• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lá chắn tên lửa Nga bên lề căng thẳng Triều Tiên

Thế giới 14/08/2017 13:22

(Tổ Quốc) - Các lực lượng Nga ở khu vực Viễn Đông vẫn tiếp tục hoạt động như thường lệ và không triển khai tình trạng cảnh báo bất chấp căng thẳng Triều Tiên gần đây.  

Các lực lượng Nga ở khu vực Viễn Đông vẫn tiếp tục hoạt động như thường lệ và không triển khai tình trạng cảnh báo bất chấp căng thẳng về bán đảo Triều Tiên gần đây.

"Các lực lượng vũ trang Nga ở Viễn Đông, bao gồm các lực lượng phòng không, đang hoạt động bình thường. Không có hiệu lệnh chuyển sang trạng thái tăng cường để sẵn sàng chiến đấu", một nguồn tin ở khu quân sự miền Đông nói với Sputnik ngày 12/8.

Lực lượng Nga ở Viễn Đông vẫn đang hoạt động bình thường và sẵn sàng cho mọi tình huống. (Nguồn: RDM)

Tuyên bố này bác bỏ nhận định trước đó của thượng nghị sĩ Nga Viktor Ozerov, người nói với Sputnik rằng các hệ thống phòng không ở Viễn Đông đã được chuyển sang tình trạng cảnh báo cao trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

“Khói súng” về Triều Tiên gần đây đã tăng lên do các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo gần đây của Bình Nhưỡng – động thái vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Tháng trước, Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử tên lửa và theo Lầu năm góc, cả hai hành động này đều sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Trong tuần vừa qua, Mỹ và Triều Tiên cũng đã đáp trả nhau bằng hàng loạt tuyên bố về chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đỉnh điểm của cuộc “khẩu chiến” là việc Triều Tiên tuyên bố đang lên kế hoạch phóng tên lửa bay qua nhiều vùng lãnh thổ Nhật Bản và hướng tới đảo Guam – nơi Mỹ triển khai căn cứ quân sự và nhiều loại máy bay hạng nặng, vào giữa tháng 8 này.

Trước diễn biến trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuần qua cho biết họ có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên tới Guam nếu chúng bay qua vùng trời nước này. Truyền thông Nhật Bản ngày 12/8 cũng cho biết, các hệ thống phòng thủ tên lửa có thể được triển khai bổ sung tại 4 tỉnh – nơi tên lửa Triều Tiên bay qua trước khi tới Mỹ.

Lá chắn tên lửa Nga luôn sẵn sàng

Về phía Nga, Điện Kremlin đã nhiều lần lên tiếng về tình hình trên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 12/8  cho biết Nga phản đối việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, và lo ngại rằng, nguy cơ xung đột  giữa Washington và Bình Nhưỡng leo thang thành một cuộc chiến tranh là rất cao.

Trong bối cảnh này, dù chưa ban hành lệnh cảnh báo, lực lượng của Nga ở Viễn Đông vẫn luôn sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra ở bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, phía Nga luôn cảnh giác về nguy cơ tên lửa của Triều Tiên có thể bay sang Nga do sự cố kỹ thuật hoặc tính toán sai lệch về tọa độ các mục tiêu.

Vùng trời của Nga tại khu vực này do bộ chỉ huy không quân và tên lửa số 11 – đóng tại Khabarovsk phòng thủ. Đây là một trong những đơn vị có năng lực và được vũ trang tiên tiến nhất trong quân đội Nga.

Vladivostok cũng là nơi có sư đoàn phòng không thứ 93, bao gồm bốn phân bộ hệ thống phòng không và tên lửa S-300PS cùng hai phân bộ hệ thống phòng không S-400.  Các nhóm phân bộ này có tổng cộng gần 50 bệ phóng tên lửa.

Ngoài ra, Nga cũng triển khai sư đoàn phòng không thứ 25 tới đóng tại Komsomolsk-on-Amur. Đơn vị này có tám phân bộ S-300PS và hai phân bộ S-300V, với tổng cộng 80 bệ phóng tên lửa.

Về nhiệm vụ trọng yếu, lá chắn tên lửa của bộ chỉ huy không quân và tên lửa số 11 trên được cho là sẽ đẩy lùi được các cuộc tấn công tiềm tàng từ phía đông và bảo vệ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga- có trụ sở chính tại Vladivostok . Đồng thời, hệ thống trên vẫn có thể hoạt động hiệu quả nếu đối mặt với tên lửa từ hướng bán đảo Triều Tiên.

Hơn nữa, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng có thể được triển khai hệ thống tích hợp phòng không  và phòng thủ tên lửa để hoạt động hiệu quả tại khu vực. Tàu tuần dương Varyag, thuộc hạm đội này, đã được trang bị hệ thống phòng không Fort (phiên bản triển khai trên tàu chiến của S-300). Hệ thống này có phạm vi hoạt động lên đến 200 km và tầm ngắm cao tới 27 km.

Hạm đội Thái Bình Dương cũng bao gồm trung đoàn tên lửa 1.532 đặt tại Petropavlovsk-Kamchatsky, được trang bị ba hệ thống tên lửa S-400. Dù vậy, “lá chắn tên lửa tại Viễn Đông của Nga chưa có khả năng đánh chặn ICBM. Vào thời điểm hiện nay, các hệ thống S-300 và S-400, đã được triển khai trong khu vực này, chỉ ngăn chặn được các tên lửa tầm trung của Triều Tiên, "chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok nói với Sputnik.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng để nhanh chóng phát hiện ra tên lửa đạn đạo, nước này cần phải sử dụng cơ sở hạ tầng của lực lượng không gian vũ trụ, bao gồm các vệ tinh thuộc hệ thống cảnh báo sớm.

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ