(Tổ Quốc)- Các mục tiêu tấn công khủng bố tại Sri Lanka ngày 21/4 mang tính toán chiến lược và có tính biểu tượng cao.
Mặc dù bị đánh bại trên chiến trường Iraq và Syria cuối năm 2018, hàng loạt vụ đánh bom liều chết tại Sri Lanka vừa qua cho thấy IS đang tiến vào giai đoạn hoạt động mới toàn cầu.
Đánh bom khủng bố tàn bạo ở Sri Lanka
Ngày 21/4, ở Sri Lanka xảy ra 8 vụ đánh bom tại nhà thờ công giáo St Anthony, nhà thờ St Sebastian's ở Negombo, cách thủ đô Colombo khoảng 30km về phía Bắc, nhà thờ ở Batticaloa, cách thủ đô 250km về phía Đông, và 3 khách sạn 5 sao Cinnamon Grand, Kingsbury và Shangri-La nằm ở trung tâm thủ đô Colombo… Các vụ nổ này xảy ra gần như cùng một lúc khiến 350 người bị chết và hơn 500 người bị thương. Ít nhất 27 nạn nhân thiệt mạng là người nước ngoài, trong đó có công dân Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Mỹ và Ấn Độ. Số người chết và bị thương chủ yếu tại các nhà thờ khi đang tham dự lễ nhân ngày lễ phục sinh. Reuters đưa tin, đây là vụ tấn công lớn đầu tiên tại hòn đảo nằm ở Ấn Độ Dương kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến 10 năm trước tại nước này.
Các mục tiêu mang tính toán chiến lược và có tính biểu tượng cao. Những vụ tấn công vào các khách sạn 5 sao Shangri-La, Cinnamon Grand và Kingsbury tại trung tâm thủ đô là nhằm vào người nước ngoài phương Tây. Các vụ tấn công vào các nhà thờ St. Anthony’s Shrine tại thủ đô, St. Sebastian tại Negombo, và Zion Church tại Batticaloa là nhằm giết hại giáo dân theo đạo Thiên Chúa.
Theo phong cách truyền thống, IS đã chụp ảnh các kẻ đánh bom khủng bố với một số che mặt, một số khác thì mỉm cười. 5 trong số những kẻ khủng bố được xác định là người Sri Lanka hoạt động trong các tổ chức IS nội địa. Chúng mang các tên của chiến binh Hồi giáo IS gốc Sri Lanka, như Abu Barra As Sailani, Abu Muktar As Sailani, Abu Ubaida As Sailani. Đàng sau các kẻ đánh bom liều chết là khẩu hiệu của IS. Bọn chúng chĩa súng lên trời biểu hiện cho việc theo đuổi "sự nghiệp" của chúng.
Các kẻ tổ chức đánh bom ở Sri Lanka nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom liên hoàn ngày 21/4.
Các nhóm IS đã thực hiện các vụ đánh bom khác tại Surabaya ngày 13/5/2018 và Philippines tại Jolo ngày 27/1/2019. Vụ tấn công vào các tín đồ Thiên Chúa giáo tại New Zealand ngày 15/3/2019, cũng như tại Sri Lanka vừa rồi, được rêu rao là nhằm vào dân da trắng.
Kể từ khi các Con hổ Tamil (LTTE) bị đánh bại năm 2009, Sri Lanka đối diện với mối đe dọa mới. Việc nhà nước Hồi giáo IS tuyên bố thành lập ngày 29/6/2014 có sức lôi cuốn đối với một số thanh niên Sri Lanka. Trong các năm 2014-2018, IS từng tuyển mộ và nhồi sọ tư tưởng cực đoan cho các thanh niên này. Những kẻ trở về từ chiến trường Iraq và Syria, cũng như các phần tử ủng hộ tổ chức khủng bố này, đã hưởng ứng lời kêu gọi trả thù cho vụ thất thủ căn cứ địa cuối cùng tại Baghouz, tấn công chùa chiền và phá hủy tượng Phật.
Nhân vật deo mầm các nhóm hạt nhân ủng hộ IS tại Sri Lanka là Abu Shuraih Sailani, đã cùng với 40 phần tử khác đến Syria qua đường Thổ Nhĩ Kỳ, bị giết trong cuộc oanh kích của Liên quân ngày 12/7/2015. Nhiều chiến binh IS người Sri Lanka trước khi bị giết tại Iraq và Syria, đã khuyến khích gia đình và bạn bè gia nhập IS.
IS – tro tàn lại cháy?
Trái ngược với các tuyên bố của giới lãnh đạo phương Tây rằng IS đã bị đánh bại, tổ chức nhà nước khủng bố IS trên thực tế đang bước vào một giai đoạn hoạt động mới.
Những kẻ đánh bom ở Sri Lanka được huấn luyện tốt, có giáo dục, và tổ chức các vụ đánh bom liên hoàn vừa qua khá lộ liễu, cho thấy sự thiếu cảnh giác của nhà đương cục nước này. Đồng thời, các vụ đánh bom tự sát cũng đánh dấu một cột mốc mới trong hoạt động khủng bố toàn cầu do các phần tử Hồi giáo cực đoan IS tiến hành.
Hai nghi phạm trong vụ đánh bom ngày 21/4: Imsath Ibrahim (phải) và Ilhan Ibrahim (trái), cùng người cha, trong một hoạt động xã hội tại Colombo năm 2016.
Sri Lanka không phải là ngoại lệ trong nỗ lực của IS gây dựng lại hoạt động toàn cầu. Một hệ thống được cài cắm tại Nam Ấn Độ, Maldives hay Sri Lanka... Các chính phủ sở tại đứng trước yêu cầu phải trao đổi và chia sẻ tình báo với Mỹ, Anh, Úc và các đối tác khác, để xác định mạng lưới khủng bố toàn cầu của IS. Đồng thời liên hệ và phối hợp với các nhà lãnh đạo Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tại các nước liên quan, để tránh rơi vào bẫy thù hận và trả thù.
Số bị bắt ở Sri Lanka sau vụ đánh bom đã lên tới 60, nhưng thông tin cho hay vẫn còn nhiều nghi can ở ngoài vòng pháp luật. Các nhân viên FBI của Mỹ đã đến Sri Lanka để giúp đỡ điều tra. Nhà đương cục nước này lo ngại rằng còn có các kế hoạch khủng bố khác đang được sắp đặt.
Những tuyên bố phóng đại như của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đã đánh bại lực lượng khủng bố IS, đã tạo ra tình trạng lơi lỏng, mất cảnh thời gian qua. Các phần từ khủng bố rút khỏi Iraq và Syria cũng tương tự như al-Qaeda tuy bị đẩy khỏi chiến trường chính Afghnistan đã phân tán, để bất ngờ thực hiện các vụ khủng bố từ Bali tới Madrid và London… Mối đe dọa từ các phần tử hạt nhân IS sẽ thể hiện ra thành các cuộc tấn công khó lường như kiểu tại Sri Lanka vừa qua ở những nơi khác trên thế giới./.