• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiến trúc cổ 20.000 năm tuổi được xây bằng xương voi ma mút làm choáng váng các nhà khoa học

Khám phá 19/03/2020 07:15

(Tổ Quốc) - Kiến trúc bí ẩn này giúp các nhà khảo cổ hiểu rõ hơn cuộc sống của con người vào thời kỳ lạnh lẽo đỉnh điểm của Kỷ Băng Hà.

Những người săn bắn hái lượm từ thời kỳ Băng Hà bằng cách nào đó đã làm nên một công trình xây dựng đáng chú ý – một cấu trúc hình tròn, rộng khoảng 40 foot (khoảng 12m) được làm từ hộp sọ, xương và ngà của hơn 60 con voi ma mút. Thế nhưng tác dụng của công trình này là gì vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khảo cổ.

Được phát hiện tại một địa điểm khảo cổ ở nước Nga có tên Kostenski 11, nằm cách 300 dặm (hơn 480 km) về phía Nam Moscow, phương pháp xác định phóng xạ carbon cho thấy công trình này có niên đại hơn 20.000 đến 25.000 năm tuổi – có lẽ là công trình hình tròn lâu đời nhất được con người xây dựng trong khu vực này. Nghiên cứu về công trình này được công bố trong tạp chí Antiquity đăng tải vào thứ Ba vừa qua.

Kiến trúc cổ 20.000 năm tuổi được xây bằng xương voi ma mút làm choáng váng các nhà khoa học - Ảnh 1.

Xương voi ma mút cùng các loại thú được xếp thành một vòng tròn trong khu vực này.

Việc phân loại chi tiết cho thấy có 51 xương hàm dưới và 64 hộp sọ voi ma mút được sử dụng để xây dựng nên kiến trúc bất thường này. Bên cạnh hộp sọ voi ma mút, các nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều xương tuần lộc, ngựa, gấu, chó sói và cáo trong khu vực này.

Trước đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều kiến trúc tương tự như vậy, nhưng có kích thước nhỏ, do vậy họ thường kết luận rằng, chúng được sử dụng để làm nhà ở trong mùa đông. Nhưng vòng tròn mới phát hiện quá rộng để có thể làm được mái cho nó, vì vậy rất có thể nó được sử dụng cho mục đích khác.

Kiến trúc cổ 20.000 năm tuổi được xây bằng xương voi ma mút làm choáng váng các nhà khoa học - Ảnh 2.

Các lớp đá cho thấy dấu hiệu của việc đốt lửa tại khu vực này.

Nhóm nghiên cứu cho rằng rất có thể những người săn bắn hái lượm đã xẻ thịt các con voi ma mút tại địa điểm này và sau đó lưu trữ thịt cùng mỡ trong lớp băng vĩnh cửu gần đó như trong một chiếc tủ lạnh tự nhiên.

Dấu vết của than củi cũng được tìm thấy trong vòng tròn này, khiến các nhà khoa học kết luận rằng con người đã đốt gỗ cũng như xương để làm nhiên liệu. Bên cạnh gỗ, các nhà khoa học cũng tìm thấy 50 hạt giống cây bị đốt thành than trong khu vực này.

Kiến trúc cổ 20.000 năm tuổi được xây bằng xương voi ma mút làm choáng váng các nhà khoa học - Ảnh 3.

Nhóm nghiên cứu khai quật khu vực Kostenski 11

Tiến sĩ Alexander Pryor, nhà khảo cổ của Đại học Exeter và là tác giả của nghiên cứu cho biết: "Kostenski 11 đại diện cho một ví dụ hiếm hoi về những người săn bắn hái lượm Palaeolithic sống tại môi trường khắc nghiệt này. Điều gì đã đưa những người săn bắn hái lượm cổ đại tới nơi này? Một khả năng là voi ma mút và con người đã đồng loạt đến khu vực này bởi vì nó có con suối tự nhiên có thể cung cấp nguồn nước không bị đóng băng trong suốt mùa đông – một điều hiếm có trong giai đoạn cực lạnh này."

"Các phát hiện này làm rõ hơn mục đích của những khu vực bí ẩn này", ông Pryor nói. "Khảo cổ học đang cho chúng ta thấy rõ hơn về cách tổ tiên của mình sống sót như thế nào trong môi trường khắc nghiệt và lạnh lẽo khi đang ở đỉnh điểm của cuối kỷ Băng Hà. Phần lớn những địa điểm tương tự khác có cùng vĩ độ ở châu Âu đã bị bỏ rơi vào thời điểm này, nhưng nhóm người này đã tìm được cách thích nghi để có được đồ ăn, chỗ ở và nước tại đây."

Tham khảo CNET

Nguyễn Hải

NỔI BẬT TRANG CHỦ