• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018): Bác Hồ với việc học ngoại ngữ

17/05/2018 07:00

(Cinet)- Trong mọi thời đại, ngoại ngữ vừa là một công cụ, vừa là một chìa khóa quan trọng để con người có thể học hỏi tiếp thu tri thức, kinh nghiệm và tinh hoa văn hóa của nhân loại. 

(Cinet)- Trong mọi thời đại, ngoại ngữ vừa là một công cụ, vừa là một chìa khóa quan trọng để con người có thể học hỏi tiếp thu tri thức, kinh nghiệm và tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Đối với các quốc gia, ngoại ngữ là cầu nối không thể thiếu trong quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế. Sinh thời, Các Mác thành thạo mười ngoại ngữ; Ăngghen biết đến hai mươi mốt thứ tiếng, trong đó có cả những tiếng cổ như tiếng Pháp cổ, tiếng Tây Ban Nha cổ; Lênin thành thạo, đọc và dịch được tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, đọc được tiếng Ba Lan và tiếng Ý. Cũng như những người đã sáng lập ra Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nổi tiếng là người biết nhiều ngoại ngữ và có thể sử dụng một cách thành thạo. Trong bản khai lý lịch tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản họp ở Mátxcơva vào tháng 7 và 8 năm 1935, Bác Hồ với bí danh là Lin đã khai ở mục thứ 18, biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông, tiếng Ý, tiếng Đức. Trên thực tế, Bác còn biết tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha... Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Bác Hồ có thể nói được 29 thứ tiếng, chưa kể tiếng một số dân tộc nước ta. Trong các tiếng đó có những thứ tiếng Bác rất uyên thâm...

Thời thơ bé, vốn xuất thân từ gia đình nhà Nho, Bác Hồ đã theo học chữ Hán. Khi học tại các trường tiểu học ở Vinh, Đông Ba (Huế) rồi Trường Quốc học Huế, Bác có dịp tiếp xúc với tiếng Pháp song mới chỉ là những kiến thức cơ bản ban đầu. Khi bước chân ra đi tìm đường cứu nước, nhận thấy vai trò quan trọng của ngoại ngữ trong việc giao tiếp học hỏi, Bác dành sự quan tâm đặc biệt cho việc tự học ngoại ngữ. Trong hành trình đi tìm con đường cứu nước, cứu dân, đến làm việc tại nước nào, việc đầu tiên Bác thực hiện là học ngôn ngữ của đất nước đó để có thể có phương tiện giao tiếp, tìm hiểu. Dù gian khổ, nhọc nhằn, nhưng Người luôn vượt lên hoàn cảnh và tận dụng mọi cơ hội để học ngoại ngữ. Sau này, Bác chia sẻ và khuyên mọi người: "Biết tiếng nước người ta dễ gây cảm tình lắm, gặp người dân thường mình cũng nói chuyện được dăm ba câu, nói được thì gây ảnh hưởng tốt lắm!". Cũng vì lẽ đó, trước khi Bác đi thăm Indonesia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Hungary... Bác đều ghi để học một số câu nói thông thường nhất. 



Người đã để lại cho chúng ta một tấm gương tự học ngoại ngữ đầy sáng tạo. Tìm hiểu về phương pháp và bí quyết thành công của Người trong việc học ngoại ngữ, chúng tôi thấy có một số điểm đáng chú ý sau: 



Thứ nhất: Để học ngoại ngữ, Người không chỉ học ở sách mà luôn chú trọng học qua giao tiếp với người nước ngoài, đặc biệt là người bản xứ. 



Bác Hồ rất mạnh dạn, luôn tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp với người bản xứ trong quá trình học một thứ tiếng mới. Trần Dân Tiên qua Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch đã kể lại những chi tiết về việc Bác học tiếng Pháp, tiếng Anh như thế nào. 



Khi làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville: "Mỗi ngày 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi (những người Việt Nam làm công trên chuyến tàu) ngủ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm. 



Vài ngày sau tàu rời bến, có hai hành khách, hai người lính giải ngũ trở về Pháp. Tôi không hiểu tại sao hai anh này đã trở nên bạn thân của anh Ba. Họ giúp anh nhặt rau và buổi tối họ cho anh mượn những quyển sách nhỏ, dạy cho anh đọc và viết. Những ngày làm vườn cho ông chủ tàu ở Saint Adresse, anh học tiếng Pháp với cô sen". 



Cách học từ của Bác thật đơn giản: Muốn biết một vật nào đó tiếng Pháp gọi là gì, Bác chỉ vật ấy rồi hỏi, xong viết vào mảnh giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất, để vừa làm việc vừa học được. Có khi Người viết chữ vào cánh tay, bàn tay để dễ nhớ, dễ học. Người dành dụm từng ly café cho người thủy thủ Angeri để tranh thủ học giao tiếp tiếng Pháp với anh ta. Học được chữ nào, Bác ghép câu dùng ngay. 



Những ngày sống ở Anh, trong thời tiết khắc nghiệt Bác đã phải làm những công việc rất cực nhọc để kiếm sống: Xúc tuyết, đốt lò, dọn dẹp khách sạn... nhưng ngoài giờ đi làm, sáng sớm và chiều tối Người vẫn tập trung học tiếng Anh thông qua đọc sách báo. Hình ảnh Bác ngồi học trong vườn hoa Hayden với một quyển sách và một cái bút chì được in dấu trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Hàng tuần, vào ngày nghỉ Bác đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý. 



Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, Bác cũng có thể tìm cơ hội học tập, không bỏ phí một chút thời gian nào. Khi có dịp đến làm việc ở bất cứ nước nào Bác cũng chú ý học ngôn ngữ nước đó để có điều kiện nghiên cứu, hoạt động được tốt. Khi đến nước Nga, Bác bắt tay vào học tiếng Nga ngay. Chỉ sau hai ngày, Người đã có thể nói được một số từ tiếng Nga với người bạn Pháp. Sau này, thời gian Bác ở Nga không dài nhưng Người đã làm được việc phiên dịch. Khi tiếp cận bước đầu với ngôn ngữ hệ Slavo, Bác xác định: Đây là thứ ngôn ngữ rất khó phát âm, do đó phải mất một thời gian dài học tập. Tuy nhiên, với quyết tâm học ngoại ngữ của Bác, Người đã thông thạo ngôn ngữ này. Nhờ đó, sau này với cương vị là Chủ tịch nước Bác có thể dùng tiếng Nga để tiếp khách, nói chuyện. Ấn tượng về khả năng tiếng Nga của Bác được Tơrachiacốp, Thuyền phó thứ nhất tàu Giắcginxki (Liên Xô cũ) kể lại: ngày 30 tháng 5 năm 1957 là một trong những ngày vui mừng của thủy thủ, vì đồng chí Hồ Chí Minh tới thăm tàu, đặc biệt là trong cuộc nói chuyện thân mật với anh em thủy thủ, đồng chí Hồ Chí Minh luôn dùng tiếng Nga, mà không cần phiên dịch, chúng tôi rất vui sướng khi thấy Người nói tiếng Nga một cách thông thạo. 



Thời gian ở Trung Quốc, Bác học tiếng Trung Quốc. Trần Dân Tiên kể: "Nhân đọc được quảng cáo trên tờ Quảng Châu nhật báo, Người đã tìm đến làm phiên dịch cho ông Bôrôđin, cố vấn chính trị của bác sĩ Tôn Dật Tiên và của chính phủ Quảng Châu". 



Khi hoạt động ở Quảng Châu, Quốc dân đảng ở Trung Quốc định thủ tiêu Bác, Bác đã phải lánh sang hoạt động ở Thái Lan. Tại Thái Lan, Bác lại tự học tiếng Thái và Người có thể sử dụng tiếng Thái rất thành thạo. 



Tinh thần ham học ngoại ngữ của Người luôn được duy trì ngay cả khi Người đã là Chủ tịch nước. Trước khi sang Đức để đi Liên Xô, Bác lại học tiếng Đức. Ngày 14 tháng 1 năm 1964, nói chuyện với cán bộ ngoại giao, Bác nói: "Ở Đức thì điều kiện học hành có khá hơn, biết tiếng Pháp và tiếng Anh nên học cũng chóng hơn". 



Thời kỳ Bác ở Nga, Bác có quen biết một hoạ sĩ người Thụy Điển tên là Erik Johansson. Thông qua người họa sĩ này Người đọc thêm tiếng Thụy Điển. Sau này, ông Johansson đã viết về Bác trên báo Buổi chiều của Thụy Điển ngày 26 tháng 12 năm 1967 với một sự khâm phục, ngưỡng mộ: "Trong thời gian gặp nhau ngắn ngủi khoảng bốn tháng, Người đã học được rất nhiều tiếng Thụy Điển và Người đã có thể làm cho người Thụy Điển hiểu một cách dễ dàng". 



Điểm thứ hai đáng chú ý trong phương pháp tự học ngoại ngữ của Bác là: học ngoại ngữ phải kiên trì, đều đặn để đạt kết quả tốt, phải không ngừng trau dồi bổ sung thêm vốn từ vựng và thực hành nói và viết. 



Có lần nói chuyện với thanh niên, Bác đã kể lại: Để học được ngoại ngữ Bác phải kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ, học ở mọi nơi mọi lúc cho kỳ thuộc, có khi viết các từ đó lên cánh tay để vừa làm vừa nhìn vào đó cho nhớ. Hôm sau lại học mười từ khác, cứ thế mà tích luỹ dần như ta bỏ tiền tiết kiệm hàng ngày vào ống. Bằng cách đó dần dần Bác học được rất nhiều ngoại ngữ. 



Nhờ kiên trì học tập, trình độ ngoại ngữ của Bác đã không ngừng được nâng lên. Thời gian ở Pháp, năm 1919, Bác còn phải nhờ luật sư Phan Văn Trường thể hiện bản Yêu sách 8 điểm, thì đến giữa năm 1920, Bác đã có thể viết được cuốn sách Những người bị áp bức bằng tiếng Pháp và nhờ Marcel Cachin đề tựa. Bác còn viết bài cho các báo Nhân đạo (L'Humanité), Dân chúng (Populaire) và Người đã sáng lập ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Ngay trong số đầu tiên ra ngày 1 tháng 4 năm 1922 Người đã thể hiện rõ quan điểm của mình: Người cùng khổ là vũ khí để chiến đấu, sứ mệnh của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người. 



Nhờ không ngừng trau dồi và rèn luyện, không chỉ viết báo, Bác có thể sử dụng tiếng Pháp trong mọi tình huống. Trong thời gian mười năm hoạt động ở Pháp, Bác đã diễn thuyết, nói chuyện, phát biểu ở nhiều nơi. Bài phát biểu của Bác ở Đại hội Tua (năm 1920) và “Bản tham luận về dân tộc thuộc địa” ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 (năm 1924) đã để lại những tiếng vang thời đó. Hai bài phát biểu bằng tiếng Pháp đã thể hiện tầm nhìn sáng suốt và sâu sắc về chính trị và tài năng hùng biện bằng tiếng nước ngoài của Hồ Chủ tịch. 



Sau này trong quá trình ở Pháp hay ở những nơi khác để hoạt động cách mạng, Bác vẫn tự học và sử dụng tiếng Anh đọc sách, giao thiệp và dịch thuật. Thời gian hoạt động ở Trung Quốc, Bác đã dịch những tờ báo Trung Quốc sang tiếng Anh. 



Tiếp cận với Hán văn, Người tích cực rèn giũa cách nói và viết của mình qua giao tiếp, đọc báo, viết báo cáo... do đó Người có được vốn tiếng Hán uyên thâm. Nhờ vốn kiến thức này, mà trong thời gian từ tháng 8/1942 đến tháng 10/1943 khi bị giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Người đã viết được hơn một trăm bài thơ bằng tiếng Hán. Những bài thơ đó về sau đã được xuất bản thành tuyển tập thơ Nhật ký trong tù và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhà Việt Nam học người Nga N.Phêđôrencô nhận xét: “Học chữ Hán cực khó, nắm vững nó, làm được thơ là một hiện tượng lạ, hiếm thấy… Nhật ký trong tù - một thi phẩm bằng chữ Hán có nội dung sâu sắc, ngôn từ, nhịp điệu phong cách rất riêng…”. Chắc chắn, nếu không có quá trình nỗ lực tự học thì Bác sẽ không làm được điều đó.



Cũng chính nhờ biết nhiều ngoại ngữ, Bác đã dịch, biên dịch hoặc biên soạn được nhiều tư liệu quý báu phục vụ kịp thời cho cách mạng trong các giai đoạn khác nhau. Sau hơn ba mươi năm trời xa đất nước, Bác đã về nước với chiếc va-li mây (hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) chỉ vẻn vẹn có mấy thứ, trong đó có quyển Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô bằng tiếng Hán. Bác lược dịch quyển này làm tài liệu huấn luyện cán bộ. 



Năm 1942, để hình thành tài liệu đào tạo cán bộ quân sự, Bác đã biên dịch cuốn Phép thuật làm tướng của Gia Cát Khổng Minh. Khổng Minh là nhà quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc. Người không dịch nguyên văn mà biên soạn thành quyển Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh. Quyển này có đề ở ngoài bìa: Hồ Chí Minh biên dịch và bình luận, nói về tiêu chuẩn đức tài, tư cách đạo đức và phép dùng binh cơ bản của một người tướng. 



Năm 1943, để bồi dưỡng kiến thức quân sự cho cán bộ quân đội của chúng ta, Bác đã lược dịch và giới thiệu những điểm cơ bản trong tư tưởng chiến lược, chiến thuật quân sự của Tôn Tử, nhà quân sự nổi tiếng của Trung Quốc trong Quyển “Phép dùng binh của Tôn Tử” (Binh thư Tôn Tử). Quyển này được Việt Minh xuất bản vào tháng 2 năm 1945. 



Ngay cả khi tuổi đã cao, Bác vẫn không ngừng trau dồi vốn ngoại ngữ của mình. Đọc Nhân dân nhật báo Trung Quốc, gặp chữ nào mới, Bác vẫn ghi vào để học, có những danh từ khoa học không tra được trong từ điển thông thường, Bác viết thư hỏi ông Văn Trang (Bác thường viết tắt là V.T) làm ở sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nhờ giải nghĩa cho Bác từ ngữ ấy. 



Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh và chủ động hội nhập quốc tế, ngoại ngữ đã trở thành một công cụ không thể thiếu để mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, mở cửa kho tàng kiến thức của nhân loại và đường dẫn đi đến thành công. Do đó, để có thể làm việc tốt, nghiên cứu tốt và học tập tốt, mỗi người đều phải quan tâm đến việc trau dồi ngoại ngữ theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.



Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ