(Tổ Quốc) - Khi IS đã bị đẩy lui ra khỏi phần lớn các vùng lãnh thổ chúng từng kiểm soát tại Syria và Iraq, đã đến lúc Mỹ phải định hình lại giới hạn nhiệm vụ của mình.
Trong vài năm gần đây, Mỹ chỉ tập trung vào một mục tiêu đơn nhất và không gây tranh cãi: chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông.
Theo AP, hiện tại, khi các phần tử cực đoan IS đã bị đẩy lui ra khỏi phần lớn các vùng lãnh thổ chúng từng kiểm soát tại Syria và Iraq, đã đến lúc Mỹ phải định hình lại giới hạn nhiệm vụ của mình. Mỹ sẽ chấm dứt sự hiện diện tại Syria như thế nào và vào thời điểm nào?
Một cuộc khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, được dấy lên sau một chiến dịch quân sự mới đây của Ankara tại Syria, đã gia tăng sức ép vào hoạt động của liên minh do Mỹ dẫn đầu – trước đó rất bối rối khi đối thủ chính là IS phần lớn đã bị xóa sổ.
Mỹ đang đối mặt với hai lựa chọn: Hoặc từ bỏ người Kurd – lực lượng đã sát cánh chiến đấu cùng họ ở Syria, hoặc làm sâu thêm sự rạn nứt nghiêm trọng với một đồng minh NATO - điều dường như không thể tránh khỏi.
Phá vỡ thế cân bằng
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tức giận về sự ủng hộ quân sự của Mỹ đối với lực lượng người Kurd Syria, thậm chí gọi họ là lực lượng khủng bố, Washington vẫn duy trì được thế cân bằng khi tập trung nhấn mạnh rằng người Kurd là mũi nhọn trong cuộc chiến chống IS. Vào thời điểm hiện tại, thế cân bằng trên đang bị phá vỡ khi phản ứng từ Ankara ngày càng mạnh mẽ.
Chiến dịch chống người Kurd tại Afrin là phản ứng tức giận mới nhất từ Ankrara. |
Frederic Hof, người phụ trách chính sách về Syria trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Obama, và hiện là một chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nói: "Vòng luẩn quẩn khó khăn này chưa có giải pháp”.
Việc IS bị đánh bại đang khiến Mỹ phải tìm cách “hợp pháp hóa” hoạt động của họ tại Syria. Liệu Quốc hội và người dân Mỹ có thực sự ủng hộ cho một chiến dịch đi xa hơn lằn ranh chống khủng bố tại Syria? Các quan chức cao cấp của Trump cho biết họ không cần thêm sự cho phép để hiện diện tại Syria vì IS vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng và kéo dài – điều đòi hỏi Hoa Kỳ tiếp tục ở lại để đảm bảo rằng chúng không tái xây dựng lực lượng và một lần nữa đe dọa tương lai của Syria.
Như để chứng minh cho lập trường của Mỹ, một số lượng nhỏ các tay súng IS vẫn hoạt động ở phía đông Syria. Hôm thứ ba, các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã xóa sổ 150 tay súng IS tại một trung tâm chỉ huy ở thung lũng sông Euphrates, liên minh do Mỹ dẫn đầu cho hay. Chiến dịch này có sự hỗ trợ của Lực lượng Dân chủ Syria và các tay súng người Kurd.
Để tiếp tục chống IS, các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ của Mỹ sẽ bắt tay vào việc ổn định lại đất nước và phục hồi các dịch vụ hạ tầng cơ bản ở các khu vực giải phóng từ tay IS, trong khi nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria 7 năm qua.
“Đối thủ tiềm tàng”
Tổng thống Trump hiện đang đối mặt với một câu hỏi khá là khó khăn: ông không thể tuyên bố công khai về một chiến thắng nào tại Syria mà không trao lại quyền hạn và trách nhiệm cho những lực lượng tại địa phương đã đánh bại IS – điều đồng nghĩa với việc Mỹ không còn nghĩa vụ gì tại Syria.
Hiện nay, Mỹ đang nhìn thấy một mối đe dọa khác tại Syria: sự trỗi dậy của al-Qaeda. Đồng thời, Washington cũng muốn ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran tại Syria và kiềm chế sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar Assad. Với sự giúp đỡ của Moscow, lực lượng của ông Assad đang đẩy lùi được các lực lượng nổi dậy do Washington hậu thuẫn tại nhiều vùng lãnh thổ.
Đang trong chuyến thăm châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã lên án Thổ Nhĩ Kỳ vì đã tấn công người Kurd. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson đang công du châu Âu và Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley tại Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra lời cáo buộc về việc Nga đồng lõa với Syria sử dụng vũ khí hoá học.
"Dù ai là người tiến hành các cuộc tấn công, Nga sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các nạn nhân", ông Tillerson nói trong một cuộc họp tìm ra bên chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria . Ông Tillerson cũng lưu ý rằng, Nga đã hai lần bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cho phép các nhóm thanh tra gia hạn và mở rộng các cuộc điều tra trên.
Trong bài phát biểu công bố chính sách về Syria vào tuần trước, ông Tillerson cũng cho biết, Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở nước này trong tương lai gần để ngăn chặn IS và al-Qaeda giành lại quyền kiểm soát. Ông cũng nêu ra một mục tiêu khác: hỗ trợ các dự án tái thiết để thúc đẩy người Syria không ủng hộ ông Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ “trỗi dậy” tại Afrin
Trong một động thái làm phức tạp thêm tình hình Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, lo ngại về sức mạnh của người Kurd đang gia tăng gần biên giới của họ, gần đây đã tung ra một chiến dịch quân sự nhằm vào Afrin – khu vực người Kurd kiểm soát ở miền bắc Syria.
Ankara cho rằng lực lượng người Kurd tại Syria là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd PKK – từ lâu đã nổi dậy giành quyền tự trị tại Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Mỹ coi PKK là lực lượng khủng bố, nhưng bác bỏ việc các đối tác người Kurd tại Syria liên quan đến tổ chức trên.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đều cho rằng họ cần nhận được sự ủng hộ từ Mỹ. Vì vậy, chính quyền ông Trump đang cố thể hiện lập trường riêng rẽ với từng vấn đề, thừa nhận quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi kêu gọi 2 bên kiềm chế.
Dù vậy, sự cân bằng đó đã không dập tắt được tình hình. Ông Mattis bày tỏ rằng, "Bạo lực ở Afrin làm gián đoạn tình tương đối ổn định của Syria"và "những diễn biến này đã làm sao lãng những nỗ lực quốc tế hướng tới việc dập tắt mọi sự trỗi dậy của IS."
Đối với người Kurd, một nhóm dân tộc thiểu số sống ở nhiều quốc gia trong khu vực, trước đây đã từng bị các đồng minh lớn bỏ rơi và hiện có thể đối mặt với một tình huống còn khó khăn hơn. Liên hợp quốc nói rằng, khoảng 5.000 người đã phải di dời do xung đột ở miền bắc Syria và hiện cũng chưa rõ Mỹ sẽ làm gì để bình ổn tình hình.
Khi được hỏi liệu Washington có trách nhiệm ra sao đối với người Kurd, các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, với điều kiện giấu tên, cho hay, chiến lược “Ưu tiên nước Mỹ” của ông Trump đã chỉ ra rằng Hoa Kỳ luôn ưu tiên các lợi ích riêng của mình.