bảo vệ trẻ em lo lắng rằng số học sinh bỏ học tại Indonesia đang có xu hướng tăng lên, theo thông tin từ trang SCMP.

Ông I Made Nuka đã bị giằng xé khi vào tháng 7 vừa qua, ông phải lựa chọn giữa việc dùng số tiền ít ỏi có được để gửi con trai thứ đi học cấp hai hoặc bày thức ăn lên bàn cho gia đình. Cuối cùng ông đã chọn phương án thứ hai.

Ông Made, đến từ hòn đảo nghỉ mát Bali của Indonesia, đang làm công nhân xây dựng tại ngôi làng nhỏ ở đây, nằm cách khu vực đông khách du lịch ở phía nam hòn đảo khoảng 20 phút lái xe.

Sức ép từ lạm phát và giá nhiên liệu tăng

Con trai cả của ông, I Putu Agus Buda Astrawan, đã tốt nghiệp cấp 3 hai năm trước nhưng chàng trai 21 tuổi chưa thể đi học hay đi làm tiếp vì ông Made chưa trả được khoản nợ học phí khoảng 10 triệu rupiah (665 USD). Do vậy giấy chứng nhận tốt nghiệp của Putu vẫn đang bị nhà trường giữ lại và cậu bé cũng chưa thể đi làm để giúp đỡ gia đình.

Trong một tháng nhận được nhiều việc, ông Made có thể kiếm được tới 2,1 triệu rupiah - đủ để nuôi gia đình ba bữa một ngày. Trong đó, hầu hết các bữa ăn thường bao gồm cơm với tempeh (đậu nành nén), đậu phụ và rau. Ông nói: Thịt vẫn là một thứ xa xỉ.

Cả gia đình sống trong một ngôi nhà xiêu vẹo chỉ rộng 4mx6m, trong đó chỉ một nửa có thể ở được vì mái nhà đã bị sập một phần. Bản thân ông Made chưa bao giờ tốt nghiệp trung học cơ sở và ông nói rằng ông "rất buồn" khi đứa con út 12 tuổi của mình, I Kadek Ardita Yana Wiradana, có thể sẽ phải đối mặt với số phận tương tự.

Ông Made chia sẻ với tờ SCMP: "Tôi cảm thấy mình giống như một ông bố bà mẹ thất bại. Nếu có đủ khả năng, tôi sẽ cho cháu đi học 12 năm, nhưng tôi không thể làm gì khác. Đây là tình hình bây giờ. Tôi chỉ có thể đủ khả năng chi trả cho [giáo dục] tiểu học của cậu bé."

Những người nghèo nhất Indonesia lựa chọn khó khăn giữa thức ăn và đi học - Ảnh 1.

Ngôi nhà gia đình ông Made đang sinh sống. Ảnh: SCMP.

Để đưa Ardita đến trường cấp hai, Made sẽ cần khoảng 1,1 triệu rupiah (tương đương 73 USD) để trả cho đồng phục và sách vở. Nhưng kể từ khi giá nhiên liệu tăng trong tháng này, ông Made còn không đủ khả năng để đổ xăng cho chiếc xe máy cũ của mình và do đó hạn chế ông tìm đến những cơ hội việc làm có sẵn trong làng của mình.

Gia đình ông buộc phải thắt lưng buộc bụng vì lạm phát cũng đã tác động đến giá thực phẩm cơ bản. Lạm phát ở Indonesia đang ở mức 4,69% vào tháng trước, giảm nhẹ so với mức 4,94% trong tháng Bảy - mức cao nhất trong bảy năm qua.

Người đàn ông 47 tuổi cho biết: "Nếu không xin được việc làm, tôi vay bạn bè hoặc hợp tác xã trong làng. Hai tháng trước, tôi đã phải vay 600.000 rupiah từ hợp tác xã, nhưng tôi vẫn còn nợ bạn bè của mình 3 triệu rupiah."

Những người nghèo nhất Indonesia lựa chọn khó khăn giữa thức ăn và đi học - Ảnh 2.

Hai người con của ông Made đều gặp khó khăn trong việc đi học. Ảnh: SCMP.

Putu, con lớn của Made, người được giao nhiệm vụ nấu các bữa ăn cho gia đình, cho biết giá dầu ăn tại cửa hàng địa phương hiện vào khoảng 12.000 rupiah/ lít(80 US cent), giảm so với 20.000 rupiah/lít vài tháng trước. Tuy nhiên, giá vẫn cao hơn mức 8.000 rupiah/lít vào năm ngoái, cậu bé nói.

Sống cách Made khoảng 10 phút lái xe là Ni Luh Sudiasih, một bà mẹ ba con làm nghề bán canang sari, một loại hoa dâng cúng cầu kỳ của người Bali. Giống như Made, Ni Luh đã phải vật lộn để đảm bảo đủ thức ăn khi giá cả tăng lên. Bà cho biết đã phải đi xin rau từ vườn nhà hàng xóm. Chồng bà đã mất việc làm kể từ khi ông bị mất thị lực cách đây 6 năm và giờ bà trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình.

"Tôi thực sự cảm thấy tác động [của lạm phát]. Gạo là 10.000 rupiah/kg, nhưng bây giờ là 12.000 rupiah/ kg. Ni Luh, người kiếm được khoảng 35.000 rupiah (tương đương 2,33 USD) mỗi ngày từ việc bán canang cho biết.

"Về bữa trưa của các con tôi, tôi cho chúng ăn cơm với tempeh, đậu phụ và rau. Nhưng nếu tôi không có [tiền để mua các món ăn phụ] thì tôi chỉ chiên cơm thôi".

Vòng luẩn quẩn của đói nghèo

Jakarta đã phân bổ 24,17 nghìn tỷ rupiah (1,6 tỷ USD) cho các đợt phát tiền mặt để giúp hơn 20 triệu gia đình nghèo nhất của nước này vượt qua làn sóng lạm phát và đợt tăng giá nhiên liệu thời gian qua.

Các gia đình đủ điều kiện đã nhận được hỗ trợ thông qua Chương trình Gia đình Hy vọng của chính phủ và sẽ được cấp thêm 600.000 rupiah (40 USD) cho mỗi gia đình. Gia đình Made nằm trong số đó và đã nhận được các gói chăm sóc xã hội - bao gồm gạo, dầu ăn và các thực phẩm cơ bản khác - trong đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, gia đình ông vẫn chưa nhận được trợ cấp tiền mặt, Made nói. Vấn đề này có thể là do quá trình xử lý cơ sở dữ liệu còn yếu kém của Indonesia trong việc quản lý các dự án trợ giúp xã hội của mình. Ni Luh nói rằng bà đã không nhận các gói viện trợ vào năm ngoái.

Con cái của họ cũng không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Chương trình Indonesia thông minh, một chương trình trợ giúp xã hội và chuyển tiền được triển khai vào năm 2008 nhằm giải quyết tỷ lệ nhập học thấp và giảm học sinh nghèo bỏ học.

Retno Listyarti, một ủy viên tại Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em, cho biết chính phủ nên cải tiến cơ sở dữ liệu đối với Chương trình Indonesia Thông minh. Năm nay chương trình đã phân bổ 9,6 nghìn tỷ rupiah (638,8 triệu USD) để giúp đỡ khoảng 17,9 triệu học sinh đủ điều kiện.

"Tôi dự đoán rằng số học sinh có nguy cơ bỏ học đang tăng lên sau khi giá nhiên liệu tăng. Tiền từ Chương trình Indonesia thông minh có thể được sử dụng để chi trả cho phương tiện đi lại, bởi vì trong một số trường hợp, trường học đã miễn học phí nhưng địa điểm của nó lại xa nhà của học sinh", Retno nói.

Retno cho biết, nếu nhiều trẻ em bỏ học hơn, điều đó sẽ cản trở mục tiêu hạn chế đói nghèo của chính phủ và dẫn đến gia tăng tình trạng kết hôn ở tuổi thiếu niên.

"Khi một đứa trẻ nghèo và không được đi học, chúng sẽ không có gì để làm ở nhà, vì vậy chúng sẽ kết hôn khi còn trẻ, đặc biệt là các bé gái. Trong khi các nam sinh chỉ tốt nghiệp tiểu học sẽ có ít vị trí việc làm hơn, vì vậy các em có xu hướng làm việc trong khu vực phi chính thức như công nhân xây dựng," Retno nói.

"Nếu điều này tiếp tục xảy ra thì đây sẽ là một vòng luẩn quẩn của đói nghèo vì các bậc cha mẹ chỉ tốt nghiệp tiểu học sẽ có nguồn lực hạn chế để chi trả cho việc học lên cao cho con cái họ", ủy viên này cho biết.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ