(Tổ Quốc) - Các nhà ngoại giao phương Tây, cựu quan chức và chuyên gia Mỹ cho biết, khi Iran và các cường quốc trên thế giới chuẩn bị nối lại đàm phán vào tuần tới về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân, Mỹ và các đồng minh đang thảo luận về những lựa chọn "Kế hoạch B" nếu đàm phán sụp đổ.
Trong bối cảnh triển vọng đạt được đột phá trong cuộc đàm phán tại Vienna sắp tới dường như xa vời và Iran vẫn còn nhiều mâu thuẫn với các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc, các quan chức Mỹ và châu Âu phải đối mặt với một loạt lựa chọn cứng rắn, từ gia tăng các biện pháp trừng phạt cho đến khả năng hành động quân sự nếu chương trình hạt nhân của Iran phát ra những tín hiệu nguy hiểm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng trước cho biết Mỹ "sẵn sàng chuyển sang các lựa chọn khác" nếu các cuộc đàm phán thất bại và Israel cũng nói rõ rằng họ sẵn sàng hành động quân sự nếu cần thiết để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo nhiều nhà ngoại giao châu Âu, các cựu quan chức và chuyên gia Mỹ, các lựa chọn khả thi bao gồm: Thuyết phục Trung Quốc ngừng nhập khẩu dầu từ Iran; Tăng các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu bán dầu cho Trung Quốc; Theo đuổi một thỏa thuận hạt nhân tạm thời ít tham vọng hơn; Khởi động các hoạt động bí mật nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Iran; Ra lệnh tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran hoặc hỗ trợ hành động quân sự của Israel.
Nếu cuộc thảo luận ở Vienna thất bại, tình hình có thể sớm quay trở lại thời kỳ bế tắc căng thẳng giữa Mỹ và Iran trước thỏa thuận hạt nhân năm 2015, khi Israel nghiêm túc tính đến một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran còn Washington và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Tehran, các cựu quan chức Mỹ nói.
Iran "quay lưng" với đàm phán?
Tuy nhiên, chương trình hạt nhân của Iran đã hiện đại hơn nhiều so với 10 năm trước, điều khiến Washington không còn nhiều không gian để xoa dịu một cuộc khủng hoảng, các cựu quan chức Mỹ cho biết. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, Iran đã dự trữ được khoảng 40 pound uranium với độ tinh khiết 60%, tiến gần với mức 90% cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Eric Brewer, một cựu quan chức cấp cao của Mỹ từng làm việc về phổ biến vũ khí hạt nhân trong chính quyền Trump và Obama, cho biết: "Hiện tại chúng ta đang ở một thời điểm khác với năm 2010".
Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng có ít khả năng thương lượng hơn so với thời chính quyền Obama, khi khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không còn hấp dẫn nhiều với Iran. Thỏa thuận năm 2015 đã không mang lại sự thúc đẩy kinh tế mà Iran mong đợi và mối đe dọa gia tăng trừng phạt cũng không còn nhiều trọng lượng do ban lãnh đạo Iran tin rằng họ đang chống chọi với những điều tồi tệ nhất mà Mỹ từng mang tới.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Iran để đổi lại việc nước này tự hạn chế quá trình phát triển kho vũ khí hạt nhân. Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, tái áp dụng các biện pháp trừng phạt và thậm chí công bố hàng trăm biện pháp trừng phạt mới.
Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận nếu Iran quay trở lại tuân thủ các điều khoản hạt nhân và các cuộc đàm phán trong năm nay dường như đã đạt được một số tiến bộ. Nhưng các cuộc thảo luận đã dừng lại sau khi giáo sĩ cứng rắn Ebrahim Raisi được bầu làm tổng thống Iran vào tháng 6.
Các đại diện của chính quyền Iran mới đã nói rõ rằng họ không sẽ nhượng bộ và họ muốn có sự đảm bảo Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa. Iran cũng kêu gọi dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm cả những lệnh trừng phạt không liên quan đến chương trình hạt nhân.
"Người Iran không đàm phán để quay trở lại thỏa thuận. Họ muốn đàm phán lại thỏa thuận", một nhà ngoại giao châu Âu cho hay.
Theo quan điểm của Iran, thỏa thuận năm 2015 không còn phù hợp với họ, vì nhiều công ty nước ngoài đã chọn tránh xa thị trường Iran, bất chấp việc nhiều lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ. Và người Iran cho rằng việc họ tuân thủ thỏa thuận đã không mang lại điều gì khi Mỹ từ bỏ thỏa thuận vào năm 2018.
Nhắm mục tiêu các chuyến hàng dầu đến Trung Quốc
Nếu các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt, chính quyền Biden có thể tìm cách tránh tuyên bố các cuộc thảo luận đã kết thúc và thay vào đó để ngỏ cánh cửa cho các đề xuất khác, các nhà ngoại giao châu Âu và các cựu quan chức Mỹ cho biết. Có thể sẽ là một thỏa thuận tạm thời, trong đó mỗi bên sẽ đồng ý thực hiện một số bước đi khiêm tốn hoặc về cơ bản là đóng băng nguyên trạng tại chỗ trong khi chờ một thỏa thuận trong tương lai. Một yếu tố quan trọng của bất kỳ Kế hoạch B nào là "giữ cho cánh cửa đàm phán mở," Brewer nói.
Các nhà ngoại giao Mỹ sẽ muốn gửi đi thông tin với các đối tác Nga và Trung Quốc rằng Iran, không phải Mỹ, là bên chịu trách nhiệm về bất kỳ sự sụp đổ nào trong các cuộc đàm phán. Nếu Moscow và Bắc Kinh kết luận rằng Iran không linh hoạt, điều đó sẽ giúp Washington gây sức ép lên Iran, các cựu quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao châu Âu cho biết.
Mặc dù Trung Quốc đã đóng một vai trò mang tính xây dựng trong các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận năm 2015, nhưng không rõ liệu lần này Bắc Kinh có sẵn sàng ủng hộ lập trường của Mỹ hay không, đặc biệt là với lập trường cứng rắn hơn của Trung Quốc đối với Mỹ trong thời điểm hiện tại, các cựu quan chức cho biết.
Brian O'Toole, một thành viên của tổ chức tham vấn Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: Nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, chính quyền Biden sẽ tìm cách gia tăng sức ép lên Tehran, trong đó có khả năng bao gồm việc cắt giảm hoạt động bán dầu của Iran cho Trung Quốc. "Nếu các cuộc đàm phán thất bại, đó sẽ là một trong những điều đầu tiên họ (Mỹ-pv) sẽ xem xét"./.