• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Israel – Iran “nóng mặt”: Nga định vị sức mạnh

Thế giới 11/05/2018 09:57

(Tổ Quốc) - Sau các hành động đối đầu trực diện giữa Israel và Iran tại Syria, Nga đang tự định vị bản thân như một bên trung gian hòa giải giữa hai đối thủ Trung Đông này.

Sau các hành động đối đầu trực diện giữa Israel và Iran tại Syria, Nga đang tự định vị bản thân như một bên trung gian hòa giải giữa hai đối thủ Trung Đông này do Moscow đang có quan hệ tốt đẹp với cả hai bên.

"Điện Kremlin đang ngồi trên hai chiếc ghế", nhà phân tích Nga Alexei Malashenko nói với AFP.

"Đây là một tình huống phức tạp và khó khăn đối với Nga khi đang có quan hệ với cả hai đối thủ không đội trời chung."

Israel đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự của Iran hôm thứ Năm sau khi lên tiếng rằng khoảng 20 quả tên lửa đã phóng tới cao nguyên Golan- nơi Israel đang nắm quyền kiểm soát.

Nga đã nhanh chóng kêu gọi kiềm chế, và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10/5 nói rằng, "tất cả vấn đề cần được giải quyết thông qua đối thoại".

Ông Lavrov nói thêm rằng, Nga đã cảnh báo Israel tránh "mọi hành động có thể được coi là khiêu khích" vào ngày trước các cuộc không kích trên diễn ra khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến Moscow để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.

Nhà phân tích Nga Fyodor Lukyanov cho biết quan hệ giữa hai ông Putin và ông Netanyahu là "rất tốt" và cuộc họp giữa họ, vào đêm trước diễn ra các cuộc tấn công, cho thấy Nga có thể đóng một vai trò quan trọng trong căng thẳng hiện tại Israel - Iran.

Quan hệ giữa hai ông Putin và ông Netanyahu là "rất tốt". (Nguồn: AFP)

"Moscow có thể sử dụng mối quan hệ tốt đẹp với cả hai nước để giúp họ liên lạc và đảm bảo cuộc đối đầu không vượt quá giới hạn nhất định", Lukyanov nói.

Một thế lực chính

Nga đã trở thành một thế lực lớn ở Trung Đông kể từ khi tham gia vào cuộc chiến Syria để ủng hộ chính quyền Damascus vào tháng 9/2015. Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh vai trò của Nga như một bên trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột khác tại khu vực này.

Alexander Krylov, một chuyên gia chính sách đối ngoại tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow, nói: "Vai trò của Nga như là một nhà hòa giải đã được đánh giá cao trong khu vực. Vai trò này sẽ được tăng cường nếu cuộc khủng hoảng giữa Israel và Iran tồi tệ hơn".

Krylov cũng nói với AFP rằng, "giá trị bổ sung" của Nga là họ có quan hệ tốt với các lực lượng mà nhiều bên khác từ chối đối thoại, bao gồm Iran, các lực lượng vũ trang Hamas, Hezbollah và người Kurd.

Còn mối quan hệ tốt đẹp của Nga với Israel đã được chứng minh bởi chuyến thăm của Netanyahu, ông Krylov cho biết thêm. "Tôi không loại trừ ý tưởng rằng Israel đã đưa ra một số manh mối cho Nga về các cuộc không kích", theo Krylov.

Nhưng ngay cả khi Nga xem xét mối quan ngại an ninh của Israel đối với Iran là hợp pháp, chuyên gia Lukyanov nói, Moscow vẫn thấy Iran là một "đối tác không thể thiếu đối với nhiều vấn đề, đặc biệt là ở Syria".

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường xuyên nhóm họp để thảo luận về các nghị quyết liên quan đến cuộc chiến Syria, nơi ba nước này đã định vị bản thân là những sức mạnh chính.

Không giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Moscow là những đồng minh chặt chẽ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và thường duy trì một lập trường ngoại giao thống nhất.

Nhà phân tích Alexei Malashenko cho biết Nga sẽ làm mọi thứ có thể để duy trì quan hệ với cả Israel và Iran, đồng thời không chọn nghiêng về một nào, đặc biệt là khi các cuộc không kích của Israel "không đe dọa" đến sự hiện diện của Moscow tại Syria.

"Nếu Israel chống lại vai trò kiểm soát của Nga, Nga sẽ phản ứng và thể hiện lập trường. Điều này dường như không xảy ra vì Israel biết Nga đang định hình các quy tắc ở Syria," Lukyanov nói.

Làn sóng bài Iran?

Tuy nhiên, nếu leo thang tiếp tục, Moscow sẽ gặp khó khăn khi tiếp tục đóng vai trò hòa giải viên.

"Ngay cả với ý định tốt đẹp nhất, không ai có thể đưa Iran và Israel vào cùng một bàn đối thoại", Malashenko nói.

Ông Malashenko nói thêm rằng, Nga cũng đang theo dõi chặt chẽ sự ra đi của Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015- động thái mà Điện Kremlin đã phản đối. Ngày 10/5, Moscow tuyên bố sẽ tiếp tục "hợp tác chặt chẽ" với Iran theo thỏa thuận trên.

Ông Lukyanov cho biết, có thể không phải ngẫu nhiên mà các cuộc không kích của Israel diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.

"Những đối thủ của Iran chỉ có thể được thúc đẩy từ quyết định này: đang có một làn sóng bài Iran rất mạnh", nhà phân tích Lukyanov nói. "Áp lực của Mỹ gia tăng đối với Iran chắc chắn đã giúp Israel hoàn thành chương trình nghị sự của nước này".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ