(Tổ Quốc) - Theo Copernicus, nắng nóng bất thường chưa từng có đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao trong giai đoạn từ tháng 1-11/2024. Năm 2024 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi có số liệu thống kê.
Hãng AP dẫn tin từ Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của EU cho biết tháng 11/2024 được xếp là tháng nóng thứ hai được ghi nhận sau tháng 11/2023. Điều này gần như chắc chắn năm 2024 sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Năm ngoái là năm nóng nhất trong lịch sử do biến đổi khí hậu, kết hợp với tác động của hiện tượng El Nino. Nhưng sau khi mùa hè được ghi nhận là nóng nhất trong lịch sử thì thành phố Phoenix ở tiểu bang Arizona nằm phía Tây Nam Mỹ đã trải qua 113 ngày liên tiếp với nhiệt độ cao khoảng 100 độ F (37,7 độ C). Các nhà khoa học dự đoán năm 2024 cũng sẽ lập kỷ lục hàng năm mới.
Vào tháng 11 năm nay, nhiệt độ toàn cầu trung bình là 14,10 độ C (57,38 độ F). Nhiệt độ trung bình toàn cầu của năm ngoái là 14,98 độ C (59 độ F). Tính đến tháng 11/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu của năm nay cao hơn 0,14 độ C (32 độ F) so với cùng kỳ năm ngoái.
Jennifer Francis, nhà khoa học về khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell ở Cape Cod, người không tham gia vào báo cáo, cho biết câu chuyện khí hậu về tháng 11 "giống như năm 2023, nhiệt độ trong tháng này đã vượt xa các tháng 11 trong những năm trước đó".
Báo cáo cũng ghi nhận đây là những con số thống kê cho thấy, có thể năm nay là năm dương lịch đầu tiên mà nhiệt độ trung bình cao hơn 1,5 độ C (2,7 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015 đã nêu rõ hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và lý tưởng nhất là dưới 1,5.
Thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến toàn thế giới vào năm 2024, bao gồm hạn hán nghiêm trọng ở Italia và Nam Mỹ; lũ lụt gây thương vong ở Nepal, Sudan và châu Âu; đợt nắng nóng ở Mexico, Mali và Saudi Arabia khiến hàng nghìn người thiệt mạng và các trận siêu bão thảm khốc xảy ra ở Mỹ và Philippines cũng như một số nước khác.
Các nghiên cứu khoa học khẳng định, tất cả các thảm họa này đều do con người tạo ra.
Thúc đẩy hành động vì biến đổi khí hậu
Trong những năm tiếp theo, các nhà khoa học hàng đầu thế giới cho biết việc hạn chế ở mức 1,5 độ C là rất quan trọng để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn nếu các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên thì sức tàn phá sẽ ngày càng gia tăng. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt tự nhiên.
Điều đó "không có nghĩa là Thỏa thuận Paris đã bị vi phạm, nhưng đây là lời nhắc nhở đối với chúng ta phải thúc đẩy hành động khí hậu cấp bách hơn bao giờ hết", Phó giám đốc Copernicus Samantha Burgess cho biết trong một thông cáo báo chí.
Bà Francis khẳng định những kỷ lục mới là "tin tức khủng khiếp đối với con người và hệ sinh thái".
"Tốc độ nóng lên quá nhanh khiến thực vật và động vật không thể thích nghi như chúng vẫn thường thấy trong những thay đổi về khí hậu Trái đất trước đây. Nhiều loài sẽ tuyệt chủng, phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên. Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng khi các loài thụ phấn suy giảm và sâu bệnh phát triển mạnh", bà cho biết, đồng thời cảnh báo rằng các cộng đồng ven biển sẽ dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng.
Các chuyên gia nhấn mạnh các đợt nắng nóng trên đại dương và sự mất đi lớp băng biển phản chiếu cùng lớp tuyết phủ có thể đã góp phần làm tăng nhiệt độ trong năm nay.
Cơ quan Copernicus nhận định tỷ lệ băng biển ở Nam Cực vào tháng 11 thấp hơn 10% so với mức trung bình và đây là một kỷ lục. Các đại dương đang hấp thụ khoảng 90% nhiệt lượng bị giữ lại bởi khí nhà kính, sau đó giải phóng nhiệt và hơi nước trở lại khí quyển.
Nhiệt độ kỷ lục vào năm ngoái, một phần là do hiện tượng El Nino đã làm thay đổi kiểu thời tiết trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện tượng này đã kết thúc vào đầu năm nay và hiệu ứng làm mát thường xảy ra sau đó, được gọi là La Nina, đã không xảy ra, khiến cộng đồng khoa học "có chút bối rối về những gì đang diễn ra ở đây. Tại sao nhiệt độ vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay", Jonathan Overpeck, một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Michigan cho biết.
Ông Overpeck giải thích hiện tượng El Nino giải phóng nhiều nhiệt hơn vào khí quyển do nước biển ấm hơn, tuy nhiên, hành tinh không có hiệu ứng làm mát thường thấy trong nhiều thập kỷ để nhiệt độ giảm xuống. Vì vậy, có vẻ như điều này có thể góp phần vào việc đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu.
"Nhưng năm nay đánh dấu bước nhảy vọt lớn tiếp theo một bước nhảy vọt khác, và đó là điều đáng sợ", nhà khoa học Overpeck nói./.