• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga hay bên nào “hưởng lợi” nhất nếu Mỹ rời Syria?

Thế giới 01/04/2018 16:13

(Tổ Quốc) - Bất ngờ tuyên bố sớm rút quân khỏi Syria, ông Trump có nghĩ đến bên nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ điều đó.

Hôm thứ Năm (29/3), Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ khi tuyên bố, Mỹ sẽ sớm rút quân khỏi Syria. Phát biểu của ông Trump đã làm dấy lên sự lo ngại rằng, rời bỏ Syria ở thời điểm hiện tại không chỉ ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ trong khu vực, mà nó còn gây ra leo thang căng thẳng cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 năm này.

“Chúng ta đã chiến thắng IS. Chúng ta sẽ sớm rút khỏi Syria, rất nhanh thôi”, ngài Tổng thống nói trước những người ủng hộ tại Cleveland. “Giờ đây hãy để người khác đảm nhận Syria”.

CNN dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm góc vẫn biết thêm bất kỳ chi tiết nào từ Nhà Trắng sau lời tuyên bố của ông Trump. Ngoài ra, họ cũng khẳng định, chính sách vẫn chưa thay đổi, và quân đội Mỹ vẫn đang tập trung vào cuộc chiến chống lại IS.

Một quan chức cấp cao khác nhận định, bất kỳ quyết định nào của người đứng đầu Nhà Trắng đưa Mỹ rời Syria, cũng sẽ đi ngược lại những đánh giá quân sự hiện tại; và điều này khiến nảy sinh các quan ngại về ảnh hưởng của việc rút quân.

Hiện Mỹ duy trì khoảng 2.000 lính tại Syria, và chủ yếu có nhiệm vụ hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong cuộc chiến chống lại IS. Mặc dù lực lượng này là sự tổng hợp của các tay súng người Arab và người Kurd, nhưng vai trò lãnh đạo chính vẫn thuộc về người Kurd.

Mong muốn của ông Trump được cho là cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhóm vũ trang đang được Mỹ “chống lưng” tại khu vực, đặc biệt là SDF; đồng thời “kích thích” các bên tham chiến khác như quân đội Syria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ… Những lực lượng này hiện đang kiếm chế việc tấn công các đồng minh của Mỹ tại Syria - chủ yếu là do e ngại Mỹ sẽ trả đũa.

“Lý do lớn để SDF vẫn hoạt động được là do các lực lượng khác không thể động tới họ,” David Adesnik, Giám đốc nghiên cứu tại Quỹ Bảo hộ các nền dân chủ, phân tích. “Không có sự ủng hỗ của Mỹ, họ sẽ hoạt động ra sao, và nếu họ cảm thấy mình đang ở thế yếu, liệu họ có phá bỏ thoả thuận với chính quyền hay không?”

Gần đây, sự có mặt của quân đội Mỹ đã ngăn cản những nỗ lực của Nga và Damascus, nhằm giành lấy các mỏ dầu và phần lãnh thổ khác hiện do SDF kiểm soát. Tuy nhiên, không có Mỹ, đồng nghĩa với việc không còn gì ngăn cản những lực lượng trên tiến hành tấn công lần nữa.

Tình huống tương tự cũng diễn ra tại Manbij và At Tanf, nơi binh lính Mỹ đang cản phá những cuộc tấn công quy mô lớn giữa các tay súng Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội chính phủ.

Mỹ cũng góp phần giúp SDF “dẹp yên” biên giới phía bắc với Iraq trong khi IS vẫn đang duy trì hiện diện tại khu vực này. Nhiệm vụ này đương nhiên sẽ trở nên khó khăn hơn nếu quân đội Mỹ rời đi.

Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ để lại nhiều sóng gió cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 năm tại đây?

IS “lợi dụng” sự ra đi của Mỹ?

CNN nhận định, nếu Mỹ rút khỏi Syria, những ảnh hưởng đã giúp phía đông Syria phần nào thoát khỏi những xung đột đầy máu và nước mắt, mà tây Syria đã trả qua – gần như là sẽ sụp đổ. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến một sự leo thang lớn trong xung đột.

Không nghi ngờ, tình huống trên nhiều khả năng sẽ được IS tận dụng. Hiện tại, lực lượng khủng bố vốn đã đang “hưởng lợi” từ những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin.

“Cuộc chiến tại phía tây Syria trong hai tháng qua, bao gồm cả ở Afrin, đã làm lệch hướng chiến dịch tiêu diệt IS, và đem lại cơ hội để IS tập hợp lại ở một số khu vực,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố vào cuối tuần qua.

Giới chức Mỹ gần đây cũng liên tục cảnh báo, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd tại Afrin từ hôm 20/1, có thể phá huỷ cuộc chiến chống IS. Nguyên nhân là do nhiều tay súng người Kurd đang cùng Mỹ chống khủng bố, bắt đầu quay sang “sát cánh” với đồng hương của mình trên chiến trường Afrin. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ coi đồng minh người Kurd của Mỹ là những kẻ khủng bố, và kiên quyết chối bỏ cáo buộc của Mỹ về những tác động tiêu cực của Thổ tới chiến dịch tiêu diệt IS.

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ngồi chờ hưởng lợi?

Sự liên quan của cả quân lính Mỹ và Nga tại Syria đã làm phức tạp hoá cuộc xung đột tại đây. Hai nước đã duy trì những kênh liên lạc “giảm xung đột” nhằm tránh đụng độ trực tiếp, nhưng chúng cũng không thể ngăn cản tất cả các xung đột xảy ra.

Sự rút lui của Mỹ sẽ tạo ra một khoảng trống – tương tự như tình hình tại Iraq; và hầu hết các chuyên gia quốc tế đều đồng ý rằng, vị trí bỏ trống sẽ nhanh chóng được Nga thay thế.

Angela Stent, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown phân tích, “nếu Mỹ rời đi, dường như Nga sẽ rảnh tay hơn” tại Syria và các lực lượng “chống lại [Tổng thống Syria] Assad sẽ trở nên yếu thế hơn”.

“Tôi tự hỏi liệu Tổng thống Trump có nghĩ đến điều đó khi ông đưa ra tuyên bố trên hay không,” bà Stent nói. Không có Mỹ, Nga sẽ trở thành “thế lực trung gian chủ yếu” tại khu vực này”.

Ngoài ra, theo bà Stent, việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ tạo thuận lợi cho Iran - quốc gia hiện đang “sát cánh” với Nga tại Syria.

Nếu Mỹ quyết định từ bỏ căn cứ tại At Tanf, đông nam Syria, Iran sẽ có thể kiểm soát được tuyến đường bộ từ Damascus tới Tehran; từ đó gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Chuyên gia Adesnik cảnh báo, trong khi ông Trump vẫn kêu gọi một chính sách cứng rắn hơn với Iran, nước Mỹ sẽ tự ném đá vào chân mình khi rút quân khỏi Syria.

Cùng với Nga, Iran và chính phủ Syria có thể sẽ có được các lợi ích kinh tế từ việc giành lại các mỏ dầu - hiện vẫn đang do các đồng minh của Mỹ nắm giữ. Adesnik cho biết, kể từ khi cuộc chiến Syria nổ ra, Damascus đã mất đi 90% sản lượng dầu mỏ của mình. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ