• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kịch bản đáng lo ngại về tỷ lệ sinh ở Trung Quốc

Thế giới 02/12/2021 12:43

(Tổ Quốc) - Theo niên giám do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào cuối tháng 11, chỉ có 8,5 ca sinh trên 1.000 người ở Trung Quốc vào năm 2020.

Đó là mức thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập kể từ năm 1978 và đây cũng là tỷ lệ sinh thấp nhất từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tuyên bố thành lập vào năm 1949, theo dữ liệu chính thức.

Tỷ lệ sinh, hiện đã giảm xuống một con số, là dấu hiệu đáng lo ngại mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng dân số ngày càng trầm trọng của Trung Quốc, khi đất nước 1,4 tỷ dân này bắt đầu mất đi lợi thế dân số trẻ.

Dữ liệu điều tra dân số trong 10 năm qua của Trung Quốc cũng cho biết chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm ngoái, giảm 18% so với 14,65 triệu vào năm 2019.

Lộ trình suy giảm dân số đến sớm

Các nhà nhân khẩu học từ lâu đã dự đoán Trung Quốc sẽ bắt đầu suy giảm dân số trong những thập kỷ tới, tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại điều đó có thể đến sớm hơn nhiều so với dự kiến.

James Liang, Giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết: "Từ dự báo sơ bộ của chúng tôi dựa trên dữ liệu tạm thời, (vào năm 2021), rất có thể sẽ chỉ có dưới 10 triệu ca sinh. Và tất nhiên, với con số đó, tin tức lớn nhất sẽ là Trung Quốc có lẽ đang rơi vào tình trạng suy giảm dân số."

Kịch bản đáng lo của tỷ lệ sinh Trung Quốc - Ảnh 1.

Tốc độ giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang nhanh hơn dự đoán. Ảnh: SCMP.

Liang không phải là chuyên gia duy nhất đưa ra quan ngại. He Yafu, một nhà nhân khẩu học độc lập ở Quảng Châu, đã chia sẻ trên mạng xã hội vào tháng trước rằng "dân số Trung Quốc có khả năng tăng trưởng âm vào năm 2021".

Vào tháng 5, sau kết quả của cuộc điều tra dân số quốc gia, He dự đoán dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm vào năm 2022. "Nhưng bây giờ, tôi nghĩ rằng dự báo của tôi từ nửa năm trước là quá lạc quan", ông viết.

Giảm tỷ lệ sinh là một vấn đề mà nhiều quốc gia phải đối mặt, nhưng ở Trung Quốc, tỷ lệ giảm đặc biệt nghiêm trọng đến từ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của nước này.

Để ngăn chặn tỷ lệ sinh đang giảm, vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con. Nhưng sau một thời gian ngắn số ca sinh tăng nhanh vào năm 2016, tỷ lệ sinh trên toàn quốc lại bắt đầu giảm. Điều này khiến các nhà chức trách phải nới lỏng chính sách trong năm nay hơn nữa, cho phép sinh 3 con, dù một số chuyên gia tin rằng chính sách 3 con sẽ thay đổi cuộc chơi.

Và so với các quốc gia công nghiệp phát triển khác có tỷ lệ sinh tương tự, Trung Quốc, mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh, vẫn thua xa về GDP bình quân đầu người và có hệ thống phúc lợi xã hội tương đối yếu.

Năm ngoái, tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ ở mức 1,3, một trong những mức thấp nhất trên thế giới và thậm chí còn thấp hơn 1,34 ở Nhật Bản. Nhưng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/4 của Nhật Bản. Một số quốc gia có tỷ lệ sinh thấp hơn bao gồm Singapore (1,1) và Hàn Quốc (0,84).

Hệ lụy nặng nề tới kinh tế

Dân số già đi nhanh chóng và lực lượng lao động bị thu hẹp có thể khiến sự ổn định kinh tế và xã hội của Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Liang nói: "Tình hình này sẽ làm tổn hại đến tài chính của Trung Quốc, bởi vì bạn cần phải hỗ trợ nhiều người già hơn trong khi có ít người trẻ hơn. Và lo lắng lớn nhất là Trung Quốc sẽ mất lợi thế về quy mô nền kinh tế. Nước này đang là thị trường lớn nhất của hầu hết mọi thứ. Nước này có chuỗi cung ứng rất hiệu quả vì quy mô của mình. Và năng lực đổi mới có thể không sôi động khi bạn chỉ có một nửa thế hệ trẻ so với ngày nay".

Một xã hội đang già đi cũng gây áp lực to lớn lên thế hệ trẻ của đất nước, vốn đang ngày càng trì hoãn việc kết hôn hoặc thậm chí né tránh hoàn toàn. Năm ngoái, số đơn đăng ký kết hôn đã giảm năm thứ bảy liên tiếp xuống 8,1 triệu đơn, giảm 40% so với mức đỉnh vào năm 2013, theo niên giám của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, các chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn để giảm tỷ lệ sinh theo chính sách một con nhưng giờ đây, họ đang tung ra hàng loạt khẩu hiệu tuyên truyền và các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Các ưu đãi phổ biến bao gồm phát tiền mặt, trợ cấp bất động sản và kéo dài thời gian nghỉ thai sản.

Năm nay, hơn 20 chính quyền cấp tỉnh và khu vực đã sửa đổi luật kế hoạch hóa gia đình, bao gồm cả việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ. Ví dụ, tỉnh Chiết Giang hỗ trợ 188 ngày nghỉ thai sản cho người sinh con thứ ba; và ở tỉnh Thiểm Tây, nữ lao động có thể được nghỉ phép có lương tổng cộng 350 ngày khi sinh con thứ ba, theo truyền thông nước này.

Tuy nhiên, Liang cho biết chỉ dựa vào chính quyền địa phương là chưa đủ. Thay vào đó, chính phủ trung ương nên dành một tỷ lệ nhất định trong GDP của đất nước để trợ cấp tài chính cho các gia đình, dưới hình thức thanh toán bằng tiền mặt, ưu đãi thuế hoặc các phúc lợi an sinh xã hội khác.

Liang nói, một thay đổi chính sách cần thiết khác là tăng cường các trung tâm giữ trẻ ban ngày. Hiện tại, chỉ có 5% trẻ em Trung Quốc dưới 3 tuổi sử dụng dịch vụ nhà trẻ và chỉ 20% trong số đó do chính phủ điều hành, theo Tân Hoa xã.

Kịch bản lạc quan nhất đối với Trung Quốc là có mức sinh tương tự như châu Âu, vào khoảng 1,6 hoặc 1,7. "Nhưng điều đó rất khó. Bạn đang nói về việc chi 5% GDP (để khuyến khích sinh con), hoặc giải quyết vấn đề nhà ở và vấn đề giáo dục. Trên thực tế, duy trì tỷ lệ 1,3 cũng không phải là dễ dàng", chuyên gia Liang nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ