(Tổ Quốc) - Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman muốn thuyết phục các đồng minh Anh và Mỹ rằng những cuộc cải cách "gây sốc" của ông đang khiến Saudi tốt đẹp hơn.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với cương vị là người kế thừa ngai vàng, Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman muốn thuyết phục các đồng minh Anh và Mỹ rằng những cuộc cải cách "gây sốc" đang khiến nước này trở thành một nơi tốt hơn để đầu tư và thay đổi thành một xã hội khoan dung hơn.
Theo Reuters, đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn.
Hoàng tử Mohammed bin Salman, người sắp tới London vào thứ 4 tuần tới, đã nhận được sự ủng hộ của phương Tây khi ông tìm cách giúp Saudi giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, giải quyết nạn tham nhũng kinh niên và thay đổi một số cách hành xử của dòng Hồi giáo cực đoan theo chủ nghĩa Sunni.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và bí mật của chiến dịch chống tham nhũng vào tháng 11 năm ngoái đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.
Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đang muốn thuyết phục phương Tây tăng cường ủng hộ ông. (Nguồn: AFP) |
Mặc dù London và New York đang cạnh tranh để trở thành nơi công ty dầu mỏ Saudi Aramco niêm yết, sự nhiệt tình của một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây, thậm chí đối với một hợp đồng quan trọng như vậy đã bị phủ mờ bởi những lo ngại về nhân quyền và việc thiếu những hạn chế trong quyền lực hành pháp ở Saudi Arabia.
Jane Kinninmont, một chuyên gia về Trung Đông tại Chatham House, nói: "Các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi các dự án cải cách của Hoàng tử Mohammed, và sẽ có một số lượng lớn muốn lắng nghe quan điểm của ông ấy. Tuy nhiên, sự bất an vẫn còn tồn tại".
Thách thức cơ hội “khoe” hình ảnh Saudi
Rachel Reeves, người đứng đầu một ủy ban kinh doanh có ảnh hưởng tại quốc hội Anh, đã cảnh báo việc hạ thấp các quy tắc quản trị doanh nghiệp để thu hút Aramco – điều “đánh cược” danh tiếng của London như là một trung tâm tài chính toàn cầu. Điều này, bà nói, "cuối cùng có thể hủy hoại sức hấp dẫn của chúng ta đối với giới đầu tư nước ngoài."
Hoàng tử Mohammed đã lên tiếng bảo vệ chiến dịch chống tham nhũng hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp và các hoàng tử bị giam giữ, điều cần thiết với ông để chống lại "căn bệnh ung thư tham nhũng".
Hầu hết những người bị giam giữ đã được thả và các nhà chức trách nói rằng họ đã kiểm soát được hơn 100 tỷ USD tài sản.
Ông hoàng trẻ đầy tham vọng, chỉ mới 32 tuổi, chắc chắn sẽ lặp lại thông điệp của mình trong các cuộc thảo luận ở Anh với Thủ tướng Theresa May và với Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 19/3.
Tại Anh, hoàng tử Salman cũng sẽ gặp Nữ hoàng Elizabeth và ăn bữa tối với Hoàng tử Charles, người thừa kế ngai vàng tại Anh.
Và bất kỳ chuyến thăm nào đến Sở Giao dịch Chứng khoán London - và sau đó là Sở Giao dịch Chứng khoán New York - sẽ được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ với tiềm năng là Aramco có thể niêm yết vào cuối năm nay.
Các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Anh cũng là một cơ hội để thể hiện hình ảnh một Saudi Arabia khoan dung hơn, các nguồn tin thân cận với chuyến đi này nói với Reuters.
Theo những cải cách xã hội của Hoàng tử Salman, lệnh cấm phụ nữ đến rạp xem phim và lái xe đã được dỡ bỏ. Ông cũng cam kết sẽ thúc đẩy người dân Saudi có những hành xử Hồi giáo trung hòa.
Theo các nguồn tin của Anh và Saudi, các hợp đồng kinh doanh trong chuyến thăm có thể được thực hiện giữa Saudi với tập đoàn quốc phòng BAE Systems của Anh và nhà sản xuất vũ khí của châu Âu MBDA, và các thoả thuận ban đầu về thăm dò khai thác khí, hóa dầu và công nghiệp có thể được hoàn tất.
Trong một bài báo vào tuần trước, Ngoại trưởng Boris Johnson ca ngợi quan hệ an ninh với Saudi là "một trong những người bạn lâu năm nhất của nước Anh trong khu vực" và đánh giá cao cải cách của Hoàng tử Mohammed.
Tuy nhiên, các nhóm vận động xã hội và nhà lập pháp phe đối lập đã chỉ trích sự hỗ trợ của London đối với Saudi, đặc biệt là việc cấp phép cho thương vụ trị giá 4,6 tỷ bảng Anh (6,37 tỷ đô la) với Saudi Arabia dù xung đột Yemen vẫn đang tiếp diễn.
"Theresa May nên thông qua chuyến thăm này để thông báo rằng Anh sẽ không còn cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia khi những vụ đánh bom do Saudi dẫn đầu tại Yemen vẫn tiếp tục. Bà ấy cũng cần làm rõ sự phản đối mạnh mẽ của Anh đối với việc lạm dụng quyền con người và dân quyền ở Saudi Arabia", lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nói.
Kì vọng "chống lưng" từ ông Trump
Hoàng tử Mohammed sẽ đối thoại với Tổng thống Trump trước khi tới New York, Boston, Houston và San Francisco để gặp gỡ các doanh nghiệp trong bối cảnh ông tìm kiếm đầu tư và hỗ trợ chính trị từ đồng minh thân cận nhất của Riyadh lâu nay.
Một nguồn tin từ Washington cho biết, hàng chục CEO Saudi Arabia sẽ tháp tùng Hoàng tử để chào hàng các cơ hội đầu tư trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, giải trí và du lịch.
Một nguồn tin từ giới công nghiệp cho biết, các cuộc đàm phán sẽ bao gồm một đề xuất của Hoa Kỳ để xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân ở Saudi Arabia và một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự.
Riyadh muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, cho phép xuất khẩu nhiều dầu thô hơn là sử dụng để sản xuất điện. Dù vậy, trước đây họ đã từ chối kí bất kì thỏa thuận nào làm ảnh hướng tới khả năng làm giàu uranium.
Chương trình nghị sự chính ở Washington cũng sẽ có một động lực mới để chấm dứt căng thẳng giữa các nước Ảrập -đồng minh của Mỹ- trong việc cô lập Qatar về cáo buộc liên quan đến khủng bố.
Hoàng tử Salman cũng có thể sẽ nhắc lại với Washington và London về quan điểm của nước này rằng, Iran - đối thủ trong khu vực của họ, không đáng được tin tưởng về vấn đề hạt nhân.
Theo thỏa thuận đạt được với các cường quốc vào năm 2015, Tehran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ.