(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ và ba nước châu Âu ngày 27/2 đã lên án Iran sau khi Liên hợp quốc nhận thấy Tehran vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Yemen.
Hoa Kỳ và ba nước châu Âu ngày 27/2 đã lên án Iran sau khi Liên hợp quốc nhận thấy Tehran vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Yemen bằng cách không ngăn tên lửa và máy bay không người lái của họ tới tay quân nổi dậy Houthi.
Theo AFP, Anh, Pháp, Đức và Mỹ kêu gọi Iran "ngay lập tức chấm dứt tất cả các hoạt động không phù hợp hoặc vi phạm" nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) về lệnh cấm vận vũ khí năm 2015.
Tuyên bố lên án chung này được đưa ra một ngày sau khi Nga bác bỏ một dự thảo nghị quyết do Anh soạn thảo nhằm tái áp đặt trừng phạt Yemen và chỉ ra "mối quan ngại đặc biệt" đối với những phát hiện về động thái của Iran tại Yemen.
Báo cáo của một nhóm các chuyên gia LHQ hồi tháng 1 xác định các tên lửa do Houthi bắn vào Saudi Arabia cuối năm ngoái là do Iran sản xuất.
Mỹ và châu Âu cho rằng tên lửa Houthi bắn tới Saudi Arabia là do Iran sản xuất. |
Tuy nhiên, Nga nghi ngại về những phát hiện này và đã phủ quyết dự thảo trên, nói rằng không có bằng chứng kết luận Iran vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ.
"Chúng tôi lên án sự không tuân thủ của Iran, theo điều Hội đồng mô tả là gây ra những nguy cơ nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định trong khu vực", tuyên bố chung của Mỹ và 3 nước châu Âu cho hay.
Cả bốn nước này đều ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với Iran.
Lá phiếu phủ quyết của Nga cho thấy sự thất bại của Hoa Kỳ khi nước này trước đó đã cố gắng xây dựng một lập trường cứng rắn hơn tại Hội đồng Bảo an đối với Iran về vai trò của nước này trong các cuộc xung đột khu vực và các vụ thử tên lửa.
Chính phủ Hoa Kỳ vẫn khẳng định Iran không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – văn bản Tổng thống Donald Trump chỉ trích là "tệ hại nhất từ trước đến nay".
Một liên minh do Saudi Arabia hậu thuẫn tham chiến tại Yemen từ năm 2015 để chống lại Houthi đã dẫn tới điều LHQ mô tả là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Trước phiên bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trên, HĐBA đã nghe Giám đốc Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) John Ging nói rằng điều kiện sống tại Yemen sau ba năm chiến tranh là "thảm khốc", cùng nhiều nguy cơ về nạn đói và dịch tả.