• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kịch tính liên minh Iran, Nga, Thổ “xoay vần” chiến trường Syria

Thế giới 03/04/2018 10:07

(Tổ Quốc) - Việc Washington sẽ rút khỏi Syria “rất sớm”  có thể sẽ giúp củng cố ảnh hưởng của Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông.

Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác để tạo ra một liên minh ba bên (mạnh mẽ nhưng có thể thiếu vững chắc) để giữ vững vị thế dẫn dắt tại Syria và cũng nhằm tận dụng việc các nước phương Tây đang miễn cưỡng trong việc tiếp tục tham chiến tại đây.

Theo AFP, nhà lãnh đạo của ba nước này, lâu nay được coi là các đối thủ khu vực chứ không phải các đồng minh chiến lược, sẽ họp tại Ankara vào thứ tư tuần này để tìm kiếm một lập trường thống nhất cho tình hình tiếp theo tại Syria.

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hướng đến thống nhất về tình hình Syria. (Nguồn: AFP)

Cuộc họp này – theo sau hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Tổng thống Hassan Rouhani của Iran ở Sochi vào tháng 11 năm ngoái, diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn sau khi tiến hành một cuộc tấn công chống lại lực lượng dân quân người Kurd ở Syria.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã báo hiệu rằng Washington sẽ rút khỏi Syria “rất sớm” - động thái có thể sẽ giúp củng cố ảnh hưởng của Ankara, Moscow và Tehran – những bên đang triển khai lực lượng quân sự tham gia vào cuộc chiến.

Ông Sinan Ulgen, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại và kinh tế ở Istanbul cho hay, ba nước đã trở thành những "bậc thầy" thực sự trên đất Syria.

Ulgen nói với AFP rằng, cả ba nước này đều "là các cường quốc khu vực sẵn sàng đầu tư các nguồn lực quân sự để gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến."

“Xây dựng đòn bẩy”

Năm ngoái, ba nước này đã khởi động một tiến trình hoà bình song song với các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc hậu thuẫn ở Geneva. Các cuộc hội đàm này, diễn ra tại Astana, đã được triệu tập nhiều lần mặc dù chưa có đột phá nào rõ ràng.

Elizabeth Teoman, một nhà phân tích người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Washington, cho biết: "Tiến trình Astana là một phương tiện thông qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đang tìm cách kiểm soát chiến tranh và bảo đảm các quyền lợi khác nhau của họ" .

Nga có sức mạnh không quân đáng kể ở Syria, trong khi Iran có một sự hiện diện mạnh mẽ trên mặt đất, một phần là thông qua các nhóm dân quân, bao gồm các tay súng chiến đấu nước ngoài.

Còn ông Erdogan cũng đã gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tung ra một cuộc tấn công nhằm kiểm soát những vùng lãnh thổ nằm trong tay Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) vào tháng Một.

Chiến dịch này đã thành công trong việc chiếm được pháo đài cũ của YPG là Afrin và ông Erdogan đã nhiều lần đe doạ sẽ tiến lên phía đông.

"Erdogan là một đối tác yếu hơn về lực lượng mặt đất và kiểm soát không phận, nhưng ông ấy đã xây dựng được nền tảng và đang chứng minh rằng ông có thể tạo ra những căn cứ trên mặt đất", Teoman nói.

Điều phối các cường quốc

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn hoài nghi về khả năng tồn tại lâu dài của liên minh giữa ba cường quốc này – trong lịch sử đã từng có xung đột và luôn cạnh tranh xây dựng ảnh hưởng ở khu vực Biển Đen.

Theo lý thuyết, họ vẫn còn nhiều khác biệt về cuộc xung đột - khi Moscow và Tehran ủng hộ quân đội Syria của Tổng thống Bashar al-Assad, cònThổ Nhĩ Kỳ liên tục kêu gọi ông Assad từ chức.

Trọng tâm của Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là ngăn chặn YPG kiểm soát một khu vực giáp biên giới có thể hình thành nên căn cứ của một khu tự trị kéo dài tại Syria – nối từ biên giới Iraq tới Địa Trung Hải.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói kịch bản trên sẽ là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Trong khi đó, Nga muốn chiến thắng tại Syria và không bị sa lầy bởi bất kỳ yếu tố nào – điều gợi nhớ lại cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan.

Còn ưu tiên của Iran là giành được ảnh hưởng chính trị lớn – điều tương tự như họ đã làm được tại Iraq.

"Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ một số lợi ích, nhưng những lợi ích này lại ảnh hưởng đến Iran và chính quyền Syria, vì vậy có thể thấy Moscow đang cố gắng điều phối ba đối tác không thực sự thân thiện với nhau", Aaron Stein, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Rafik Hariri về Trung Đông của Hội đồng Atlantic cho biết.

Liên minh thuận tiện

Những động thái xích lại từ Moscow và Ankara theo sau một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai bên vào năm 2015 khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay Nga tại Syria. Hai ông Putin và Erdogan sẽ gặp nhau trong một cuộc họp song phương ngày 3/4.

Trước đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận rằng Ankara không thể khởi động hoạt động chống lại YPG mà không có “đèn xanh” từ Moscow.

"Chúng tôi thậm chí không thể có một chiếc máy bay không người lái ở đó!" Cố vấn Ilnur Cevik của ông Erdogan nói với CNN Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể thấy, diễn biến quan hệ giữa Ankara và Moscow chưa bao giờ bằng phẳng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc tấn công của ông Assad – được Moscow hỗ trợ vào Đông Ghouta.

Trong khi đó, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có khả năng trở nên phức tạp hơn khi Ankara tỏ ra không thoải mái về thái độ của Tehran đối với người Kurd.

Tehran đã làm phật lòng Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách kêu gọi chấm dứt cuộc tấn công của Ankara tại Syria, trong khi Cevik cáo buộc Iran đang hợp tác với đảng Lao động Kurdistan (PKK) bất hợp pháp.

"Iran không muốn Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ", Cevik nói.

Jennifer Cafarella, một chuyên gia Syria tại ISW, mô tả quan hệ của Erdogan với Iran và Nga như là một "liên minh thuận tiện".

"Ông ấy (Erdogan) vẫn sẽ liên kết với họ miễn là ông ấy còn cho rằng cần phải theo đuổi mục tiêu chống lại YPG," bà Cafarella nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ