(Tổ Quốc) - Người đứng đầu lực lượng hải quân Iran cho biết ông đã ký một văn bản mở rộng quan hệ với Nga.
Theo đó, lực lượng của ông đã lên kế hoạch thực hiện các cuộc tập trận chung trong cùng vùng biển căng thẳng mà Hoa Kỳ đang tìm cách chống lại Cộng hòa Hồi giáo với sự hỗ trợ của quốc tế, trang Newsweek cho hay.
Thỏa thuận chưa từng có
Chỉ huy hải quân Iran - Chuẩn đô đốc Hossein Khanzadi hôm thứ Hai cho biết, ông đã ký một bản ghi nhớ chưa từng có với Nga, chủ yếu hướng đến lực lượng hải quân của hai nước, và đây "có thể được coi là một bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran và Moscow", theo hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran. Thông tin tức này được đưa ra khi ông Khanzadi đến St. Petersburg để chào mừng Ngày Hải quân Nga và ông tuyên bố thêm rằng, "các cuộc tập trận chung giữa Nga và Iran ở Ấn Độ Dương dự kiến sẽ diễn ra sớm".
"Khi chúng ta nói về Ấn Độ Dương, có lẽ phần quan trọng nhất của khu vực này là phía bắc Ấn Độ Dương, dòng chảy hướng vào vào Vịnh Oman, Eo biển Hormuz và cả Vịnh Ba Tư", ông Khanzadi nói.
Một cuộc tập trận như vậy sẽ diễn ra ở cùng vùng biển mà Mỹ cáo buộc Iran tấn công và chiếm giữ các tàu quốc tế trong những tháng gần đây. Tehran đã bác bỏ những cáo buộc này trong bối cảnh họ cũng đang phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran và 5 cường quốc khác.
Riêng eo biển Hormuz đã là con đường vận chuyển 16.8 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2018. Nguồn: Lloyd
Thỏa thuận hạt nhân 2015, chính thức được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA, cũng có chữ kí của Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Tất cả những bên này đều duy trì lập trường ủng hộ JCPOA bất chấp sự ra đi của Tổng thống Donald Trump. Washington đã đe dọa sẽ trừng phạt các quốc gia này nếu họ giao thương với các ngành thương mại Iran bị Mỹ đưa vào danh sách đen, chẳng hạn như ngành công nghiệp dầu mỏ sinh lợi.
Lầu Năm Góc cũng đã triển khai thêm lực lượng quân sự như 2.500 binh sĩ, một nhóm tác chiến tàu sân bay và lực lượng đặc nhiệm ném bom tới Trung Đông để đáp trả điều Nhà Trắng tuyên bố là mối đe dọa cao độ do Iran gây ra. Hoa Kỳ cũng đã cáo buộc Iran phải chịu trách nhiệm cho hai loạt nổ nhắm vào các tàu chở dầu nước ngoài đi qua Vịnh Oman kể từ giữa tháng 5, các cáo buộc Tehran hoàn toàn phản bác.
Các máy bay không người lái cũng là tâm điểm của sự leo thang nghiêm trọng khi chính quyền Trump tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran vào tuần trước, khoảng một tháng sau khi Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực Vịnh Ba Tư. Tehran phủ nhận việc họ thiệt hại một máy bay không người lái, trong khi đó Vệ binh Cách mạng cũng đã bắt giữ một con tàu dầu mang cờ Anh vào ngày hôm sau, cáo buộc nó gây nguy hiểm cho các tàu khác ở eo biển Hormuz. Vụ việc này diễn ra vài tuần sau khi Anh bắt giữ một tàu siêu tàu dầu Iran bị cáo buộc vận chuyển dầu đến Syria qua con đường Eo biển Gibraltar – điều London cho rằng vi phạm lệnh trừng phạt của EU.
Lực lượng nước ngoài tại vùng Vịnh
Khi căng thẳng gia tăng, Hoa Kỳ và Anh đã đưa ra nhiều lời kêu gọi riêng về việc thành lập một liên minh hàng hải quốc tế để tuần tra Vịnh Ba Tư. Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế Washington rằng Hoa Kỳ sẽ thành công trong việc xây dựng "kế hoạch an ninh hàng hải" và "chúng tôi cần các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới hỗ trợ chúng tôi bảo vệ việc quá cảnh thương mại".
Còn Ngoại trưởng Anh mới được bổ nhiệm Dominic Raab nói với tờ The Times vào thứ Sáu tuần qua rằng bất kỳ nhiệm vụ nào do người châu Âu dẫn đầu "dường như sẽ không khả thi nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ". Pháp và Đức cũng báo hiệu sự quan tâm ngay từ đầu đến đề xuất của Anh nhưng đã tìm cách tránh xa lập trường của Hoa Kỳ đối với Iran.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Roh Jae-cheon nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng, quân đội của ông "đang xem xét các lựa chọn khác nhau để đảm bảo an toàn cho tàu của chúng tôi" ở eo biển Hormuz, khi được hỏi liệu Seoul có tham gia ký kết vào sáng kiến của Lầu Năm Góc hay không, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap.
Về phần mình, Nga đã bày tỏ sự hoài nghi đối với hai chương trình đang được đề xuất của phương Tây, thay vào đó thúc giục tổ chứccác cuộc đàm phán an ninh liên quan đến Iran và các cường quốc khu vực khác, bao gồm cả các quốc gia trên Bán đảo Ả Rập - đã ủng hộ lập trường cứng rắn của Washington chống lại Tehran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói với các nhà báo hôm thứ Năm tuần trước rằng Bắc Kinh "hoan nghênh đề xuất liên quan của Nga và sẵn sàng đẩy mạnh đối thoại và phối hợp với các bên liên quan".
Iran đã cảnh báo những động thái này, khi Tổng thống Hassan Rouhani nói hôm Chủ nhật tại cuộc họp với Ngoại trưởng Yusuf bin Alawi bin Abdullah của Oman ở Tehran rằng, "sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài sẽ không đóng góp cho an ninh của khu vực, mà sẽ là một nguyên nhân chính gây căng thẳng". Nhà ngoại giao hàng đầu của Oman "đã thảo luận về một số vấn đề, bao gồm quan hệ song phương, hòa bình trong khu vực và sự cần thiết phải duy trì an ninh và an toàn hàng hải quốc tế ở vùng Vịnh" với nhà lãnh đạo Iran.
Moscow và Tehran đã phối hợp quân sự trong chiến dịch chung hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Syria và cho đến nay, mối quan hệ đối tác chiến lược của họ đã kéo dài bất chấp việc Mỹ và Israel nhiều lần kêu gọi Nga chấm dứt.