(Tổ Quốc) - Chuỗi hoạt động ngày hội Festival nghề truyền thống Huế 2023 đã chính thức bắt đầu bằng lễ khai mạc được tổ chức tại TP Huế với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.
Tối 28/4, tại sân khấu Quảng trường trước Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, UBND TP Huế đã tổ chức Lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2023. Đến tham dự lễ khai mạc có các ông: Hoàng Đạo Cương, Thứ trường Bộ VHTTDL; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành và đông đảo người dân, du khách.
Festival nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" được tổ chức từ ngày 28/4 đến 5/5/2023. Đây là chuỗi sự kiện điểm nhấn của Festival Huế 2023 được tổ chức theo định hướng bốn mùa; là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế - xã hội, mang tầm quốc gia và có yếu tố quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Huế: "Cố đô xanh - Di sản thế giới - Thành phố an toàn và thân thiện".
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng BTC Festival nghề truyền thống Huế 2023 cho hay: Festival nghề truyền thống Huế là nơi tôn vinh nét đẹp và trình diễn nghề thủ công truyền thống, nơi hội tụ của những bàn tay nghệ thuật tài hoa, nghiên cứu phương thức đổi mới sáng tạo đương đại… được tổ chức trong không gian cảnh quan, văn hóa - nghệ thuật đặc trưng của TP Huế.
Festival lần này cũng là cuộc hội tụ để các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia giữ gìn, phát huy giá trị nghề truyền thống; cùng với chuỗi sự kiện, chương trình văn hóa – nghệ thuật đặc sắc, không khí lễ hội sôi động, đa sắc màu… sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn; tiếp tục khẳng định thương hiệu Huế - thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.
Theo đó, tham gia kỳ festival lần này có 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong nước thuộc 21 nhóm nghề như: dệt; mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; bánh Tét bánh Chưng; mè xửng; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ, nghề làm diều; pháp lam… Ngoài ra, còn có 37 nghệ nhân của 6 thành phố có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với TP Huế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và 1 Hiệp hội nghề truyền thống Hàn Quốc.
Đến với kỳ festival năm nay, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm một cách sống động các hoạt động làng nghề quy tụ trong không gian trữ tình, lãng mạn ở hai bờ sông Hương và cầu Trường Tiền. Bên cạnh đó, các hoạt động cộng đồng hưởng ứng sẽ được tổ chức trải rộng khắp các khu vực trung tâm và vùng lân cận TP Huế. Tính tương tác với cộng đồng sẽ là điểm nhấn thú vị, hứa hẹn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng và du khách khi đến tham quan.
Ngoài các chương trình đã có dấu ấn từ các kỳ Festival trước như: Lễ Khai mạc, Bế mạc Festival nghề truyền thống Huế; Lễ tế tổ bách nghệ - Lễ rước tôn vinh nghề; Lễ hội ẩm thực,... kỳ festival năm nay sẽ có thêm nhiều chương trình nghệ thuật mới, lần đầu tiên được tổ chức như: Chương trình "Tri ân dòng Hương"; Lễ hội Quảng diễn đường phố; Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa TP Huế và các thành phố hợp tác, kết nghĩa trong nước và quốc tế, Chương trình nghệ thuật "Giai điệu trẻ"…
"Hy vọng với sự nỗ lực, chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức và các đơn vị thực hiện chương trình trong khuôn khổ festival, sự tham gia tích cực của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân, quý vị du khách… sẽ tạo nên một kỳ festival thành công", ông Võ Lê Nhật nói.