• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xoa dịu Mỹ, châu Âu “đưa” cả Syria vào tồn vong hạt nhân Iran?

Thế giới 22/01/2018 16:08

(Tổ Quốc) - EU đang đứng trước một nhiệm vụ khó khăn, vừa thỏa mãn TT Trump, vừa “bảo toàn” cho sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân Iran.  

Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, một ngày trước khi Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định “chỉnh sửa” thỏa thuận hạt nhân Iran, các cường quốc châu Âu đã có cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Iran, nhằm thể hiện sự ủng hộ với quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, dường như những nỗ lực này đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Theo  ba quan chức Mỹ, cuộc gặp gỡ tại Brussles thậm chí có thể còn làm tăng “ác cảm” của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề hạt nhân Iran. Ông Trump đã đưa cho các đồng minh châu Âu, bao gồm Anh, Pháp, Đức và cả Quốc hội Mỹ khoảng thời gian 120 ngày, để có được một cách tiếp cận cứng rắn hơn về Tehran - hoặc là nước Mỹ sẽ tái áp dụng các lệnh trừng phạt.

Trong khi Tổng thống Trump không ngừng cảnh báo về một cơ hội cuối cùng cho văn kiện ông gọi là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được thương lượng”, Anh, Pháp và Đức đã bắt đầu các cuộc thảo luận để “thỏa mãn” người đứng đầu nước Mỹ. Một mặt, ba nước châu Âu xem xét các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo và ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực; mặt khác, họ cũng cố hết sức bảo toàn hiệp định năm 2015 - được cho là sẽ kìm giữ tham vọng hạt nhân của Iran trong ít nhất một thập kỷ nữa.

Giới chuyên gia Âu – Mỹ đánh giá, khó có thể nói điều gì sẽ giúp xoa dịu chính quyền TT Trump, vốn đang bị chia rẽ thành hai thái cực: một bên muốn hủy bỏ thỏa thuận và bên kia muốn giữ lại nó.

Theo luật pháp Mỹ, sau 120 ngày, ông Trump sẽ phải một lần nữa quyết định có tiếp tục việc dừng trừng phạt Iran hay không. Do đó, Quốc hội Mỹ và các nhà ngoại giao châu Âu có thời gian đến giữa tháng Năm tới đây để tìm kiếm phương án phù hợp nhất cho vấn đề này.

Tuy nhiên, theo Reuters, cuộc gặp gỡ tại Brussels đã khiến các nước lớn tại châu Âu nhận ra rằng, cho dù họ có thống nhất điều gì, kết quả dường như vẫn sẽ là không đủ.

“Chúng tôi sẽ làm việc dựa trên tinh thần sẵn sàng thảo luận về mọi thứ, từ thỏa thuận hạt nhân cho đến tên lửa đạn đạo của Iran,” một nhà ngoại giao cấp cao đến từ châu Âu tiết lộ. “Tuy nhiên, chúng tôi muốn phân loại rõ ràng các chủ đề; chứ không phải là trộn lẫn chúng với nhau”.

Những thách thức trước mắt không chỉ đơn giản là một hiệp định ra đời từ trước khi ông Trump nhậm chức và vẫn được châu Âu ca ngợi là một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Các nhà ngoại giao e ngại, một thỏa thuận hạt nhân bị đổ vỡ sẽ dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Lục địa già cũng lo sợ, họ không còn có thể trông cậy vào sự lãnh đạo của Mỹ.

Anh, Pháp, Đức và Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách an ninh EU, bà Federica Mogherini kiên quyết rằng, thỏa thuận Iran không thể tái thương lượng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng ủng hộ cho quyết tâm này trong một bài phát biểu mới đây tại Liên Hợp Quốc.

Những liên lạc ban đầu giữa các “ông lớn” châu Âu cho thấy, Paris, London và Berlin sẽ đề xuất với nước Mỹ một gói các giải pháp nhằm giảm bớt những lo lắng của ông Trump về Iran; nhưng trong đó, không bao gồm việc tái thương lượng thỏa thuận hạt nhân.

Châu Âu đang tìm cách làm vừa lòng ông Trump nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran

Nóng mối đe dọa đạn đạo

Chiến lược mà châu Âu đề xuất có thể bao gồm việc đe dọa Iran với các lệnh trừng phạt kinh tế nếu nước này không đồng ý thu hẹp kho vũ khí đạn đạo của mình. Phương Tây tin rằng Iran đang sở hữu tên lửa tầm xa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Washington muốn các thanh tra hạt nhân của Liên Hợp Quốc được phép thăm các cơ sở quân sự trong khi thanh sát việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân tại Iran. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, họ không phân biệt giữa các cơ sở quân sự và phi quân sự; đồng thời nhiều lần khẳng định Iran tuân theo các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.

Trong khi đó, giới ngoại giao cho rằng, IAEA vẫn chưa thanh tra một cơ sở quân sự nào và nếu Washington muốn làm vậy, họ cần phải cung cấp các thông tin chứng minh sự cần thiết của việc này.

Về phần mình, Iran tuyên bố, các cơ sở quân sự của mình nằm ngoài phạm vi hoạt động của IAEA. Tehran cũng liên tục phủ nhận cáo buộc chương trình hạt nhân của mình chứa đựng các yếu tố quân sự, bao gồm cả việc phát triển bom.

Một phần khác trong chiến lược đề xuất của châu Âu đó là gia tăng áp lực lên Iran để nước này kiềm chế các đồng minh tại Trung Đông như lực lượng Hezbollah; đồng thời ngăn chặn các tay súng Houthi chống lại chính phủ trong cuộc xung đột Yemen.

Hiện cũng đang có những cuộc thảo luận về việc thúc đẩy Iran tham gia vào tiến trình đàm phán hòa bình Syria do Liên Hợp Quốc chủ trì. Tehran đang mâu thuẫn với phương Tây xung quanh việc ủng hộ cho Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục nắm giữ quyền lực tại Syria.

Trong khi đó, tại Quốc hội Mỹ, các nhà lãnh đạo của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đang “chung tay” với Nhà Trắng nhằm đưa ra được một văn kiện có thể đáp ứng được những yêu cầu của Tổng thống Trump về việc loại bỏ “các lỗi tai hại” trong thỏa thuận 2015.

“Nếu được đưa ra một cách đúng đắn, nó có thể cũng sẽ đủ để ông Trump tuyên bố là một thắng lợi ngoại giao và được Quốc hội thông qua,” một nhà ngoại giao châu Âu nhận định.

Một cố vấn cho biết, bà Mogherini và các Ngoại trưởng EU có cuộc họp vào hôm thứ Hai (22/1), trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ gặp hai người đồng nghiệp Anh và Pháp tại London và Paris cũng trong tuần này trong khuôn khổ chuyến công du tới châu Âu. Dự kiến, chủ đề Iran sẽ xuất hiện trong rất nhiều cuộc đối thoại sắp tới.

Trong khi Anh, Đức và Pháp dường như khá đoàn kết, bà Mogherini tỏ ra không sẵn lòng sử dụng các lệnh trừng phạt của EU đối phó với chương trình hạt nhân của Iran, nhằm tránh khả năng đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân.

Tháng 11 năm ngoái, Iran đã từ chối một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về chương trình tên lửa của mình và khẳng định nó chỉ phục vụ cho mục đích phòng thủ. “Quan niệm đối thoại của họ là giải thích họ đang làm đúng,” một nhà ngoại giao phương Tây nói về Iran.

Anh, Pháp và Đức cũng đang phải đối mặt với sự chia rẽ trong chính phủ Mỹ. “Đang có sự bất đồng dữ dội trong chính quyền TT Trump,” một cựu quan chức Mỹ nói. “Trong khi một nhóm muốn giữ lại thỏa thuận hạt nhân Iran, những người khác muốn đẩy vấn đề ra xa hơn tới tận châu Âu và Quốc hội Mỹ, để nó thất bại và đổ lỗi này cho họ”. 

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ