(Tổ Quốc) - Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, ba đối tác khác của Mỹ là Arab Saudi, Qatar và Ấn Độ cũng đang bày tỏ mong muốn mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết triển khai hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định sẽ loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35. Mặc dù vậy, ngoài Thổ, ba đối tác khác của Mỹ là Arab Saudi, Qatar và Ấn Độ cũng đang xem xét hoặc đã đặt vấn đề mua S-400. Tạp chí chuyên về chính trị và quốc phòng Defense News nhận định, những quốc gia này cần phải cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra quyết định cuối cùng liên quan tới hệ thống tên lửa do Nga sản xuất.
Hồi tháng hai, hãng thông tấn Nga Tass đưa tin, Moscow và Arab Saudi đang "tổ chức thêm các phiên tư vấn về một hợp đồng" nhằm cung cấp cho Riyadh hệ thống S-400. Saudi và Mỹ từ lâu đã là những đồng minh an ninh thân cận, đặc biệt khi cả hai nước đều tìm cách đối phó với ảnh hưởng đang ngày càng lan rộng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, chính sách tại Yemen và vấn đề nhân quyền của Saudi, cũng như sự kiện nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Thổ Nhĩ Kỳ - đã khiến mối quan hệ Mỹ-Saudi bị ảnh hưởng đáng kể.
Nếu Riyadh tiếp tục "sát muối vào vết thương" bằng cách mua S-400, đó có thể sẽ là một bước ngoặt lớn trong quan hệ với Washington, đặc biệt là chính quyền Trump.
S-400 tiếp tục nhận được sự quan tâm từ nhiều đồng minh của Mỹ như Arab Saudi, Qatar và Ấn Độ (ảnh: getty)
Qatar cũng thể hiện sự quan tâm đối với hệ thống tên lửa tối tân của Nga khi tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại "tiến triển" với Moscow hồi đầu năm nay. Quốc gia Vùng Vịnh là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid – cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ cũng như trụ sở của Bộ Tư lệnh Trung ương không lực Mỹ tại Trung Đông, với sự có mặt của hơn 11.000 quân nhân Mỹ và các nước đồng minh. Theo Lầu Năm góc, căn cứ Al Udeid là địa điểm thiết lập chủ chốt cho hầu hết các chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng khủng bố IS trong khu vực.
Nếu Qatar mua S-400, Lầu Năm góc có thể quyết định sẽ không vận hành các máy bay F-35 từ Al Udeid. Nhà Trắng từng nhấn mạnh, "F-35 không thể cùng tồn tại với một nền tảng thu thập tình báo Nga mà sẽ được sử dụng để học hỏi các khả năng tối tân của nó [F-35]". Mẫu phi cơ chiến đấu thế hệ năm sẽ là xương sống cho không lực Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Do đó, Mỹ khó có thể chấp nhận bất kỳ nguy cơ nào từ Nga đối với loại máy bay quan trọng nhất của mình như F-35.
Việc không thể sử dụng toàn bộ công năng của Al Udeid sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tính hiệu quả cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại Trung Đông, cũng như làm giảm giá trị của căn cứ không quân đối với Lầu năm góc. Theo Defense News, trong trường hợp Qatar muốn "tận dụng" mối quan hệ đang tụt dốc giữa Mỹ với Saudi, đồng thời giành thêm nhiều thiện cảm từ Washington, quyết định mua S-400 sẽ là một lựa chọn thiếu sáng suốt. Qatar có thể coi căn cứ Al Udeid là một lợi thế, nhưng Washington vẫn còn những lựa chọn khác.
Trong khi đó, Ấn Độ đang ngày càng trở thành một đối tác quan trọng của Mỹ tại châu Á. Nền dân chủ lâu đời nhất thế giới và quốc gia đông dân hàng đầu thế giới chia sẻ nhiều lợi ích. Mối quan hệ song phương Mỹ và Ấn Độ có nhiều tiềm năng đóng góp lớn cho an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực và quốc tế trong thế kỷ 21. Đây là lý do mà Defense News cho rằng, hai quốc gia nên nhìn vào các cơ hội để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực thách thức chung, bao gồm Trung Quốc và chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, năm 2018, Ấn Độ đã đồng ý chi trả hơn 5 tỷ USD để mua 5 tổ hợp S-400 từ Nga. Chuyến giao hàng đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2023. Defense News đánh giá đây là một sai lầm về phía Ấn Độ. Nếu New Delhi mua S-400, đó sẽ là một "cái gai" lớn, khó dỡ bỏ trong quan hệ song phương Mỹ-Ấn; đồng thời phá hủy những bước tiến mà hai bên đã đạt được trong những năm gầy đây.
Trong cả ba quốc gia đề cập ở phía trên, mỗi nước đều có chủ quyền mua vũ khí từ bất kỳ bên cung cấp nào mà họ mong muốn. Tuy nhiên, trước khi thực hiện quyền đó, Riyadh, Doha và New Delhi nên nghiên cứu kỹ trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó cân nhắc các lợi ích cũng như cái giá phải trả để sở hữu hệ thống tên lửa do Nga sản xuất. Phản ứng của Washington và quyết định của chính quyền Trump gạt Ankara khỏi chương trình F-35 cho thấy, bất kỳ quốc gia nào cũng khó có thể đạt được một thỏa thuận S-400 với Nga mà không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội lưỡng đảng của Mỹ.
Theo tạp chí chính trị và quốc phòng, các nhà lãnh đạo của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa từ Washington sẽ coi các quyết định liên quan tới S-400 như một dấu hiệu về mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh mà một chính phủ muốn có với nước Mỹ trong những năm tới. Một lần nữa, trước khi mua S-400 từ Nga, các đối tác chủ chốt của Mỹ cần phải vô cùng thận trọng.