• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Iran tung "hạn chót", Mỹ đáp trả bằng quân sự: Leo thang đang khiến châu Âu "lưỡng nan"?

Thế giới 18/06/2019 09:50

(Tổ Quốc) - Iran sẽ bỏ qua giới hạn về dự trữ uranium – được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) - trong 10 ngày tới, một quan chức nước này cho biết hôm thứ Hai.

Động thái này gia tăng sức ép lên châu Âu – bên đang cố cứu vãn hiệp ước hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi 1 năm trước và giữa bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Tehran và Washington, theo AP.

Vài giờ sau tuyên bố trên, Mỹ và Iran dường như rơi vào thế bế tắc khi Lầu Năm Góc tuyên bố họ sẽ gửi thêm khoảng 1.000 lính Mỹ đến Trung Đông để tăng cường an ninh trong khu vực trước những gì các quan chức Mỹ nói là mối đe dọa ngày càng tăng từ Iran.

Iran không còn kiên nhẫn?

Người phát ngôn về năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho rằng việc làm giàu uranium của Iran có thể đạt tới 20%, chỉ cách các cấp độ vũ khí một bước.

Ông Kamalvandi cho biết, "nếu tình trạng này tiếp diễn, sẽ không còn thỏa thuận nữa". Ông cáo buộc châu Âu đang lãng phí thời gian trong khi hạn cuối đang gần tới.

Thông báo này của cơ quan hạt nhân Iran đã đánh dấu một thời hạn khác do Tehran đặt ra. Tổng thống Hassan Rouhani trước đó đã cảnh báo châu Âu rằng một thỏa thuận mới cần được thực hiện trước ngày 7 tháng 7 hoặc Cộng hòa Hồi giáo sẽ tăng cường làm giàu uranium.

Theo AP, có vẻ như Iran đã bắt đầu chiến dịch gây sức ép tối đa của mình đối với thế giới sau khi phải đối mặt trực diện với chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump cũng đã tìm cách cắt giảm sâu việc bán dầu thô của Tehran ra nước ngoài và đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng tự do. Châu Âu cho đến nay chưa thể mở cho Iran một lối đi tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Iran tung hạn chót, Mỹ đáp trả bằng quân sự: Leo thang đang khiến châu Âu lưỡng nan? - Ảnh 1.

Các vụ tấn công tàu chở dầu gần Hormuz tuần trước đang thổi lửa thêm vào căng thẳng Mỹ - Iran. Nguồn: AP

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, chào mừng Đại sứ mới của Pháp tại Tehran vào thứ Hai, tương tự cảnh báo rằng thời gian cho thỏa thuận đang sắp hết.

"Tình hình hiện tại là rất nghiêm trọng và Pháp cùng các bên khác trong (thỏa thuận) vẫn có một cơ hội rất hạn chế để đóng vai trò lịch sử của họ nhằm cứu thỏa thuận này", trang web của ông dẫn lời cho biết.

Ông Kamalvandi đã nói chuyện với các nhà báo Iran tại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak. Các lò phản ứng sản xuất plutonium như vậy có thể được sử dụng trong chương trình vũ khí hạt nhân. Iran, theo thỏa thuận hạt nhân, đã điều chỉnh lại cơ cấu nơi này để giải quyết các mối quan ngại của phương Tây về vấn đề đó. Tuy nhiên, quan chức này cũng cho biết, họ có thể xây dựng lại nơi này để sản xuất plutonium.

Ông nói thêm, thông điệp mà chúng tôi đã cố gắng đưa đến người châu Âu lúc nay là không còn nhiều thời gian dành cho họ.

Thông báo của Iran được đưa ra vào thời điểm các bộ trưởng ngoại giao châu Âu nhóm họp tại Luxembourg. Bà Federica Mogherini, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu, đã từ chối đề cập cụ thể về thông báo của Iran.

Hiện tại, Iran vẫn tuân thủ về mặt kỹ thuật và chúng tôi rất hy vọng, khuyến khích và kỳ vọng rằng Iran sẽ tiếp tục tuân thủ, bà Mogherini nói với các nhà báo. Bà khẳng định sẽ chờ báo cáo tiếp theo về vấn đề này từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.

Theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới, Iran có thể giữ một kho dự trữ không quá 300 kg (660 pound) uranium làm giàu mức thấp. Kamalvandi nói rằng, quyết định gần đây của Iran về việc tăng gấp bốn lần sản xuất uranium làm giàu mức thấp sẽ đưa nước này vượt qua giới hạn 300 kg vào ngày 27/6.

IAEA có trụ sở tại Vienna cho biết hồi tháng trước rằng, Iran vẫn duy trì giới hạn dự trữ và từ chối bình luận về thông báo mới của Iran.

Vùng Vịnh rơi vào "điểm nóng"

Căng thẳng đã gia tăng trong khu vực kể từ tháng trước khi Hoa Kỳ vội vã đưa một nhóm tác chiến tàu sân bay và các tài sản quân sự khác đến Trung Đông để đáp trả điều họ nói là mối đe dọa từ Iran. Hôm thứ Hai, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ gửi thêm lực lượng an ninh và quân đội để tăng cường giám sát và thu thập thông tin tình báo trong khu vực.

Trong khi đó, một loạt các cuộc tấn công bí ẩn đã nhắm vào các tàu chở dầu, điều Hoa Kỳ đổ lỗi cho Iran. Còn lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen – được cho là do Iran hậu thuẫn - cũng đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Saudi Arabia.

Tướng Mohammad Hossein Bagheri, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran, đã phủ nhận Tehran có liên quan đến các cuộc tấn công vào tàu chở dầu, hôm thứ Hai nói rằng, nước này sẽ chỉ có hành động đáp trả một cách cởi mở, mạnh mẽ và nghiêm khắc nếu cần.

Nhưng ông cũng nhắc lại lập trường truyền thống của Iran về eo biển Hormuz. "Nếu chúng tôi quyết định chặn eo biển Hormuz, chúng tôi sẽ làm điều đó theo cách mà ngay cả một giọt dầu cũng không vượt qua eo biển này, ông Bagheri nói.

Theo thỏa thuận năm 2015, Iran đã đồng ý hạn chế làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, ông đã liên tục chỉ trích thỏa thuận này và ông đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng 5/2018.

Vào lúc này, thông báo của Iran rằng họ đang trên bờ vực vượt qua giới hạn dự trữ uranium đang đẩy Washington vào một vị thế khó xử là phải thúc đẩy Iran tuân thủ thỏa thuận mà ông Trump đã chê bai.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus cho biết, "thật không may rằng ngay lúc này họ đã đưa ra thông báo trên. Đây không phải là bất ngờ cho bất cứ ai và đây là lý do tại sao tổng thống thường nói rằng JCPOA cần phải được thay thế bằng một thỏa thuận tốt hơn".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết cộng đồng quốc tế nên khôi phục các biện pháp trừng phạt nếu Iran thực hiện những lời đe dọa của họ, và nói thêm, trong mọi trường hợp, Israel sẽ không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ