(Tổ Quốc) - Nga- Trung có thể có nhiều lợi thế trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề tên lửa hạt nhân.
Mỹ gây áp lực với Triều Tiên
Tờ the Hill trích dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Mỹ đang tiến hành chiến dịch gây áp lực tối đa nhằm ngăn cản Triều Tiên theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: the Hill |
Tuy nhiên, mục tiêu của Tổng thống Trump trong chiến dịch tăng cường các trừng phạt vào Triều Tiên vẫn không khiến nước này ngồi vào bàn đàm phán ngăn chặn thách thức hạt nhân. Theo các nhà quan sát, lỗi không phải là do quyết định của Tổng thống Trump. Ông Trump có thể chỉ mong muốn tiến tới định hướng “phi chiến tranh” nhằm giải quyết khủng hoảng dai dẳng tại bán đảo Triều Tiên.
Các nhà quan sát cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ cả Moscow và Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì sợi dây kết nối trong lĩnh vực kinh tế với Bình Nhưỡng. Các tàu chở dầu đến Triều Tiên cùng với các thương vụ mua bán từ Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục cứu sống chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Các vụ giao dịch của các công ty tại 3 nước này vẫn duy trì đều, tuy nhiên, chính quyền Moscow và Bắc Kinh vẫn không có phản ứng nhằm ngăn chặn họ.
Lầu Năm Góc vừa công bố chiến lược quốc phòng quốc gia, trong đó Mỹ có nhắc đến vi phạm của Nga và Trung Quốc là rào cản đối với Mỹ. Chiến lược do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trình bày hôm 19/1 đã phản ánh chính xác viễn cảnh mới theo quan điểm của Tổng thống Donald Trump. Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và Mỹ bất ngờ trở thành bá chủ thế giới đã kết thúc.
Chiến lược quốc phòng mới chỉ ra: "Trong nhiều thập kỷ, nước Mỹ đã đạt được sự vượt trội bất ngờ hoặc thống trị trong mọi lĩnh vực. Nước Mỹ thường chủ động triển khai các lực lượng quân đội theo thời gian, địa điểm và cách thức của chúng ta. Tuy vậy, mọi thứ đã thay đổi cả trên không, trên bộ, trên biển, trong vũ trụ và không gian mạng".
Thêm vào đó, chiến lược quốc phòng Mỹ cũng cho biết: “Thách thức chính đối với sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ là sự tái xuất hiện cạnh tranh dài hạn mang tính chiến lược của hai siêu cường Trung Quốc và Nga”.
Nga- Trung “trục lợi” từ vấn đề Triều Tiên
Chiến lược quốc phòng mới của Lầu Năm Góc cũng ghi chú: “Thủ thuật của Trung Quốc là phát huy tối đa hiện đại hóa quân sự, các hoạt động ảnh hưởng và lợi dụng kinh tế ép buộc các nước láng giềng”. Tương tự như vậy, Nga tìm kiếm thẩm quyền phủ quyết các quyết định quản lý, kinh tế và ngoại giao đối với các quốc gia ở vùng ngoại biên; tìm cách phá vỡ NATO và thay đổi các cấu trúc an ninh ở châu Âu và Trung Đông theo hướng thuận lợi cho Nga; tăng thêm và hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân.
Nga đóng vai trò không lớn trong nền kinh tế toàn cầu và Tổng thống Trump không hề muốn làm điều gì liên quan tới Nga ảnh hưởng kế hoạch của mình. Khi có những quyết định liên quan tới Nga, Tổng thống Mỹ luôn kỳ vọng đạt những lợi ích một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất. Ông Trump sẽ ngay lập tức từ bỏ kế hoạch này nếu các tổn thất về chính trị cao hơn dự kiến.
Các chuyên gia phân tích, các thủ thuật mạnh tay có thể đưa trở lại vòng chính trị vào thời Chiến tranh Lạnh hoặc trước Chiến tranh thế giới I. Chiến lược mới của Lầu Năm Góc có thể làm hay đổi nhận thức về các thay đổi của trật tự thế giới.
Mỹ liên tục khẳng định ảnh hưởng toàn cầu với vai trò xem như cường quốc số 1 trong các thập kỷ qua. Washington không còn vượt trội với uy thế sau khi Trung Quốc cải cách kinh tế hay Nga luôn khẳng định quyền lực quân sự toàn cầu như hiện nay.
“Cả Moscow và Bắc Kinh đều luôn muốn có cơ hội thay thế vị trí của Mỹ và đồng minh của nó nhằm thay đổi trật tự thế giới”, các nhà quan sát nhận định.
Mặc dù hành vi được cho là chủ ý nhưng Triều Tiên vẫn hướng về phía Trung Quốc và Nga. Triều Tiên và Mỹ liên tục có các phản ứng mạnh mẽ xung quanh vấn đề vũ khí hạt nhân.
Thêm vào đó, bởi vấn đề tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, Mỹ liên tục kêu gọi sự giúp đỡ của Trung Quốc giải quyết vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên. Tóm lại, Washington vẫn cần Trung Quốc giống như một trung gian hòa giải cho vấn đề căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên.
Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và Nga
Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong thập kỷ qua đã bộc lộ tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh tại châu Phi, Ấn Độ Dương và Bắc Cực. Trong các thập kỷ qua, chính quyền Đảng dân chủ và Đảng cộng hòa của Mỹ đều tin tưởng rằng, việc phát triển kinh tế của Bắc Kinh đã khiến cho nước này lớn mạnh và quyền lực quân sự.
Tương tự như vậy, Nga cũng liên tục ảnh hưởng trong vấn đề Ukraine và Syria. Nhiều quan chức Nga tin rằng tổng thống Donald Trump đang điều chỉnh vị thế của Mỹ trên thế giới. Đã đến lúc Mỹ chuyển từ vị thế lãnh đạo và điều phối trật tự toàn cầu sang chính sách đối ngoại hướng nhiều tới lợi ích quốc gia hơn.
Tổng thống Donald Trump cho rằng một số nước thành viên còn nợ Mỹ và NATO một khoản tiền lớn mặc dù việc đóng góp là tự nguyện. Chính sách của NATO quy định rằng, quốc gia thành viên phải dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quốc phòng. Năm 2015, chỉ có 5 nước đạt được chỉ tiêu này, bao gồm Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ. Mỹ thậm chí còn trích 3,62% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Cả Trung Quốc và Nga đều không hề thích thú với tham vọng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên nhưng có thể vấn đề của Bình Nhưỡng và Washington lại có thể có lợi cho Moscow cũng như Bắc Kinh.
Theo các nhà quan sát, Nga và Trung Quốc không chỉ viện trợ mà còn hỗ trợ công nghệ giúp đỡ quá trình thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cả hai nước đều đồng thuận các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với vấn đề tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các tàu cập cảng Triều Tiên vẫn liên tục hoạt động.
Các nhà phân tích cho biết, người Nga và người Trung Quốc có thể xem Triều Tiên là vũ khí lợi hại nhằm chống lại Mỹ.