(Tổ Quốc) - Kể từ ngày 15/9 đến nay, Triều Tiên chưa có vụ thử tên lửa nào mới – đây có phải là dấu hiệu của sự nhượng bộ?
Năm 2017 chứng kiến căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ không ngừng leo thang với hàng loạt vũ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của quốc gia Châu Á. Các nhà lãnh đạo hai quốc gia liên tục “lời qua tiếng lại” dọa dẫm nhau, trong khi cộng đồng quốc tế tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt mới lên Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, sau khi phóng tên lửa Hwasong-12 qua Nhật Bản vào ngày 15/9 vừa qua, kể từ đó đến nay, Triều Tiên vẫn chưa tiến hành thêm bất kỳ vụ thử nghiệm nào. Đặc phái viên đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Joseph Yun từng dự đoán, việc này có thể là một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của mình.
Theo trang tin Vox, một vấn đề đặt ra là, việc quốc tế đang đặt quá nhiều chú ý vào “khoảng lặng” trên, có thể sẽ khiến một khả năng rắc rối hơn bị bỏ qua: Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa vào đầu năm sau – đúng dịp Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông Pyeong Chang 2018.
“Không có thời điểm nào tốt hơn cho Triều Tiên để thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 giai đoạn có sức công phá lớn hơn nữa, một quả bom hydrogen hoặc thậm chí là phát động một cuộc tấn công mạng nhắm vào Olympic,” Harry Kazianis, một chuyên gia về an ninh Châu Á tại Trung Quốc Lợi ích Quốc gia nhận định.
Ông Kazianis cũng lưu ý, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể dựa trên quy mô kho vũ khí của Triều Tiên để gây bất ngờ lớn trong thời gian 2 tuần diễn ra Olympic tại tỉnh Pyeongchang, Hàn Quốc – chỉ cách biên giới hai nước chưa đầy 100km.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng, việc Triều Tiên chưa có bất kỳ động tĩnh nào ở hiện tại, có thể bắt nguồn từ những lý do vô cùng bình thường, như thời tiết mùa đông của Triều Tiêu không thích hợp cho việc phóng thử tên lửa, hoặc binh lính Triều Tiên đang bận… thu hoạch lương thực vv.
Tất cả những điều trên cho thấy, quyết định không tiến hành thử nghiệm tên lửa trong những tuần gần đây không phải là tín hiệu về sự thay đổi thái độ của Bình Nhưỡng. Thay vào đó, đây có thể là khoảng thời gian mà Triều Tiên chuẩn bị cho một cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ.
Khoảng lặng trước bão tố
Sheena Greitens, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Missouri dự đoán. “Nếu Triều Tiên tuân theo vòng tuần hoàn thông thường, tôi cho rằng việc thử nghiệm sẽ diễn ra lại vào năm sau”.
Theo một thống kê của tạp chí Forbes, Triều Tiên thường dừng phóng thử tên lửa vào khoảng tháng Chín. Tuy nhiên, vào tháng 2/2018, toàn thế giới sẽ dõi theo bước chân các vận động viên hàng đầu thế giới tại Pyeongchang, và đây dường như là một cơ hội không thể tốt hơn để ông Kim Jong-un phô diễn sức mạnh của Triều Tiên.
Thống kê của tạp chí Forbes về các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên từ năm 2012 đến nay. Con số được đưa ra theo các quý từ 1 - 4 và cột cuối cùng là tổng số vụ thử |
“Nếu là tôi, tôi sẽ nói mọi người quan tâm đến Triều Tiên, phải để trống lịch của họ từ ngày 5 – 22/2 [thời gian Olympic Pyeongchang diễn ra],” ông Kazianis nói. “Tất cả điều này chỉ là khoảng lặng trước cơn bão”.
Tuy nhiên, Vox cảnh báo, vẫn có khả năng Triều Tiên phóng tên lửa trong thời gian còn lại của năm 2017. Ngày 20/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thêm nhiều lệnh cấm vận lên quốc gia Châu Á. Bình Nhưỡng rất có thể muốn có hành động đáp trả nhanh và mạnh mẽ nhất.
Triều Tiên hiện đang có những ưu tiên khác
Phóng thử tên lửa cần phải có điều kiện thời tiết tốt. Thậm chí chính NASA đôi khi còn hủy các vụ thử nghiệm vũ khí khi có bão xảy ra.
Đây chính là vấn đề cho Triều Tiên. Đất nước này thường phải trải qua thời tiết mùa đông cực kỳ khắc nghiệt với trời giá rét và gió dữ dội. Triều Tiên có đôi khi còn được gọi là “vùng đất băng giá”, và nhiệt độ có thể xuống sâu dưới 0 độ C. Trung bình số ngày tuyết rơi tại thủ đô Bình Nhưỡng là 37 ngày/năm. Vì vậy, tổ chức phóng tên lửa trong điều kiện thời tiết như vậy gần như là không thể.
Cùng lúc, mùa thu hoạch của Triều Tiên diễn ra vào 3 tháng cuối trong năm. Theo chuyên gia về chương trình tên lửa Triều Tiên của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury Jeffrey Lewis, thay vì chuẩn bị thử nghiệm vũ khí, thông thường quân đội Triều Tiên sẽ tỏa về các vùng nông thôn, giúp đỡ nhân dân trong các công việc đồng áng thường ngày.
Việc thu hoạch và phân phối lương thực trên toàn quốc không chỉ đòi hỏi sức người, mà còn cả nhiên liệu – tương đương với mức nhiên liệu được sử dụng để phóng tên lửa. Rõ ràng, dưới tác động của lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng từ Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu, kho nhiên liệu của Triều Tiên không hề “dư dả”. Do đó, có thể nói, vào mùa đông, ưu tiên của Triều Tiên là vận chuyển lương thực thay vì thử nghiệm tên lửa.
Ngoài ra, còn có một lý do nữa có thể giải thích cho việc tạm dừng các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, đó là quân đội nước này thường tiến hành huấn luyện vào mùa đông. Bloomberg dẫn lời chuyên gia an ninh Châu Á tại Đại học Victoria tại Wellington cho biết, việc chuẩn bị tập luyện đòi hỏi nhiều nguồn lực như tiền bạc và nhiên liệu… Các cuộc tập trận thường bắt đầu vào tháng Mười hai và có đôi khi kéo dài đến tận tháng Tư.
(Theo VOX)