(Tổ Quốc) - Vượt lên xung đột nhiều năm nay, Israel và Lebanon đang gần đạt được một thỏa thuận có thể tăng sản xuất khí tự nhiên để hỗ trợ châu Âu đang thiếu năng lượng, theo tờ New York Times.
Các quan chức của hai nước này cho biết họ đang tiến gần đến việc giải quyết các tranh chấp kéo dài về biên giới biển – điều mở đường cho các công ty năng lượng khai thác nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn từ các mỏ ở Biển Địa Trung Hải.
Dù mức tăng sản lượng này chưa đủ để bù đắp cho lượng khí đốt châu Âu từng mua từ Nga, tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng dự đoán rằng một thỏa thuận giữa Israel và Lebanon sẽ tạo ra một động lực quan trọng thúc đẩy các nỗ lực sản xuất nhiều khí đốt hơn tại khu vực này.
Tận dụng nguồn khí đốt tại Địa Trung Hải
Trong 4 năm qua, sản xuất năng lượng ở phía đông Địa Trung Hải ngày càng tăng khi Israel, Ai Cập, Jordan và Síp hợp tác với nhau để tận dụng nguồn dầu và khí đốt bị chôn vùi dưới biển.
Charif Souki, chủ tịch điều hành Tellurian, một công ty khí tự nhiên hóa lỏng có trụ sở tại Houston, Mỹ cho biết: "Động thái trên là một bước đi rất quan trọng để khu vực này thể hiện vai trò của mình. Các bên cuối cùng đã nhận ra rằng hợp tác tốt hơn là liên tục bất đồng".
Các cuộc đàm phán giữa Israel và Lebanon sẽ ảnh hưởng trực tiếp nhất đến mỏ Karish, nơi khí đốt khai thác được sẽ tập trung phục vụ cho thị trường nội địa Israel và chuyển nguồn năng lượng từ các mỏ khác để xuất khẩu.
Israel hiện có nhiều khí tự nhiên đến mức đã trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng, đưa nhiên liệu cho các nước láng giềng như Jordan và Ai Cập. Một số lượng khí tự nhiên đó cũng đã được đưa đến châu Âu và các khu vực khác trên thế giới từ các bến xuất khẩu LNG ở Ai Cập.
Phía Mỹ cũng đã luôn khuyến khích sự phát triển của thương mại khí đốt trong khu vực này bằng cách hỗ trợ đàm phán thỏa thuận giữa các quốc gia lâu nay có quan hệ căng thẳng.
Và cuộc khủng hoảng Ukraine càng thúc đẩy thêm nỗ lực khai thác và sản xuất khí đốt tự nhiên do chi phí nhiên liệu tăng cao ở châu Âu, nơi các nước đang nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Chevron, công ty dầu khí lớn thứ hai của Mỹ và các đối tác Israel đang thảo luận về khả năng xây dựng một giàn LNG nổi ở mỏ khí Leviathan, mỏ lớn nhất của Israel. Các công ty liên quan dự kiến sẽ đưa ra quyết định về dự án này trong vài tháng tới.
Vượt lên nhiều rủi ro
Tuy nhiên, việc vận chuyển khí đốt ra khỏi khu vực này được cho là còn nhiều khó khăn. Các bến cảng xuất khẩu rất dễ bị tấn công khủng bố. Và, ngay cả khi an ninh được đảm bảo thì hệ thống vận chuyển – tiếp nhận khí đốt tự nhiên hiện tại ở khu vực này chưa thể xử lý một lượng lớn khí tự nhiên khi sản xuất gia tăng mạnh mẽ. Việc nâng cấp các hệ thống này có thể mất vài năm, nếu không muốn nói là lâu hơn, vì sự phản đối của các nhóm vận động vì môi trường và nhiều tổ chức xã hội khác.
Gal Luft, một cựu sĩ quan quân đội Israel, đồng giám đốc của Viện Phân tích An ninh Toàn cầu ở Washington, cho biết: "Cơ sở hạ tầng năng lượng ngoài khơi rất dễ biến động và dễ bị tổn thương. Cần phải quản lý được rủi ro."
Về mặt lý thuyết, vận chuyển khí đốt bằng đường ống sẽ dễ dàng hơn so với việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, việc xây dựng các đường ống dẫn đường dài rất tốn kém và khó khăn. Ví dụ, một cuộc xung đột kéo dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Síp và Hy Lạp, đã khiến việc xây dựng một đường ống dẫn từ Israel đến Nam Âu trở nên vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Và lúc này, ngay cả việc đạt được một thỏa thuận biên giới Israel-Lebanon cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Hezbollah đã đe dọa tấn công mỏ Karish và đã đưa máy bay không người lái không vũ trang đến đó vào tháng Bảy. Các quan chức Israel cho biết họ đã bắn rơi máy bay này.
Tuy nhiên, các quan chức Israel và Lebanon trong những ngày gần đây cho biết họ đang thúc đẩy các cuộc đàm phán và các quan chức từ chính quyền Biden đóng vai trò trung gian và hỗ trợ.
Thủ tướng Najib Mikati của Lebanon cho biết hôm thứ Năm tuần trước tại Liên Hợp Quốc rằng ông tự tin về việc đạt được một thỏa thuận với Israel. Ông nói: "Lebanon nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường năng lượng đầy hứa hẹn ở phía đông Địa Trung Hải đối với sự thịnh vượng của tất cả các quốc gia trong khu vực và cũng để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia cần nhập khẩu".
Trong bối cảnh quan hệ giữa Israel và các quốc gia như Ai Cập, Jordan và gần đây là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang được cải thiện, nhiều công ty dầu mỏ của Mỹ và phương Tây đã bày tỏ sự quan tâm đến phía đông Địa Trung Hải và một thỏa thuận giữa Israel và Lebanon có thể đẩy nhanh xu hướng đó.
Leslie Palti-Guzman, Giám đốc điều hành công ty tư vấn ngành năng lượng Gas Vista, cho biết: "Tôi nghĩ thỏa thuận này sẽ xoa dịu tâm trí của nhiều người. Các công ty chưa muốn đầu tư có thể được khuyến khích nhiều hơn để phát triển các dự án bổ sung".
Các mỏ khí đốt ở Địa Trung Hải là một trong số những nguồn cung cấp mới mà châu Âu sẽ cần khi nước này tìm kiếm sự thay thế lâu dài cho khí đốt của Nga.
Paddy Blewer, người phát ngôn của Energean, một công ty thăm dò có trụ sở tại London đang hy vọng vào việc khai thác khí đốt ở mỏ Karish, cho biết: "Đông Địa Trung Hải là một trong những lợi ích cận biên mà châu Âu phải xem xét."