• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Syria: Sức nóng Thổ đẩy đối đầu Mỹ-Iran vào thế “sống còn”?

Thế giới 23/01/2018 14:32

(Tổ Quốc) - Ưu thế của Nga, Iran và sự phẫn nộ của Thổ Nhĩ Kỳ có đẩy chính sách mới của Washington tại Syria vào thế khó?  

Hôm Chủ nhật (21/1), xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện ở miền bắc Syria và tấn công các lực lượng người Kurd tại đây. Chiến dịch này là động thái mới nhất trong một loạt các sự kiện xảy ra gần đây, và được cho là sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến đã kéo dài 7 năm tại Syria. Tờ Christian Science Monitor nhận định, trong khi Nga, Iran và Mỹ đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng, chuẩn bị cho một Syria hậu chiến, Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên trở thành một thách thức cho nhiều phần quan trọng trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại đây.

Chất xúc tác ngắn hạn cho cuộc đụng độ trên là lời tuyên bố được Lầu Năm Góc đưa ra vào tuần trước, theo đó Mỹ đang có kế hoạch gia tăng hiện diện quân sự tại đông bắc Syria, và xây dựng một lực lượng bao gồm 30.000 tay súng người Kurd. IS hiện đã bị “đánh đuổi” ra khỏi phần lớn lãnh thổ của Syria, trong đó sự đóng góp người Kurd là không thể không nhắc tới. Tuy nhiên, ưu thế hiện tại trong cuộc chiến dường như lại nghiêng về quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh Nga, Iran của ông.

Tuyên bố của Mỹ đã “chọc giận” Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Đáp trả, ông Erdoğan thề sẽ để quân đội Thổ tiến vào Syria và tiêu diệt lực lượng người Kurd được Mỹ ủng hộ - từ trong trứng nước.

Lực lượng mới tại Syria được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chính sách của chính quyền ông Trump, giúp ngăn ngừa sự hồi sinh của IS, góp phần định hình một Syria hậu chiến không có Tổng thống Assad, và kiềm chế ảnh hưởng của Iran.

Xương sống của đơn vị này chính là Lực lượng dân chủ Syria (SDF) – nhóm vũ trang nhận sự hỗ trợ của Mỹ, và do Lực lượng bảo vệ nhân dân (YPG) người Kurd lãnh đạo, kèm theo một số nhóm Arab khác. Đơn vị mới sẽ được triển khai tại các phần biên giới phía bắc của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, phía đông với Iraq và dọc theo sông Euphrates.  

Trong một nỗ lực làm giảm căng thẳng với Thổ, hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thừa nhận, các quan ngại an ninh của Ankara lại “chính đáng”. Tuy vậy, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho thấy một giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ với Mỹ.

Cùng lúc đó, trong khi các lực lượng Thổ tiếp tục tạo ra cái Ankara gọi là “khu vực an ninh” tiến sâu vào phía bắc Syria chừng 30km, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ khả năng chính sách Syria mới của ông Trump có thể dẫn tới kết quả tích cực.

“Dường như có dấu hiệu Washington từ bỏ Thổ và củng cố vị thế của mình tại Syria với ưu tiên chống Iran… tuy nhiên, khó có thể biết cách tiếp cận này có đạt được gì trong thực tế hay không,” Julien Barnes-Dacey, một học giả cấp cao của Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại Brussels, nhận định.

 Người dân chứng kiến xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển tại thị trấn biên giới Kilis gần Syria

Mỹ đang “vị thế cực kỳ yếu kém”

Ông Barnes-Dacey cũng đánh giá, người Mỹ “đang ở trong một vị thế cực kỳ yếu kém”, và việc gây được sức ép lên cả Damascus và Tehran “sẽ đòi hỏi những thúc đẩy quân sự sâu rộng hơn rất nhiều so với những gì ông Trump đã chuẩn bị.”

Ngoài ra, ông còn đề cập đến “sự đối lập vốn có” trong chính sách của Mỹ, EU và Liên hợp quốc - rằng Nga có thể khiến Tổng thống Assad thỏa hiệp trên các bàn thương lượng. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu liên minh Nga – Iran được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc Mỹ tuyên bố theo đuổi cách tiếp cận chống Iran gần như chắc chắn sẽ “giết chết bất kỳ kỳ vọng nào” cho kết quả này.

Trong khi đó, tuần trước Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Iran đang “tăng cường nhanh chóng” vai trò tại Syria, dẫn đến việc quốc gia Trung Đông tiếp tục “tấn công vào lợi ích của Mỹ và các đồng minh”. Theo ông, sự hiện diện của Mỹ tại Syria sẽ hướng vào mục tiêu “giảm bớt” ảnh hưởng của Iran.

Aaron Stein, một học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương cảnh báo, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ bị thúc đẩy bởi viễn cảnh: sự có mặt lâu dài của Mỹ tại Syria sẽ là “sự đảm bảo an ninh” cho các nhóm vũ trang người Kurd.

Theo ông, chiến lược chống Iran của người Mỹ xuất phát từ ý tưởng của một số cá nhân trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, muốn “cứng rắn hơn và đặt cảnh báo cho Iran”.

“Bất kỳ ai hiểu về Iran… biết rằng, điều này sẽ không cảnh tỉnh được Iran,” ông Stein nói. “Iran, Nga và chính phủ Syria đã giành chiến thắng trong trận chiến này, họ sẽ sắp đặt nó theo các điều khoản của họ”.

Mặc dù vậy, điều này sẽ không ngăn cản được những nỗ lực của Washington. Iran vẫn giữ vị trí cao trong các ưu tiên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các hoạt động của Iran, với khả năng Iran mở rộng các hoạt động này thông qua khả năng [Iran] di chuyển các trang thiết bị vào Syria,” David Satterfield, quyền thư ký bộ phận Cận Đông trả lời về vai trò của các lực lượng Mỹ tại Syria.

Mục tiêu cân bằng chính sách

Giới chuyên gia nhận định, nếu Iran và các đồng mình có thể tiến vào đông Syria, điều này sẽ gây nên sự phản ứng dữ dội từ cộng động người Sunni; từ đó khiến những người Shiite – vốn ủng hộ sự hiện diện quân sự của Iran, trở nên phẫn nộ.

“Vấn đề của Mỹ với Iran là nước này sử dụng vấn đề người Shiite để gây ảnh hưởng tại Iraq, Syria và đâu đó – những nơi có thể sản sinh ra các biến thể khác nhau của IS và Al Qaeda”, Andrew Tabler, một chuyên gia về Syria tại Viện chính sách cận đông Washington, phân tích.

Chính sách mới của Mỹ sẽ cố gắng cân bằng những mục tiêu chính sách này theo một cách mà Washington chưa từng đạt được trong suốt cuộc chiến Syria. Thay vào đó, việc ngay lập tức tập trung vào các lợi ích chiến thuật – bao gồm sử dụng người Kurd tại Syria như một yếu tố chủ chốt chống lại IS bất chấp sự giận dữ của một đồng minh NATO – thường tạo ra những tình huống “tiến thoái lưỡng nan” mới.

“Các chính quyền của Mỹ đã thất bại” trong việc tìm biện pháp giải quyết vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ, Noah Bonsey, nhà phân tích chuyên về Syria của tổ chức International Crisis Group, nhận định. Cùng lúc, theo ông, nếu Mỹ đột ngột rút khỏi đông bắc Syria, rất có thể sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh mới, ở đó, nhiều kẻ thù của YPG có thể chống lại các tay súng người Kurd.

“Đường lối [của Mỹ] có lẽ đang cường điệu hóa những gì có thể đạt được, nhưng ở một mức độ nào đó, với việc duy trì hiện diện của Mỹ [tại đông bắc Syria], khả năng bất ổn trên có lẽ sẽ được giảm bớt – ít nhất là trong hiện tại”, ông Bonsey kết luận. 

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ