• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh: Ngành dịch vụ gặp khó khăn nhất

Thế giới 06/04/2022 19:40

(Tổ Quốc) - Thành phố Thượng Hải và một số khu vực khác của Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đi lại trong suốt kỳ nghỉ lễ dài vào đầu tháng Tư vừa qua.

Doanh thu du lịch giảm 1/3 so với trước đại dịch

Theo CNBC, các động thái trên đã khiến cho doanh thu trong lĩnh vực du lịch của Trung Quốc giảm 1/3 so với trước đại dịch.

Kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng ngành dịch vụ gặp khó khăn nhất - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Theo hãng CNBC, khi chính phủ Trung Quốc đang phải đối phó với làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng thì chi tiêu tiêu dùng trên cả nước cũng giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ khi đại dịch lần đầu bùng lên 2 năm trước.

Các biện pháp hạn chế hay lệnh phong tỏa tại một số tỉnh hay thành phố của Trung Quốc đã hạn chế việc đi lại của người dân trong kỳ nghỉ dài ngày hồi đầu tháng Tư (từ ngày 3-5/4).

Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, mức chi tiêu cho du lịch nước này mới phục hồi 1/3 (khoảng 39,2%) so với trước đại dịch (năm 2019). Tốc độ này được đánh giá là chậm hơn nhiều so với thời điểm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hồi đầu năm nay.

Trong hơn ba tuần qua, số ca mắc Covid-19 có triệu chứng ở Trung Quốc đã lên tới 1000 ca trong ngày và xuất hiện ở nhiều khu vực trên cả nước. Số ca mắc không triệu chứng cao hơn rất nhiều. Thành phố Thượng Hải là một trong số các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước làn sóng biến thể Omicron siêu lây nhiễm. Thành phố này dự kiến chuẩn bị kết thúc 2 giai đoạn phong tỏa vào thứ Ba tuần tới nhưng các biện pháp hạn chế có thể sẽ tiếp tục được áp dụng trong thời gian tiếp theo.

Theo CNBC, ước tính khoảng 193 triệu người dân ở Trung Quốc đang sống trong tình trạng phong tỏa hoàn toàn hoặc chịu một số hạn chế. Những khu vực này đóng góp 22% tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

"Chiến lược 0-Covid của Trung Quốc có thể cứu sống nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi. Tuy nhiên, việc duy trì chiến lược này không chỉ làm thiệt hại kinh tế mà còn khiến nhiều bệnh nhân mắc bệnh khác ngoài Covid-19 không thể được tiếp cận điều kiện y tế tốt", ông Ting Lu – Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Nomura cho biết.

Ông Ting Lu cũng nhấn mạnh, nhiều người từng tin rằng dịch bệnh Covid-19 sẽ kết thúc vào mùa hè năm ngoái nhưng đến hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể chấm dứt đại dịch. Điều đó làm gia tăng lo lắng về một tương lai không chắc chắn về dịch bệnh và ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động đầu tư.

Ngành dịch vụ gặp khó khăn

Hiện tại, số ca mắc và tử vong do dịch bệnh Covid-19 ở đại lục Trung Quốc vẫn thấp hơn so với các nước khác. Các nhà máy lớn trong nước vẫn có thể duy trì sản xuất và tiếp tục giữ nhân viên ở lại. Và khó khăn nhất vẫn là ngành dịch vụ.

Mặc dù đã đóng cửa hơn hai tuần nhưng khu nghỉ dưỡng Disney Thượng Hải ngày 6/4 cho biết, các công viên giải trí và khách sạn vẫn chưa biết đến khi nào mới được mở cửa trở lại.

Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, doanh thu du lịch trong kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày đầu tháng Tư đã giảm 30,9% (ước tính khoảng 2,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng khách du lịch cũng giảm 26,2% (75,4 triệu lượt) so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 68% so với mức trước đại dịch. Theo trang web du lịch Trip.com, những du khách muốn đi du lịch trong kỳ nghỉ thường lựa chọn các danh lam thắng cảnh gần nơi sinh sống hoặc đến vùng nông thôn.

Thêm vào đó, cho dù xu hướng mua sắm trực tuyến đang thịnh hành ở Trung Quốc nhưng đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến quá trình giao hàng. Số lượng các kiện hàng được nhận và giao trong kỳ nghỉ lễ đã giảm khoảng 13% so với một năm trước. Các nhà kinh tế cho rằng có thể là do nhu cầu  của người tiêu dùng giảm hoặc lý do chậm trễ ở khâu hậu cần khiến xu hướng mua sắm này giảm ở Trung Quốc trong thời gian qua.

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Caixin, thước đo các điều kiện thị trường ngày 6/4 cho biết các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này đã giảm xuống trong tháng Ba.

"Nhiều doanh nghiệp cho rằng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 chặt chẽ hơn đã gây ra gián đoạn hoạt động và ảnh hưởng đến nhu cầu khách hàng vào tháng Ba", đại diện của Caixin cho biết trong một thông cáo. Trong tháng thứ 3 liên tiếp, dữ liệu cho thấy các công ty dịch vụ không còn muốn thuê thêm nhân viên.

Nhìn chung, các doanh nghiệp dịch vụ vẫn lạc quan về tốc độ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, thông cáo của Caixin cho rằng mức độ lạc quan đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2020 trong bối cảnh lo ngại về hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lâu hơn từ đại dịch và căng thẳng ở Ukraine./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ