• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh nghiệm phòng chống xâm phạm bản quyền trên môi trường số

Văn hoá 11/10/2018 08:40

(Tổ Quốc) - Trong xã hội toàn cầu, khi các quốc gia đã thực hiện kết nối chung vào mạng lưới thông tin toàn cầu thì việc bảo vệ, phòng chống xâm phạm bản quyền là một trong những vấn đề khiến các chủ thể bản quyền đau đầu tìm các biện pháp ngăn chặn.

Việc xâm phạm bản quyền diễn ra hàng ngày, hàng giờ, xảy ra trên nhiều môi trường với mức độ ngày càng tinh vi và phức tạp, với quy mô ngày càng rộng. Trong quá trình hội nhập, cũng giống như Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải nghiên cứu các biện pháp phòng chống, xử lý, ngăn chặn xâm phạm bản quyền.

Ở các quốc gia khác nhau, trong những môi trường khác nhau, sự xâm phạm bản quyền cũng khác nhau, tuy nhiên đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông, các tổ chức thực hiện việc truyền phát chương trình, thông tin, nội dung trên môi trường mạng Internet cũng thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu các biện pháp phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền và cách thức phòng chống, xử lý vi phạm của các quốc gia này là những thông tin tham khảo hữu ích dành cho các tổ chức, đơn vị truyền thông tại Việt Nam.

Kinh nghiệm phòng chống xâm phạm bản quyền trên môi trường số - Ảnh 1.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thực hiện tháng 9/2018 thì xem thể thao trên mạng Internet đang là một xu hướng. So sánh tỉ lệ sử dụng mạng xã hội để xem các sự kiện thể thao tại Toàn cầu so với Thái Lan và Việt Nam cho thấy, từ năm 2016- Quý IV/2017 đến Quý I/2018, số liệu thu được là: Toàn cầu từ 27%-29%-32%; Thái Lan và Việt Nam: 15%-18%-19% (Nguồn: Global/WebIndex Q4/2017-Q1/2018). Và tỉ lệ khán giả theo dõi giải Ngoại hạng Anh: 35% xem trên TV và 26% xem trên Internet.Những xu hướng mới và thách thức xâm phạm bản quyền mới gồm: vi phạm trực tiếp và nhiều trường hợp vẫn trong tình trạng tranh cãi, chưa có kết luận.

Trước thực trạng này, với một số tổ chức, đơn vị như Youtube, Facebook đã sử dụng những biện pháp xử lý vi phạm bản quyền. Với cơ chế và quy trình xử lý vi phạm 4 bước: Sau khi nhận được báo cáo vi phạm, các đơn vị này sẽ gỡ bỏ những nội dung vi phạm, Thông báo cho chủ nhân/chủ thể chương trình và cho phép các kháng nghị đối với những nội dung bị gỡ bỏ.

Để phát hiện những vi phạm về bản quyền, những công cụ được sử dụng như: Đánh dấu nội dung có thể có dấu hiệu vi phạm bản quyền (Flag); Quét các video đang upload, dừng upload nội dung nếu phát hiện trùng lắp với nội dung đã được đăng ký bảo vệ bản quyền (Audible Magic); Thư viện lưu trữ những nội dung người dùng muốn được bảo vệ bản quyền (Rights Manager); Và quét nội dung video và so sánh với các nội dung có trong cơ sở dữ liệu bảo vệ bản quyền (Scan). Trong quá trình phát hiện những vi phạm, cũng có những trường hợp ngoại lệ, cho phép người dùng sử dụng sản phẩm có bản quyền mà không cần xin phép như: sử dụng sản phẩm không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng tài liệu từ các tác phẩm chủ yếu mang tính thực tế, sử dụng một phần nhỏ tác phẩm mà không ảnh hưởng đến khả năng hưởng lợi từ tác phẩm gốc của chủ sở hữu bản quyền.

Kinh nghiệm phòng chống xâm phạm bản quyền trên môi trường số - Ảnh 2.

SBS- một trong 3 đài phát thanh truyền hình lớn nhất tại Hàn Quốc

Tại Việt Nam, một số biện pháp phòng chống, ngăn chặn xâm phạm bản quyền được khuyến nghị như cần sử dụng công nghệ để phát hiện và xử lý vi phạm, ứng dụng rộng rãi hơn, gắn với trách nhiệm của các nền tảng cung cấp hạ tầng; tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp ISP: cho phép chặn, gỡ các nội dung vi phạm, sử dụng khoảng trống pháp lý và vai trò tòa án trong khiếu kiện về xử lý của ISP. Chặn các dòng tiền quảng cáo, các hiệp hội, tổ chức công khai danh sách các website vi phạm và thông tin tới các đại lý quảng cáo, đồng thời đưa vào danh sách đen, bêu tên các doanh nghiệp cố tình quảng cáo trên các website vi phạm bản quyền trong danh sách đen, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm…

Để xử lý và bảo vệ bản quyền, K+ có đưa ra các kinh nghiệm như xử lý các trang báo điện tử Việt Nam đăng tải các link và cách để xem các trận đấu thể thao bất hợp pháp, xử lý các kênh/tài khoản phát trực tiếp (live stream) vi phạm trên các hạ tầng mạng xã hội và các đường link bất hợp pháp phát trên các công cụ tìm kiếm; xử lý với các nhà cung cấp hosting nước ngoài cung cấp các nội dung vi phạm bản quyền. Giải quyết các vấn đề phức tạp thông qua các Liên minh bảo vệ nội dung tại khu vực và toàn cầu. Tiến hành các thủ tục tố tụng pháp lý trong từng trường hợp (theo kinh nghiệm xử lý từ trường hợp vi phạm ở châu Phi). Hoặc đấu tranh cho khung pháp lý phù hợp nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (nhìn từ trường hợp xử lý vi phạm bản quyền của Pháp). Một kinh nghiệm cốt lõi trong việc xử lý vi phạm bản quyền chính là hợp tác để cùng xử lý, cần sự chung tay của các cơ quan công quyền, các biện pháp thực thi pháp luật, hợp tác của các tổ chức phát sóng, các chủ sở hữu quyền, các liên minh ngành và các cơ quan trung gian.

Với SBS Contents Hub ở Hàn Quốc, kinh nghiệm ứng phó trong chiến lược quản lý bản quyền trước những thách thức về vi phạm bản quyền được tập trung vào các giải pháp kỹ thuật với các chiến lược hệ thống hóa toàn cầu, chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế và chiến lược hợp tác phối kết hợp với các chủ thể quyền, các đơn vị liên quan và doanh nghiệp bản địa. Để ngăn chặn vi phạm bản quyền trên các phương tiện truyền thông và Internet, các đài truyền hình trực thuộc SBS đã phối kết hợp để xây dựng một hệ thống hỗ trợ liên quan đến việc phát hiện và ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, dựa trên phát triển các công cụ tìm kiếm.

Kinh nghiệm phòng chống xâm phạm bản quyền trên môi trường số - Ảnh 3.

Năm 2010, SBS đã áp dụng công cụ lọc - chiết xuất AND, từ năm 2012-2014, áp dụng cơ chế đăng ký nhận diện trang web.

Kinh nghiệm phòng chống xâm phạm bản quyền trên môi trường số - Ảnh 4.

Nhờ hệ thống kỹ thuật này, SBS đã bảo vệ được bản quyền nhiều chương trình của Đài

Trong vòng 10 phút sau khi phát sóng nội dung trên các phương tiện, sử dụng công cụ lọc DNA để phát hiện những nội dung vi phạm và phát cảnh báo về vi phạm bản quyền và thực hiện gỡ bỏ. So sánh về hiệu quả của các giải pháp xử lý vi phạm trên Internet đối với kênh Youtube cho thấy, với các công cụ lọc, phát hiện vi phạm thì hiện nay việc sử dụng công cụ DNA để lọc mang lại hiệu quả cao nhất, phát hiện và xóa bỏ được 200.000 trường hợp (81,3%) so với các giải pháp khác như đánh dấu bản quyền chương trình chỉ có 8.000 (3,3%), và các kỹ thuật viên trực tiếp xử lý 38.000 (15,4%) (số liệu từ tháng 3-11/2016).

Có thể nói đối với các loại hình vi phạm bản quyền như hiện nay thì việc quản lý bản quyền cũng như sử dụng các biện pháp xử lý là không hề dễ dàng. Vì vậy cần phải có sự chung tay của tất cả các cơ quan, các tổ chức chứng thực bản quyền… để bảo vệ bản quyền của các chủ thể phát sóng, nhất là trong thời gian tới, có thể tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền trên phạm vi toàn thế giới.

Võ Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ