• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khai màn tại Djibouti: Hải quân Trung Quốc đẩy nhanh thực lực

Thế giới 29/06/2018 15:00

(Tổ Quốc) - Khi lợi ích của Trung Quốc đang ngày càng tăng ở Đông Phi và Ấn Độ Dương, việc Trung Quốc mở rộng cơ sở tại Djibouti không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Vào cuối tháng 5/ 2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận rằng Quân đội Trung Quốc (PLA) đang xây dựng thêm các cơ sở bổ sung cho bến tàu tại căn cứ quân sự của họ tại quốc gia vùng Sừng Châu Phi Djibouti.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang nói, các cơ sở mới sẽ cho phép Bắc Kinh "thực hiện tốt hơn trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc, bao gồm cả công việc chống cướp biển và duy trì hòa bình và ổn định của châu Phi và thế giới".

 Trong khi nhiều thông tin đã nổi lên về việc Trung Quốc xây dựng cơ sở nổi này trong năm 2017, đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc công khai thừa nhận những hoạt động như vậy.

Lợi ích tại Đông Phi và Ấn Độ Dương

Việc Trung Quốc mở rộng cơ sở tại Djibouti không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trung Quốc có lợi ích ngày càng tăng ở Đông Phi và Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đã nêu rõ ràng cho hải quân của mình một nhiệm vụ để bảo vệ những lợi ích đó, và bây giờ họ đang sở hữu một căn cứ quân sự trong khu vực có khả năng hỗ trợ những nỗ lực này.

Hải quân Trung Quốc đang muốn đẩy nhanh tiến trình tăng cường lực lượng trên toàn cầu.

Không chỉ cơ sở của Trung Quốc ở Djibouti sẵn sàng phục vụ như một bệ phóng cho hải quân Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong khu vực, mà đây còn có thể là “một phòng thí nghiệm”- nơi hải quân Trung Quốc có thể học hỏi kinh nghiệm về việc sử dụng các cơ sở quân sự nước ngoài để bảo vệ công dân và lợi ích thương mại. Những bài học như vậy có thể ảnh hưởng đến cách và nơi Trung Quốc tìm kiếm xây dựng cơ sở ở nước ngoài tiếp theo của mình, trong trường hợp rất có khả năng là họ sẽ làm như vậy.

Quyết định thành lập một căn cứ quân sự ở Djibouti của Trung Quốc đã được lên kế hoạch trong một thời gian. Hải quân Trung Quốc đã có một lực lượng chống cướp biển với ba tàu hoạt động gần như liên tục ở Vịnh Aden kể từ cuối năm 2008. Lực lượng đặc nhiệm này bảo vệ giao thương hàng hải đang phát triển của Trung Quốc giữa châu Âu và châu Á.

Tới năm 2017, lượng dầu thô xuất khẩu từ châu Phi và Trung Đông sang Trung Quốc đã tăng lên 5,25 triệu thùng / ngày (chiếm 62% tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc) – một sự gia tăng mạnh mẽ từ 2,88 triệu thùng / ngày trong năm 2008. Nguồn vốn của Trung Quốc đổ sang châu Phi cũng đang tăng lên. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc ở châu Phi tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2011-2015 từ 16 tỷ USD lên 35 tỷ USD. Trung Quốc cũng mở rộng khoản vay trị giá 63 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi về điện, giao thông và các dự án khác trong cùng thời kỳ này.

Sự gia tăng về đầu tư và cho vay đối với châu Phi đã góp phần làm gia tăng số lượng người Trung Quốc đến lục địa này. Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy, từ năm 2011 - 2015, số lượng công dân Trung Quốc làm việc tại châu Phi tăng từ 180.000 lên 264.000 người, trong khi các ước tính không chính thức về tổng số công dân Trung Quốc ở châu Phi dao động từ 1 đến 2 triệu người. Trung Quốc cũng tiếp tục đóng góp lớn cho các nỗ lực gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc ở châu Phi - đặc biệt là ở Nam Sudan, nơi Bắc Kinh đang đầu tư hàng tỷ đô la vào lĩnh vực dầu mỏ.

Mục tiêu tăng cường sức mạnh hải quân

Khi lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong khu vực tăng lên, các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh đã đưa ra một nhiệm vụ cho quân đội của mình để bảo vệ những lợi ích đó. Không nơi nào được nêu rõ ràng hơn khu vực trên trong Sách trắng Trung Quốc về chiến lược quân sự năm 2015. Tài liệu này đã công bố chiến lược hải quân mới của Trung Quốc- được mệnh danh là 'phòng thủ biển gần, bảo vệ biển xa'. Nói tóm lại, Trung Quốc đã cho phép hải quân của mình một nhiệm vụ không chỉ để bảo vệ các tuyên bố lãnh thổ Trung Quốc đang đưa mà còn để 'bảo vệ an ninh các tuyến đường biển chiến lược và lợi ích tại nước ngoài'.

Việc thành lập căn cứ của Trung Quốc tại Djibouti- ngay rìa Bab-el-Mandeb - điểm rẽ quan trọng kết nối châu Á và châu Âu - cải thiện đáng kể năng lực của hải quân Trung Quốc để bảo vệ lợi ích ở nước ngoài của họ. Việc hoàn thành xây dựng các cơ sở bến tàu bên trong căn cứ có nghĩa là 10 năm sau khi bắt đầu các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden, hải quân Trung Quốc cuối cùng sẽ có một cơ sở an toàn trong khu vực để tiếp nhiên liệu và tiếp tế các tàu của mình.

Cơ sở của Trung Quốc ở Djibouti chắc chắn sẽ được sử dụng để bảo vệ tài sản và nhân viên Trung Quốc trên lục địa này. Hải quân Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch di tản không chiến đấu (NEO) trong khu vực tại Yemen vào năm 2015, nơi họ đã sơ tán hơn 500 công dân Trung Quốc và hơn 200 công dân nước ngoài ra khỏi con đường nguy hiểm tới Djibouti. Nếu Trung Quốc cần tiến hành các NEO trong tương lai, họ hiện có một cơ sở chuyên dụng để hỗ trợ những nỗ lực đó.

Nhiều công dân Trung Quốc ở châu Phi cũng đang sống và làm việc ở những nước phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố đáng kể, bao gồm Kenya, Somalia và Sudan. Vào năm 2015, Trung Quốc đã thông qua những luật lệ cung cấp một nền tảng pháp lý để thực hiện các hoạt động chống khủng bố ở nước ngoài. Trung Quốc hiện có đội ngũ thủy quân lục chiến ở Djibouti gần đây đã hoàn thành cuộc diễn tập bắn đạn thật lần thứ 4 vào giữa tháng 5, được chính phủ Trung Quốc mô tả như là một bài tập chống khủng bố. Với vị trí địa lí gần gũi của Djibouti với các quốc gia này, căn cứ của Trung Quốc có thể là nền tảng dàn dựng hữu ích cho bất kỳ hoạt động chống khủng bố PLA nào trong tương lai.

Với mục tiêu của Trung Quốc là có một lực lượng hải quân mang tầm quốc tế, căn cứ hải quân đầu tiên không thể là cơ sở cuối cùng của họ. Các nhà phân tích cả trong và ngoài Trung Quốc đang lập ra danh sách những nơi mà hải quân Trung Quốc có thể thiết lập các căn cứ ở nước ngoài trong tương lai. Ngay khi Trung Quốc triển khai các chương trình thí điểm cải cách kinh tế ở một số địa điểm hoặc với một số công ty trước khi thực hiện các cải cách như vậy trên toàn quốc, hải quân Trung Quốc có khả năng sẽ kết hợp các kinh nghiệm ở Djibouti về việc sử dụng cơ sở ở nước ngoài để bảo vệ công dân và tài sản ở nước ngoài.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ